Nét đẹp xuân cao đài

dong tam

New member
NÉT ĐẸP XUÂN CAO ĐÀI

Đón năm mới từ giữa tháng chạp trở đi cho đến hết tháng giêng, theo phong tục của người Việt “tháng giêng là tháng ăn chơi”, người người nô nức kéo nhau đi lễ hội du xuân ở các đình chùa miễu đồng thời dâng lễ nguyện cầu, cho dầu có phải là tín đồ của một tôn giáo nào đó đang có mặt trên mãnh đất hình chữ S hay không.

Một số cơ sở thờ tự của một vài tôn giáo cũng tổ chức cầu an cho bá tánh. Trong những ngày xuân, chúng ta dễ dàng trông thấy cảnh đăng ký ghi danh nhờ sư thầy cúng sao! Ở một số Thánh thất hay Thánh tịnh ở miền lục tỉnh, chúng ta cũng có thể bắt gặp bảng thông báo kêu gọi nhơn sanh tham dự lễ “cúng sao giải hạn”! Ngày nay, qua phương tiện internet, có thể quý huynh tỷ cũng đã từng nhận được email hướng dẫn cách tìm sao hạn, được gởi đi từ một cơ sở tôn giáo Cao Đài ở Hoa Kỳ!

Tối mùng 8 tháng giêng hàng năm, từ thôn quê đến thành thị trong bối cảnh xã hội văn minh hiện đại ngày nay, chúng ta vẫn nhìn thấy cảnh nhà nhà bày mâm lễ nhang đèn cùng trái dừa trước hiên nhà với ánh sáng lung linh của những chiếc đèn cầy nhỏ. Đây là một nét văn hóa tâm linh của người Việt cần được ủng hộ duy trì phong tục tốt đẹp này trong quần chúng nhưng cũng cần bổ sung thêm phần lý đạo để chuyển đổi tư tưởng tín ngưỡng theo chiều hướng tích cực của chánh đạo.

Vậy Thánh giáo Cao Đài đã hướng dẫn tín hữu chúng ta những điểm đạo lý căn bản nào về những hiện tượng trong tín ngưỡng dân gian như: cầu tài lộc, vay vốn của Thánh Thần, cúng giải hạn, cầu an, v.v…?

(còn tiếp)
 

dong tam

New member
(tiếp theo)

I. HIẾN DÂNG LỄ VẬT:

1. Không phạm vào việc sát sanh trong cúng tế.

- Dân gian thể hiện tấm lòng hiến dâng của mình qua các lễ phẩm. Ngày Xuân, đến các đình miếu chúng ta thường trông thấy những mâm lễ vật, ngoài nhang đèn, bông trái còn có rượu thịt. Tùy theo hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của mỗi người mà: nhỏ thì gà vịt, kha khá thì heo, của tập thể thì trâu bò, v.v…

- Trong mùa xuân, một di sản nông nghiệp của miền Bắc nước Việt chúng ta là lễ hội “chọi trâu”. Điều hết sức vô lý là chính chú trâu vô địch lại trở thành vật “hiến sinh”. Lẽ ra con vật dũng mãnh, khéo léo ấy cần phải được dùng làm con giống để phát triển những đàn trâu khỏe mạnh thì trái lại nó trở thành của lễ hiến dâng lên Trời đất và thần linh! Những du khách nước ngoài sau khi tham dự những lễ hội như thế được kết thúc với hình ảnh cúng tế với chiếc đầu đẩm máu của con vật đều có suy nghĩ về sự kém văn minh của cư dân vùng đất đó nếu không nói là man rợ như thời nguyên thủy!

Người chưa có cơ hội được học hiểu đạo lý nên hay phạm vào những ác nghiệp này!

- Buổi đầu khi mới mở Đạo, Đức Chí Tôn đã có lời dạy:

Tục truyền cúng lễ Nam Giao,
Lê dân y lệ đua nhau cầu Trời;
Sát sanh trái lẽ theo đời,
Thượng Hoàng chúa tể để lời khuyên tu.
Tâm thành quý báu dường châu,
Hiến dâng tam bửu đạo mầu quý thay;
Chứng lòng con trẻ gái trai,
Lo tu đắc quả Thiên thai trở về
.”

