Giáo Sư-Tiến Sĩ Trần Văn Khuê nói về nhạc lễ Cao Đài

tuoitre_daidao

New member
đọc thấy hay và hơi ngạc nhiên nên đệ copy gởi lên 4R cho quý hiền tham khảo, không biết 4R đã có bài này chưa nhỉ?

Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Khê sinh ngày 24-7-1921, tại làng Đông Hòa, tổng Thuận Bình, tỉnh Mỹ Tho. Năm lên chín, ông và hai em (Trần Văn Trạch, Trần Ngọc Sương) mồ côi mẹ; năm sau lại mồ côi cha; được người cô thứ ba là Trần Ngọc Viện đem về nuôi, cho đi học lớp sơ đẳng (cours élémentaire) ở Vĩnh Kim (Mỹ Tho). Ông thi đậu tiểu học, được cô Ba Viện gởi qua Tam Bình (Vĩnh Long) ở với người cô thứ năm là Trần Ngọc Cảnh. Dượng Năm ông là điền chủ Nguyễn Văn Dương, tức Mười Tòng, bấy giờ là phối sư đạo Cao Đài. Do hoàn cảnh đó, được sớm gần gũi, hiểu nhiều về đạo Cao Đài, nên sau này, Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Khê đã viết về nhạc lễ Cao Đài, in trong bộ Bách khoa từ điển âm nhạc tôn giáo thế giới.

Sáng thứ Sáu, ngày 11-10-1996, Giáo sư Trần Văn Khê nói về nhạc truyền thống dân tộc Việt Nam và nhạc lễ Cao Đài tại thánh thất Từ Vân. Giáo sư kể lại ít nhiều kỷ niệm không quên trong thời hoa niên ở Tam Bình với Dượng Năm (Mười Tòng) là chức sắc Cao Đài cũng như với hai nhân vật Cao Đài khác là Nguyễn Văn Ngợi (Ba Ngợi) và Trần Văn Quế (Huệ Lương). Giáo sư kể:

“(...) Nhờ dượng tôi mà tôi biết tới đạo Cao Đài từ năm mười tuổi. Năm đó, dượng tôi có đọc cho tôi một bài thơ mà tới bây giờ tôi còn nhớ. Có nhiều đoạn tôi không hiểu mà tới bây giờ tôi mới hiểu. Dượng tôi nói: Chà, có bài thơ này hay lắm con. Bài thơ này nói chuyện về tương lai của đất nước Việt Nam. Đọc lên nè:

Cuộc cờ xe pháo lướt xông pha,
Tách khỏi bình dương rõ chánh tà.
Áo tả đứt bâu, quần mất ống,
Cõng con dắt vợ lụy chan hòa.
Lìa cha xa mẹ phân đôi ngã,
Biệt tổ vong quê lạc cửa nhà.
Cõi thảm mạt đời trời chẳng nắng,
Một cơn tận thế khó mưa sa.

“(...) Có một chuyện tôi không hiểu; tại sao biệt tổ vong quê lạc cửa nhà. Đất nước tại sao bỏ đi đến nỗi quên cái quê hương của mình? Không ngờ là chuyện đó tôi nghe hồi 1934, mà bây giờ tôi mới hiểu có những trường hợp ‘biệt tổ vong quê lạc cửa nhà’... Tôi cho đó là cơ duyên thứ nhất cho tôi đến với đạo Cao Đài.

“Cơ duyên thứ nhì. Tôi học trường Tam Bình mà ông Đốc học Nguyễn Văn Ngợi là thầy của tôi hồi lớp Nhứt (cours supérieur) cũng đạo Cao Đài. Tới nhà thầy chơi đờn với thầy thì cũng thấy đạo Cao Đài. Rồi sau này tôi lên [Sài Gòn] học trường Petrus Ký tôi gặp người thầy Việt văn là Trần Văn Quế thì thầy tôi cũng là người đạo Cao Đài.

“Cho nên khi tôi được lời mời họp với ban chấp bút để viết Bách khoa từ điển âm nhạc tôn giáo thế giới, người ta hỏi tôn giáo nào từ đất nước Việt Nam sinh ra, hoặc là có mặt ở đất nước Việt Nam từ lâu; (...) thì tôi nghĩ bây giờ trong đất nước Việt Nam chẳng những có Phật giáo mà còn có Cao Đài giáo.

