Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy kết quả của một đời tu không phụ thuộc nhiều bởi tiền tài, vật chất hay trình độ tri thức mà tùy thuộc vào lòng chí thành cũng như lòng tin vào Thầy Mẹ và lý tưởng Đại Đạo. Như thế những loại hình công quả sẽ có giá trị hơn, đó là:
- Giáo dục tinh thần, nội tâm
“Cứu người trong cơn bịnh, giúp người qua lúc đói rách, đó là một nghĩa cử bác ái từ thiện, có công đức âm chất. Nhưng nếu đem so sánh với những phương tiện đem cứu người qua cơn bịnh về tinh thần, khỏi cơn đói về tư tưởng thì lại càng có công đức và âm chất nhiều hơn...
Như vậy, việc đem đạo giúp đời hay cứu đời không phải chỉ có một phiến diện vật chất hoặc sức lực mà phải cần đến phần giáo dục tinh thần ở nội tâm lại càng quý giá vô cùng.”
(Đức Vạn Hạnh Thiền Sư)
Lời nói khuyến thiện hay góp phần giáo dục để mọi người sống lương thiện và biết yêu thương chia xẻ từ vật chất đến tinh thần với người khác là một dạng công quả cao quý giá trị hơn cả vật chất. Tất nhiên những hình thức qua ngôn từ, sách vở giúp người giác ngộ để tiến bộ về tâm linh lại càng quý hơn nữa!
- Công Quả PHỔ ĐỘ CHÚNG SANH là căn bản
Thánh Ngôn Hiệp tuyển có ghi lại câu chuyện liễu đạo của một vị Tiền Khai Đại Đạo là Ngài Thượng Chưởng Pháp Nguyễn Văn Tương:
▪ “Thầy có để lời cho Thái Bạch Kim Tinh cầu rỗi, nhưng Người giận Tương không công quả, dâng Bộ Công Thiên thơ ra trống trải lắm, tại nơi Tòa mới cãi chối nỗi gì. Người nhứt định không dự đến…
Vậy trong hịch văn sớ tấu, các con phải thượng nơi Tòa Tam Giáo mà cầu rỗi cho nó thiệt hết lòng, rồi Thầy sẽ rỗi cho nó. Các con hiểu.”
Vậy người tín hữu Cao Đài muốn được trở về phục lệnh dưới chân Thầy cần phải làm gì?
Tất nhiên, thí dụ trên cho thấy cần phải có Công Quả. Nhưng loại công quả nào mới thật sự góp phần để cho việc trở lại quê xưa thành hiện thực?
Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu xem điều căn bản chánh yếu của công quả là gì.
▪ “Thầy hằng nói cùng các con rằng: Một trường thi công quả, các con muốn đến đặng nơi Cực Lạc thì phải đi tại cửa này mà thôi.
Thầy lại khuyên nhủ các con rằng: Thầy đã đến chung cùng với các con, các con duy có tu mà đắc đạo; phải đoái lại bá thiên vạn ức nhơn sanh còn phải trầm luân nơi khổ hải chưa thoát khỏi luân hồi, để lòng từ bi mà độ rỗi.”
▪ “Như chư đệ muội đây, khi nhập đạo đến giờ, từ người chức sắc đến tín đồ kẻ thì độ được năm bảy vị, người cũng độ được một đôi chục vị, có vị cũng chẳng độ được một ai.
Chớ lúc còn cơ phổ độ thì những anh lớn của chư đệ muội trước kia, người độ cả số ngàn số muôn cũng có. Vì lẽ ấy, mà những bậc tiền bối quá vãng, ngày nay cũng đều được đắc quả Thánh Tiên cả thảy.
Lão nhắc đây để cho chư chức sắc cùng đạo tâm hiểu lẽ trọng yếu ấy mà lo độ nhơn sanh sống trong chung quanh mình. Nghĩa là trong gia đình thân tộc cũng chưa phải là hoàn toàn nhập vào đạo Thầy hết, nên phải ráng lập công phổ độ.”
[Đức Lý Giáo Tông, Thánh Huấn Hiệp Tuyển 2 tr45]
Ơn trên dạy “Tu không phải độc thiện kỳ thân” nghĩa là không chỉ tu cho riêng mình. Thời Tam Kỳ này, công quả chánh yếu là phải góp phần “phổ độ chúng sanh” như lời trong bài kinh Ngũ Nguyện “Nhứt nguyện Đại Đạo hoằng khai, Nhì nguyện phổ độ chúng sanh”.
Trên đường phổ độ, công quả có giá trị nhất là xây dựng và bồi đắp đức tin cho đồng đạo. Ơn Trên luôn nhắc nhở:
▪ “Các con liệu phương thế mà nâng đở đức tin của môn đệ cao lên hằng ngày. Ấy là công quả đầu hết.”
▪ “Lòng mong độ thêm người chưa biết Đạo phải song song với sự nuôi dưỡng đức tin đối với người bạn Đạo. Nếu vô tình hoặc cố ý để mất đức tin một người bạn Đạo lâu năm còn quan trọng hơn độ thêm năm, mười người khác nữa.”