2. Giá trị của việc hiến dâng lễ phẩm không phải ở số lượng nhiều ít, xa hoa lộng lẩy, v.v… mà trái lại là ở sự “thành tâm”.

Người đời lầm tưởng rồi lấy bụng dạ nhỏ nhen của nhơn dục mà cho rằng ở cõi thiêng liêng vô hình cũng như thế! Do đó, mỗi khi có nhu cầu khẩn nguyện việc chi thì chỉ chăm chăm vào giá trị vật chất của lễ phẩm dâng cúng. Trong khi đó, luật cảm ứng thiêng liêng lại không như thế! Đức Chí Tôn có lần đã dạy:

Sự cúng tế linh đình với Thầy là sự hình thức. Tâm của các con thành kỉnh mới là đáng trọng.”
(còn tiếp)
 
Sửa lần cuối:

dong tam

New member
II. CẦU MONG – ƯỚC VỌNG

1. Qua những hình thức giao cảm tâm linh nhưng không bộc lộ tính chất vị kỷ, mê tín.

Đầu năm mới, bên cạnh những tập tục văn hóa dân gian tốt đẹp như sắm mâm ngũ quả gồm các loại trái cây với tên gọi mang ý nghĩa: Cầu được sung túc vừa đủ xài! (mãng cầu, trái sung, dừa, đu đủ, xoài) và đi lễ đầu năm ở đình chùa... … thì có những hũ tục kiêng cử có khi rất vô lý, buồn cười như: không mua cam để cúng vì sợ phải cam khổ cả năm; không được quét nhà trong 3 ngày Tết… …

Một số người, muốn biết xem vận mạng năm nay của mình ra sao trên con đường học hành thi cử, công danh, hay buôn bán... ... nên thường hay đi xem bói, xem tướng chỉ tay, xin xăm, để sau đó đến ngày mồng 9 tháng giêng lo sắm lễ vật lên chùa nhờ thầy sư cúng giải hạn hay lo cúng tại nhà mình. Những người nầy mê lầm, không hiểu rằng Luật Nhân Quả hay Cảm Ứng chi phối mọi hoạt động của chúng sanh và con người phải tự mình giải hạn cho chính mình bằng những việc thiện để tạo ra phước đức và công đức.

- Chúng ta hãy suy nghĩ về Lý Đạo được Đức Vạn Hạnh Thiền Sư giảng dạy:

Những ai đang đi trên đường học đạo hãy cố gắng hết sức mình trong chỗ chí thành tâm đạo để đạt đạo lý. Tâm có thành, lòng mới cảm. Lòng có cảm thì thiên nhiên mới ứng. Như vậy, giữa Trời và người còn xa cách là bởi cái khối phàm tâm của người đời còn quá lớn, hơn núi Thái Sơn làm chướng ngại ngăn cách giữa người và Trời. Những học thuyết như thôi miên, như thần giao cách cảm, như phù chú... có được kết quả mỹ mãn, có được bén nhạy cùng không đều do chí thành tâm niệm của hành giả. Bất cứ QUẺ BÓI nào, không có tâm thành chí nguyện của hành giả, không bao giờ đạt được sự ứng hiện như mong muốn. Như vậy từ môn học thôi miên, luyện phù luyện chú đến môn xủ quẻ bói toán đều có liên hệ đến một trong những muôn nghìn khía cạnh của Đạo học thiên nhiên và tâm linh của con người... ...

Thế nên Thiêng Liêng thường nói: Cõi thế gian nầy hoặc thành một cõi địa đàng cực lạc hoặc thành một miền địa ngục đen tối đau khổ đều do con người đặt để biến nó thành hình... Nếu chí thành tâm nguyện của con người hướng về sự lợi ích thái hòa an lạc thích hợp với lẽ toàn thiện toàn chân thì sự kiện kết quả sẽ trở nên toàn thiện toàn chân như mong muốn. Nhưng than ôi! lòng tham vọng của người đời không đáy, phạm vi tham vọng của loài người không có biên giới. Do đó một cơ khổ tối tăm đều bao trùm con người là lẽ tất nhiên
.”