“Tôi viết thơ cho thầy tôi là Trần Văn Quế, xin thầy cho biết rõ coi trong đạo Cao Đài tổ chức việc nhạc như thế nào. Một hôm thầy tôi gởi cho tôi một bức thơ trong đó có chép lại một bài cơ bút đã giáng xuống [quy] định cho tất cả nhạc trong đạo Cao Đài. Lần đó tôi mới giựt mình thấy tất cả nhạc trong đạo Cao Đài đều do nhạc trong dân gian Việt Nam, trong truyền thống Việt Nam đưa vào, không phải từ phương xa đi tới, không phải từ một nước ngoài đi tới. Chính từ trong dân gian Việt Nam mà đưa ra. Thì điều đó là cái duyên của tôi đã đến với đạo Cao Đài trong ba thời kỳ: (1) gặp Dượng Năm tôi; (2) gặp Đốc học Nguyễn Văn Ngợi; (3) gặp Giáo sư Trần Văn Quế. Nhờ ba người đó mà tôi hiểu đạo Cao Đài để mà có thể viết tóm tắt ra gần một chục trang góp mặt với Bách khoa từ điển âm nhạc tôn giáo thế giới.

“Điều làm cho tôi rất vui là [khi] có mặt ở trên đất nước phương Tây, không bao giờ bỏ qua một cơ hội để cho âm nhạc đạo giáo Việt Nam được góp mặt với thế giới, mặc dù trong điều kiện rất khó khăn, [vì] lúc đó tôi chưa có dịp trở về đây [Việt Nam], chưa có dịp gặp gỡ các chức sắc Cao Đài để mà hỏi lại. Nhưng căn cứ trên cơ bút giáng thì tôi biết chắc căn bản âm nhạc Cao Đài như thế nào. Tôi mới hiểu tại sao có điệu ai, tại sao có điệu oán, tại sao có điệu xuân (...). Tất cả các điệu nhạc lễ đều có mặt trong nghi lễ của đạo Cao Đài. Điều đó làm cho tôi sáng tỏ được chẳng những là âm nhạc trong đạo Cao Đài mà [còn là] âm nhạc trong phong cách nhạc lễ miền Nam Việt Nam chứ không phải miền Trung hay miền Bắc. Tức là âm nhạc trong đạo Cao Đài dựa vào âm nhạc truyền thống dân gian của miền Nam một cách rõ ràng.

“(...) Tôi thấy trong âm nhạc dân gian ở miền Nam có một câu hát ru của bà mẹ, là một bài giáo dục âm nhạc đầu tiên rót vào tiềm thức của đứa trẻ. Cùng một lúc với dòng sữa nóng của bà mẹ nuôi cho thân thể đứa bé thì một điệu nhạc dân gian, một bài thơ dân gian đã rót vào trong bộ nhớ của trẻ em để nó ghi lại trong đó làm nền tảng.

“Lớn lên một chút rồi, muốn sáng tác một bài gì, muốn đưa ra một điệu nhạc nào thì cái cấu trúc của câu hát ru của bà mẹ hiện lên để làm nền, để làm mẫu cho người đó sáng tác, bởi vì người đó không có học nhạc viện, không có biết đô, rê, mi, pha, xon là cái gì hết, chỉ biết cái lời hát ru của bà mẹ. Thì lời hát ru đó đã thể hiện ngay trong bài Niệm hương của đạo Cao Đài.


Bài NIỆM HƯƠNG do GS.TS. Trần Văn Khê ký âm

“Bài hát ru của bà mẹ Việt Nam là: Ầu ơ... ơ... ví dầu... ầu... cầu ván ư... ư... đóng đinh; cầu tre...ơ... lắc lẻo ơ... gập ghình...ơ... khó đi... Cấu trúc là hò... xự... xang... (xang già mà rung một chút)... xê... cống... Thì đó là thang âm mà tôi nghe thấy trong lời kinh Cao Đài: Đạo... gốc bởi... lòng thành... tín hiệp... Lòng... nương nhang... khói tiếp... truyền ra... Mùi hương... lư ngọc... bay xa... Kính thành... cầu nguyện... tiên gia... chứng lòng... hò... xự... xang... xê... cống...

“Tiếng hát ru đó hiện ra trong kinh của Cao Đài, hiện ra trong tiếng kinh của Phật giáo (...). Tôi mới giựt mình. Hai đạo giáo đó có trên đất nước Việt Nam từ lâu, mà lời kinh tiếng kệ lại phản ảnh được tiếng hát ru của bà mẹ; từ trong lòng của dân tộc Việt Nam mà sanh đẻ ra những nét nhạc đó. Đó là một bằng cớ chứng tỏ rằng hai đạo giáo đó [Phật và Cao Đài] đã mật thiết liên quan tới đời sống hằng ngày của dân tộc Việt Nam.

“Sau đó tôi bắt đầu nghiên cứu thêm, mới có được sự hiểu biết mỗi một lần một chút. Do đó tôi mới thấy được tại sao mà có những hơi xuân [nam xuân] trong khi đọc bài Đại la Thiên đế (...) Rồi tất cả những bài kinh đồng nhi đọc như thế nào, nhạc đánh như thế nào (...). Tất cả làm thành một khối âm nhạc tôn giáo rất phong phú, rất sâu sắc mà nếu không nói ra, người trên thế giới họ không thể hiểu nổi chúng ta. Mà khi nói ra, người ta hiểu rồi, thì người ta bắt đầu kính nể dân tộc Việt Nam có một nền văn hóa rất vững chắc, bắt nguồn bắt rễ từ dòng nước âm nhạc của Việt Nam, từ trên mảnh đất phì nhiêu của truyền thống âm nhạc Việt Nam.