Như vậy, Bói Toán là một trong những hình thức của Dịch Lý được người xưa sử dụng để đoán biết chiều hướng của cơ Trời hầu thuận tùng Thiên Lý mang lại lợi lạc cho quần sanh. Nhưng người đời lạm dụng bói toán cho những mưu đồ, tham vọng lợi ích riêng tư của cá nhân rồi bị dẫn dắt vào sự cầu nguyện, lễ bái hiến dâng mang tư tưởng và tính cách hối lộ Thần quyền để rồi bị rơi vào đường mê tín mà không hay biết !!!
(còn tiếp)
 

dong tam

New member
- Một hình thức của bói toán là xin xăm rất được dân chúng ưa chuộng khi đi lễ đình chùa được Đức Đệ Tứ Giáo Tông Thiện Pháp, Nguyễn Bửu Tài trong một lần giáng đàn giải thích:

Thế thường, người Xin Xăm có quan niệm đồng giống nhau ở chỗ này: khi hai tay cầm ống xăm lắc liên hồi, lòng mong được quẻ tốt và thành công trong ý nguyện. Sau khi bàn xăm, hễ được quẻ tốt thì mừng. Bằng gặp quẻ xấu thì buồn rầu lo sợ. Nhưng có mấy ai nghĩ đến việc họa phước rủi may tốt xấu mà quẻ kia ứng hiện là bởi nơi đâu mà có.

Thử hỏi, có phải Thánh Thần thương người nào đó rồi ban cho quẻ tốt. Hoặc ghét người nào đó rồi ban cho quẻ xấu chăng? Xin trả lời rằng: không phải vậy. Vì Trời Đất vô tư, Thần minh soi xét hành động và tâm trạng của người đó mà ứng ra trung thực quẻ tốt hoặc xấu chớ không thương không ghét người nào cả. Nói rõ hơn nữa, lời bàn nơi quẻ ví như tấm kiếng soi. Hễ diện mạo tướng tá thế nào trong kiếng chiếu y như vậy. Còn tâm trạng hành động của người xin xăm thế nào thì quẻ trả lời và báo tin trung thực cho biết như vậy. Tại sao người đời quá mê tín mà không chịu xét như vậy
.”

- Trong một lần giáng đàn vào đầu năm, mồng 9 tháng giêng Nhâm Tý 1972 tại Tiên Thiên Minh Đức Mỹ Tho, Thầy có lời dạy:

Thầy chiếu điển thấy các con nữ phái cầu nguyện trong lễ nầy cũng gọi là Cúng Sao Hội, đó là đức tin của nữ phái thường hay sợ vận mạng hung kiết mỗi năm đến. Thầy để lời cùng các con hiếu tử nữ nhi hãy trọn đức tin với Thầy với Đạo đừng coi vận mạng chi cả. Các con cứ làm lành, làm phải lập công bồi đức thì Thầy đâu để các con phải nạn khổ tai ba, bởi câu "Hoàng Thiên bất phụ đạo tâm nhơn, hiếu tâm nhơn, thiện tâm nhơn, hảo tâm nhơn" đó các con ái nữ.

Nếu các con Xem Tướng Tay hay Coi Bói rất hại tâm thần đạo đức mỗi con. Vì khi biết rằng vận hạn xấu, không may thì lòng con sanh áo não chán nản lo âu. Còn nếu biết vận thành hưng, tốt đẹp, lòng con lại sa ngã, lạc quan quá lẽ rồi không cần lập công bồi đức, làm lành làm phải thì cũng chẳng may cho con đó
.”

Bởi thế trong Minh Tâm Bửu Giám có dạy:

Tâm hảo mệnh hựu hảo, phát đạt vinh hoa tảo.
Tâm hảo mệnh bất hảo, nhất sinh dã ôn bảo.
Mệnh hảo tâm bất hảo, tiền trình khủng nan bảo.
Tâm mệnh đô bất hảo, cùng khổ trực đáo lão.

Nghĩa là:
. Lòng đã tốt rồi, mạng lại tốt nữa thì thế nào cũng sớm vinh hoa phát đạt.
. Lòng tốt nhưng mạng lại không tốt thì trọn một đời cũng ấm no.
. Mạng tốt mà lòng không tốt thì tương lai khó mà giữ được.
. Còn cả tâm và mạng đều không tốt thì cùng khổ đến già.
Cũng với lý Đạo trên, Thầy dạy tiếp khẳng định:

“Dù rằng cung mạng của con có điều chẳng tốt nhưng quyết chí tu hành lập công bồi đức trọn tinh thần thì việc nặng cũng hóa nhẹ, việc nhẹ đều qua khỏi, nhờ sự tu hành lập công bồi đức của mỗi con được đầy đủ thì tai nạn nghiệp chướng oan khiên gì cũng qua khỏi cả thảy. Vậy các con chỉ biết tin lời Thầy, nhớ lời Thầy và làm những phương tiện Thầy giao các con... là Công Trình, Công Quả, Công Phu. Trách nhiệm dìu dắt nhơn sanh tu hành đem lại sự lợi ích chung.”

Con người còn mê muội nên ích kỷ chỉ suy nghĩ riêng cho cá nhân hay gia đình rồi ước vọng nguyện cầu. Nếu đa số vẫn chưa thay đổi tâm ý của mình theo chiều hướng đạo đức là luôn hướng về chúng sanh thì kết quả của sự cầu nguyện an lạc thái hòa không bao giờ đến!
(còn tiếp)
 

dong tam

New member
Mùa Xuân, để có thể hy vọng cho cuộc sống an ninh hạnh phúc thạnh vượng, mỗi người trong chúng ta cần phải biết lập công bồi đức, chia sẻ những gì mình đang hạnh hưởng. Vậy hãy:

2. Tiết Kiệm Giản Dị Trong Tiêu Dùng, Để Một Phần Vật Chất Giúp Ích Nhân Sanh:

Đức Bát Nương có dạy trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:

Phàm mỗi năm, những vị nào trong lúc ngày xuân biết lo phụng sự Thần Thánh, Tiên, Phật thì công đức đặng xấp bằng hai lần ngày thường.”

Phụng sự Thần Thánh Tiên Phật không phải chỉ lo nghi lễ trang trọng mà thôi. Mà chính là phải học hỏi hạnh đức của các Ngài và hành theo. Phụng sự nhơn sanh chính là phụng sự Thượng Đế đang ngự trị trong lòng nhân thế như lời Chúa Jésus đã phán truyền. Mong muốn Trời ban phước lành cho mình và gia đình mình thì trước tiên hãy ý thức chân lý của luật Nhân Quả, hãy chia sớt nghèo khó khổ nhọc của nhơn sanh đang trong đau khổ lạnh lùng đói rét, hướng dẫn họ biết quay về nẻo thiện và tránh đường tà. Và Thầy cũng dạy tiếp:

Đến cảnh xuân rồi con chỉ lo những điều linh đình tế lễ Thầy Mẹ, Tổ Tông. Những tưởng điều đó, con thay vào những việc đạo đức tu hành, đồng hưởng một cảnh xuân đạo đức, xuân bất diệt để ghi mãi tâm con.”

Việc “đạo đức tu hành, đồng hưởng một cảnh xuân đạo đức” là gì?

Thông thường cứ mỗi khi năm hết Tết đến, mọi người lo dọn dẹp đồ cũ sắm sửa đồ vật mới từ quần áo cho đến vật dụng trong nhà rồi lo mua sắm lễ vật trang hoàng bày biện cúng kính và mua thức ăn ngon, chuẩn bị ẩm thực linh đình. Có khi thừa mứa, bị hư phải đổ bỏ... Tiền bạc, công sức bỏ ra cho ba ngày Tết thật nhiều. Và không ít người trong chúng ta cảm thấy hết sức mệt mõi ngay trong mấy ngày Xuân. Bởi thế Thầy có lần nhắc nhở:

Mỗi độ xuân về là mỗi lần Thầy đau đớn vì sinh lực con mất, tinh thần con hao, tiền của ly tán mà chẳng ích vào đâu? Lại có những con đem hết bụng dạ mà thi thố, ăn uống no say, rượu chè be bét khốn nỗi đến bấn loạn tinh thần... ...