“Điều đó làm cho chúng tôi hết sức là vui mừng. Vui mừng là may mắn Trời cho cơ duyên có cái dịp đứng tại cái chỗ gọi là trung tâm văn hóa của cả thế giới tại thành phố Paris, đứng trong cái trường đại học có tên tuổi trên thế giới là trường Sorbonne; lợi dụng hai cái chỗ đứng của mình, đem cái tiếng nói của mình để mà làm sáng tỏ được nền âm nhạc truyền thống của dân tộc Việt Nam.

“Điều đó tôi cho là Ơn Trên đã cho tôi một cái phước mà được ở trong những cái địa điểm đó, và sống trong cái thời điểm đó, tức là lúc người ta bắt đầu tìm hiểu âm nhạc châu Á. Được như thế là có trời đất, được gặp gỡ thiên thời, địa lợi, nhân hòa mới làm được những công chuyện đó...

“Trong quá trình đó, không phải là có tài mà được, không phải chuyên tâm mà được. Phải nhờ Ơn Trên sắp đặt cho mình có một vị trí đó mới có thể đem cái tài, đem cái hiểu biết, chỉ là cái đóng góp nhỏ nhen so với cả một cái đức trời đất ban cho. Luôn luôn tôi chắp tay hoa mà lạy tạ ơn Trời Phật, để cho có một cái dịp mà nói được tiếng nói của âm nhạc dân tộc Việt Nam.

“Điều đó tôi cho là hạnh ngộ của tôi đối với âm nhạc, cái hạnh ngộ đối với tất cả các đạo giáo, cái hạnh ngộ của tôi đối với tất cả những người làm văn hóa trên thế giới."

Một khía cạnh khác của nhạc lễ Cao Đài thể hiện tính dân tộc, theo Giáo sư Trần Văn Khê, là nhịp hai. Giáo sư giải thích:

“Tại sao Việt Nam mình không có nhịp ba? Là bởi vì yếu tố của tiết tấu người Việt Nam mình căn cứ trong con người và môi trường sống của dân tộc Việt Nam. Con người sanh ra thì có hơi thở, thở vào thở ra [nhịp hai]. Có trái tim đập hai nhịp. Trái tim đập ba nhịp là đau rồi (...). Cái tướng đi đánh đòng xa, cũng hai nhịp. Con người thể hiện ra nhịp hai. Mẹ sanh ra đưa vào cái nôi, cái nôi kẽo cà kẽo kẹt, đưa qua đưa lại, là nhịp hai. Cây tre đầu làng phất phơ theo gió, là nhịp hai. Thủy triều lên xuống, là nhịp hai. Con sông nước lớn nước ròng, là nhịp hai. [Vậy] thì tất cả con người và môi trường trong đó người Việt Nam sống thể hiện ra nhịp hai rất nhiều. Nên chúng ta có nhịp hai, nhịp bốn, nhịp tám, nhịp mười sáu, nhịp ba mươi hai [bội số của nhịp hai] mà không có nhịp ba. Ngay cả nhịp ba-bảy của chèo (...), ba-bảy đó thật ra cũng có một nhịp bỏ, không đếm. Nhịp ba-bảy theo hát bội thì tuy nói là ba khoảng mà bốn nhịp, cho nên kêu nhịp ba-bảy mà thực ra là bốn nhịp mà ba khoảng, đánh bảy tiếng. Do đó, tôi thấy rằng xem xét tất cả, từ trong nhịp hát chèo, từ trong nhịp hát bội, từ trong đời sống con người, thì nhịp ba không có; nhịp ba chỉ có là khi nào mình ra ngoài múa nhảy. Khi đọc kinh nhịp hai, nhịp bốn là đúng theo phong cách người Việt Nam. Đọc theo nhịp ba là bắt đầu chuyển sang có hơi hướng ngoại lai, hoặc là theo điệu valse của bên ngoài (...).