Xuân đến, khi tiễn Táo Quân chí hạ nêu, các con kiểm điểm sự mừng Xuân của các con có ích lợi như thế nào? kết quả ra sao? Thiết tưởng các con giản dị, để một phần vào vật chất giúp ích cho nhơn sanh, là lo cho các con
.”
 

dong tam

New member
Chúng ta hãy nhắc lại vài gương đức hạnh của Đức Ngô Minh Chiêu lúc sinh tiền, được ghi trong quyển tiểu sử của Ngài:

- “Trong buổi tối chợ Tết, Ngài đi theo mấy gian hàng. Thấy buôn bán leo heo quá, Ngài dừng lại hỏi thăm một người: Sao, bán khá không chú? - Dạ, ế ẩm quá ông ơi! Ngài giả vờ mượn cây đèn đốt thuốc, kín đáo bỏ xuống hai đồng bạc. Khi Ngài đi khuất rồi chú kia mới hay. Sau mấy người con của Ngài hay việc ấy. Ngài khuyên giải: Các con đã có cơm ăn no, áo quần mặc ấm, còn đòi gì nữa. Cha nuôi người bần khổ để dành cho tử tôn đó.”

- “Ngày 30 Tết là ngày chót của cuối năm. Nhà nhà, giàu cũng như nghèo đều lo mua sắm đặng có cúng rước ông bà theo tục lệ. Cỡ 11 giờ trưa rồi, Ngài đi rảo một vòng ngoài chợ, thấy chú bán bông còn ngồi rũ rượi, mấy chậu bông bị lựa tới lựa lui bị ủ xào hết. Ngài biết không bán được nên không có tiền lo mua sắm về nhà cúng rước ông bà. Ngài lại hỏi qua loa rồi trả mua hết ráo. Kêu xe kéo về nhà và bảo với mấy người con: Con không biết, chớ cha mua là có ý giúp cho người ta chút tiền để mua sắm mà cúng ông bà. Chứ ba dư biết ở nhà các con đã mua rồi.”
Ngày Xuân vui vẻ, có mấy ai trong chúng ta cảm thông chia sẻ với những bất hạnh đau thương của những người nghèo đang nằm lặng lẽ trên giường bệnh hay những em bé nằm co ro bên đường phố trong tiết trời lập xuân còn giá lạnh, v.v…! Mỗi người tùy hoàn cảnh, thời gian và phương tiện của mình hãy tham gia trực tiếp hay ủng hộ vào một chương trình xã hội cụ thể nào đó trong mấy ngày xuân để mang hơi thở mùa xuân đến với những đồng bào bất hạnh của chúng ta và làm cho tâm xuân trong ta bừng sáng!

Đức Lê Đại Tiên có dạy:

Chúc Thiên sứ trong hàng phước thiện,
Gởi tâm tư vào chuyện chúng sanh;
Thấy đời khổ sở khôn đành,
Chén cơm manh áo vẫn dành sớt chia.-
Đoái hoài kẻ sớm khuya hè phố,
Xót thương người không chỗ náo nương;
Dạ cầu, ngõ hẻm, đầu đường,
Mái hiên, sạp chợ náo nương làm nhà.-
Dầu có nghĩ đến ba ngày Tết,
Phận khốn nàn nặng vết thương đau;
Đâu là viễn cảnh ngày sau,
Cuộc đời đen tối đậm màu lê thê… …-
Vậy mới thiệt hưởng mùi Xuân nhật,
Hoa tình thương rạo rực đó đây,
Thoát qua khổ sở dậm dài,
Trời Nam hưởng phước Bửu Đài thanh cao
.”

Và tất cả được làm với tấm lòng không vì danh không cầu lợi như lời dạy của Đức Liên Hoa Thánh Mẫu:

Rồi đây những ngày Xuân các em được quyền ngơi nghỉ và vui hưởng theo thường lệ thế nhân. Song đặc biệt các em dành thời gian, dành công của nghĩ tới những người bất hạnh hơn mình đang buồn khổ vì cuộc sống thiếu thốn, đang tủi hận vì mùa xuân lạnh nhạt trống trơn để giúp họ phần nào an ủi và sống dậy niềm tin tưởng nơi mình, nơi tinh thần giác ngộ phục vụ đạo nghiệp của các em... ...

Trên sự hộ trợ mọi người, các em cũng nên lưu ý về đặc điểm căn bản cần phải có. Này các em! việc cứu tế chẩn bần, thường thường thì tất cả những kẻ giàu sang dư dã muốn mua chuộc công danh cũng đều thực hiện việc gọi là từ thiện được đấy các em.

Còn mình thì khác ở chỗ không vì công không vì danh, nhưng vì tình thương chơn lý, vì việc phải làm của bổn phận cá nhân nơi sứ mạng. Việc làm của các em dù ít nhưng phải là đầy nhiệt huyết, đầy tinh thần vị tha để những người thọ nhận tấm lòng vị tha ấy không mang một mặc cảm tủi thân buồn phận.”
.


Ngày xuân, khi lòng thành kỉnh của mỗi người hướng về Các Đấng Thiêng Liêng để nguyện cầu cho vạn vật thái bình là chúng ta đang hành theo Kiền Đạo: “Kiền đạo… các chánh tánh mạng, bảo hợp thái hòa”. Và đồng thời cũng thuận theo đức của Khôn Đạo “Khôn hậu tải vật,… phẩm vật hàm hanh” để chia sẻ làm cho phẩm vật đã tăng trưởng, kết quả thành tựu trong năm qua cũng được ban rải khắp nơi. Nếu người tín hữu Cao Đài hiểu và làm được như những điều Ơn Trên đã dạy là chúng ta đang thực hiện một phần nào mùa Xuân Đạo Đức, trong đó Xuân tâm và Xuân cảnh hòa nhịp cùng nhau

(còn tiếp)
 
Sửa lần cuối:

dong tam

New member
III. KẾT LUẬN

Ngày xuân, phần đông người Việt đều thể hiện sự tín ngưỡng của mình qua việc đến lễ bái ở các cơ sở thờ tự.
Cũng như bao đồng bào, người tín hữu Cao Đài cũng về ngôi “nhà chung” của mình để hành lễ. Nhưng khi đối chiếu khái quát giữa tín ngưỡng dân gian và tín ngưỡng Cao Đài, chúng ta dễ dàng trông thấy có sự khác biệt về hình thức cũng như tâm lý tín ngưỡng.

a. Nếu như hình thức tín ngưỡng dân gian thể hiện qua hình ảnh khói nhang nghi ngút ở mọi bàn thờ, mỗi người thắp hàng chục nén nhang rồi xì xụp vái lạy mọi nơi, yếu tố cá nhân nổi trội. Còn với tín hữu Cao Đài việc hành lễ được thực hiện chánh thức theo hình thức tập thể với trật tự nghi lễ trang nghiêm.

Với tình hình hiện nay liên quan đến việc bảo vệ môi trường góp phần hạn chế tác động đến việc làm biến đổi khí hậu và đề phòng cháy nổ, nhứt là nơi địa bàn cư trú chật hẹp ở các thành phố, thì cách thức thực hiện nghi thức tín ngưỡng của tập thể Cao Đài trở thành điểm sáng văn hóa hoàn toàn có thể ứng dụng thích ứng mang tính toàn cầu.

b. Trong khi quần chúng hiến dâng lễ phẩm riêng tư, không loại trừ việc sát sanh thì tín hữu Cao Đài hầu như chỉ đóng góp để cùng chung lo lễ phẩm và tuyệt đối chỉ dùng “tam bửu” hoa trà rượu cùng với bông trái để hiến lễ.

c. Với tâm lý tín ngưỡng dân gian còn nặng việc cầu xin “phước lộc thọ” mang tính vị kỷ cho cá nhân hay gia đình thì người tín hữu Cao Đài được giáo huấn phải luôn hướng về nhơn sanh mà cầu nguyện những điều tốt lành. Còn bản thân mỗi người phải ý thức đến “lời Ngũ nguyện và nếp sống đạo đức y như pháp môn Tam công” phải song hành với nhau.