“Nhạc đệm cho kinh - đối với cách đọc kinh Cao Đài theo nhịp hai, nhịp bốn - có thể dùng các bài đàn như nam ai, nam xuân, nhịp hai bốn phách để đệm vào đó hay không? Tôi xin trả lời, có thể được. Huống chi kinh Cao Đài không phải là một bài có nét nhạc cố định, mà nét nhạc đó di động, uyển chuyển theo điệu và hơi, giống như trong hát bội hoặc hát khách không có một nét nhạc nào nhứt định, hoặc hát nam không có cái hơi nào nhứt định, tùy theo cái bổng trầm, cái thanh giọng của thi ca Việt Nam mà ra. [Vậy] thì tùy theo cái thanh giọng bổng trầm trong câu kinh mà thể hiện ra hơi [nam] ai hay là [nam] xuân đều có thể được hết. Chữ không dấu thì luôn luôn thành xang; không dấu có thể thành liu; [chữ có] dấu huyền có thể làm hò... Làm như thế thì bất cứ chỗ nào cũng được, cho nên đờn nhịp hai, nhịp bốn cho vào đó luôn luôn có thể ăn." *


* LAD ghi lại theo băng ghi âm buổi nói chuyện ngày 11-10-1996 của Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Khê tại thánh thất Từ Vân, Phú Nhuận. Có lược bớt một số đoạn không liên quan tới chủ đề bài này, ở các chỗ đánh dấu (...); và những chữ trong dấu [...] do LAD chua thêm.

*Sau buổi nói chuyện, trong sổ lưu niệm của thánh thất Từ Vân, Giáo sư Trần Văn Khê viết:

“Ngày 11 tháng 10 dương lịch năm 1996 là một ngày tôi sẽ ghi nhớ mãi trong đời cơ duyên hạnh ngộ với các chức sắc và đạo hữu Cao Đài tại thánh thất Từ vân, đã đưa tôi về dĩ vãng lúc tôi mới được Dượng Năm tôi, Phối sư Thái Tòng Thanh, khai tâm để hiểu đôi điều về đạo Cao Đài, nhớ lại thời kỳ tôi còn là học sinh của Thầy Nguyễn Văn Ngợi và Thầy Trần Văn Quế, cho tôi có dịp hội ngộ với những người bạn chí thân của tôi trong lĩnh vực âm nhạc và kịch nghệ: Anh Nguyễn Vĩnh Bảo và Cô Bảy Phùng Há, để chúng tôi cùng đem tiếng đàn, điệu hát minh họa những lời giải thích về các hơi, các điệu trong âm nhạc truyền thống Việt Nam để cho các bạn yêu nhạc, các bạn trẻ của thế hệ mai sau hiểu thêm nguồn gốc của các hơi dùng trong cách đọc kinh Cao đài, thấy rõ rằng lễ nhạc dùng trong đạo Cao Đài rất đậm màu dân tộc Việt Nam.

“Bản sắc dân tộc đó chúng ta phải giữ gìn, không phải vì nệ cổ mà để cho nhạc, lễ Cao đài khỏi mất rễ xa nguồn và rơi vào mảnh đất ngoại lai.

“Cuộc hạnh ngộ đó không phải chúng ta muốn mà được. Tôi xin chắp tay hoa tạ Ơn Trên đã cho tôi sống được những phút tuyệt vời ngày 11 tháng 10 năm 1996 vừa qua.

“Miền Nam nước Việt, 15-10-96”

Thủ bút Gs.Ts. Trần Văn Khê (18-01-1997)

Qua buổi nói chuyện ở thánh thất Từ Vân, những ý kiến, nhận định của Giáo sư Trần Văn Khê về tính dân tộc trong nhạc lễ Cao Đài sẽ góp phần quan trọng cho việc nghiên cứu sâu rộng về tính dân tộc của một nền đạo bản địa Việt Nam.

--------------------------------------------------------------------------------
Ông nội của Giáo sư Khê là Trần Quang Diệm. Cho rằng khó nuôi con trai vì chữ Diệm 焰 có bộ hỏa 火 nên ông đặt tên con là Trần Quang Triều 潮 có bộ thủy氵. Sau này, ông Triều lại đặt tên con mình là Trần Văn Khê 溪 và Trần Văn Trạch 澤 cũng đều có bộ thủy氵.

Ông Khê sang Pháp học (1949), tốt nghiệp khoa Giao dịch quốc tế trường Khoa học Chính trị Paris (1951), đỗ tiến sĩ văn chương khoa Âm nhạc học trường Đại học Sorbonne (1958). Giáo sư Khê hiện cư trú ở số 44, rue Clément Perrot, 94400 Vitry-sur-Seine, nước Pháp. Chiều ngày 26-6-1999 Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã tổ chức lễ trao Huân chương Lao động hạng nhất do Chủ tịch nước tặng thưởng Giáo sư Trần Văn Khê “vì đã có thành tích xuất sắc đóng góp cho nền âm nhạc thế giới và âm nhạc truyền thống dân tộc Việt Nam.” (Báo Sài Gòn GP, ngày thứ Hai 28-6-1999). Trước đó, ngày 15-5-1999, Đại học Moncton (tỉnh Nouveau Brunswick, Canada) trao tặng Giáo sư bằng tiến sĩ danh dự về âm nhạc học.
 

Facebook Comment

Top