Vậy các con chỉ biết tin lời Thầy, nhớ lời Thầy và làm những phương tiện Thầy giao các con... là Công Trình, Công Quả, Công Phu. Trách nhiệm dìu dắt nhơn sanh tu hành đem lại sự lợi ích chung.”

Không nên để những hình thức bói toán, xin xăm, cúng sao, v.v… lối kéo mình theo đường mê tín chỉ biết cầu cạnh Thiêng Liêng, trái lại mọi người phải nổ lực tu học hành đạo (thực hành đức cương kiện của quẻ Càn) và kiên nhẫn tô bồi âm chất độ dẫn nhơn sanh (thực hành đức nhu thuận, nâng đở chia sẻ của quẻ Khôn) y như lời Thầy đã dạy:

Thầy khai Đại Đạo với công cuộc an định nhơn loại cứu rỗi quần sinh. Với sứ mạng cao cả ấy, các con là những người đi trước, là những người tiền phong, thì phải thực hành cho đúng Thiên ý, đúng với đạo lý, để tôn giáo và tôn giáo, tôn giáo và chính ủy chính trị được hợp tác với nhau trong thế nhân hòa. Con sẽ đem lại sự yên vui cho nước non dân tộc con và thiên hạ. Được vậy, không cần cầu nguyện với Thầy, hòa bình cũng sẽ đến với các con.”

Thực hành được theo chánh đạo như thế là chúng ta đang thiết thực vun đắp cho nét đẹp của Xuân Cao Đài tõa sáng rạng rỡ, Xuân tâm hòa nhịp cùng Xuân cảnh, mang lại thái hòa cho muôn người muôn vật.
 

mai_hanh

New member
Kính huynh dongtam!
mai_hanh nhận vào thấy dịp tết ở các thánh thất vẫn có hiện tượng xin xăm với tên gọi là "Hái lộc đầu năm".
Lộc đầu năm đó có thể là Thánh ngôn Thánh giáo, một phần quà may mắn hoặc là các lá xăm có số từ 1 đến 100 (thượng thượng, trung kiết, hạ kiết, trung bình, hạ hạ)
Hình thức "Hái lộc đầu năm" đó có thể gọi là mê tín không? mai_hanh xin được hỏi
Kính
 

dong tam

New member
Trước tiên, cần hiểu thế nào là "mê tín" cái đã!

Mà hiểu đúng theo lời Thánh giáo chứ không phải chỉ theo tự điển mà thôi!
 

mai_hanh

New member
Mai mốt mai_hanh hổng thèm hỏi huynh dongtam cái gì nữa hết.
Lúc nào huynh cũng chỉ đưa ra lời gợi ý thôi, còn suy nghĩ như thế nào thì tùy vào người đưa ra câu hỏi.
Thiệt là kỳ cục.
 

dong tam

New member
Tục lệ "hái lộc" đầu năm của người Việt, ngày nay được duy trì nhưng đã biến dịch theo thời đại.

Giờ phút giao thừa, đi viếng chùa chiền am tự mà hái lộc theo kiểu xưa, với dân số gia tăng phi mã như hiện nay, thì cành lá trơ trụi. Lộc đâu chưa thấy nhưng tài lộc hao tỗn chắc chắn là nhãn tiền! Hàng năm miền Bắc và miền Trung Việt phải chịu nhiều trận lũ lụt là hậu quả đó! Hái lộc như thế lại phạm tội sát sanh vì làm cho cành trơ lá trụi. Vậy không thể tiếp tục làm theo cách như thế!

Các Thánh thất Cao Đài có sáng kiến "hái lộc Thánh giáo". Không biết ai và nơi nào đã làm xuất phát sáng kiến này. Cái lộc mà mỗi đạo hữu nhận được là một "lời Thánh để giáo dục" cho cá nhân được lãnh. Đại đa số đều nhận thấy nội dung lời Thánh giáo rất ứng hợp với tâm tính của cá nhân người hái lộc.

Đây cũng là một hình thức bói toán hay xin xăm nhưng mang ý nghĩa thanh cao vì lời Thánh giáo chỉ là lời khuyến thiện nhứt là về mặt đạo đức và tâm linh. Do đó không hề mang màu sắc mê tín mà là "văn hóa"! (Văn là cái đẹp. Lời Thánh giáo mang cái đẹp tâm linh và cái hay đẹp của văn chương)

Trái lại, đa phần những hình thức bói toán, xem tướng, xem chỉ tay, xin xăm, v.v... trong đời là "mê tín" vì cái "vị ngã" thể hiện rõ nét. Xin và xem cho biết "hung, kiết" tốt xấu thế nào cho cá nhân để rồi liền sau đó là hành động "Cúng Sao" nhờ thầy cúng giải hạn! Đây là cái mê của người chưa học thông đạo lý nên chỉ "tin càng"! Nếu cúng mà giải hạn được thì hóa ra Phật Tiên Thần Thánh cũng nhận của hối lộ của thế gian!

Kinh Sám hối dạy: "Cuộc danh lợi là phần thưởng quý. Đấng Hóa Công xét kỹ ban ơn ...". Còn kinh Cảm Ứng dạy: "Họa phước vô môn, duy nhân tự triệu", họa hay phước chỉ là kết quả do chính con người rước lấy bỡi đã gieo nhân.

"Con ôi! con làm việc cũng như người trồng cây. Kẻ trồng cây có bao giờ hưởng trái đó con? Đây tâm con còn trong vòng mê tín, để Thầy giải nghĩa cho con nghe. Mê tín là ước mong sao cho được hiểu biết ngày kết quả. Còn chánh tín là làm việc miễn giúp được cho quần chúng thì thôi không cần đến đời tư hay sự kết quả. Con nhận được sự xác thực về chánh tín và mê tín chăng?” [Đức Chí Tôn, Chơn Lý Hiệp Tuyển 2 (Đời) trang 34]
 

mai_hanh

New member
Xin cảm ơn huynh dongtam đã đưa ra câu trả lời
Thú thiệt, câu trả lời của huynh khá hoàn chỉnh nhưng mai_hanh vẫn còn cái để phân vân. Bởi lẽ, trong 4 thánh thất (HTTG) ở BR-VT chỉ có Trung Tín thực hiện đúng cái mà huynh gọi là "hái lộc Thánh Giáo" xen kẻ với "lộc Thánh Giáo" là những phần quà may mắn, còn ở Trung Nghĩa, Trung Nam thì lộn xộn lộc Thánh Giáo có mà lộc hên xui cũng có. Chính những "lộc" (gọi theo một cách gượng gạo) hên xui đó làm cho mai_hanh phải phân vân giữa 2 ngưỡng của chánh tín và mê tín.
Kính
 

dong tam

New member
Chánh tín hay mê tín

Đây là sự biến dịch tùy căn trí của mỗi đối tượng

Đại Đạo gồm Ngũ Chi cho nên điều chánh tín ở cấp dưới lại là còn mê tín ở bậc trên!

Thí dụ: ở bậc Nhơn Đạo việc lập gia đình nối dõi tông đường là Đạo Hiếu với cha mẹ ông bà nhưng chính điều này lại là "mê" đối với bậc Tiên Đạo.

Người có tín ngưỡng ở bậc sơ cơ thì tin và gởi trọn lòng tin vào Thiêng liêng nên chí thành cầu nguyện xin được ban ơn nhưng khi tiến lên bậc cao được học và hiểu thì người đó sẽ ý thức rằng "tự mình" phải tu sao cho tiến hóa, muốn vậy thì phải biết chia sẻ.

Mê thì xin để đựoc, còn phá mê thì không xin mà ngược lại phải chủ động chia sẻ.
 

Facebook Comment

Top