Cao đài, mùa xuân của nhân sinh

dong tam

New member
CAO ĐÀI, TÔN GIÁO TƯƠNG LAI,
MÙA XUÂN CỦA NHÂN SINH


Mùa xuân Bính Dần 1926, Đức Chí Tôn lập Đạo: Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là tên gọi chánh thức đã ghi trong Thiên thơ của Cao Đài giáo. Tên gọi đã nói lên những tính chất nhân bản và hiện đại của tôn giáo Cao Đài.

Tính nhân bản thể hiện ở hai yếu tố Đại Đạo và Phổ Độ, còn tính hiện đại thể hiện qua yếu tố Tam Kỳ trong danh xưng. Văn minh đạo đức là tính chất nhân bản hiện đại của Cao Đài giáo.

Theo dòng lịch sử nhân loại, Cao Đài giáo là một tôn giáo non trẻ chỉ vừa xuất hiện vào đầu thế kỷ 20 của thiên niên kỷ vừa qua, ở vào thời điểm khoa học kỹ thuật bắt đầu phát triển mạnh mẽ ảnh hưởng sâu rộng vào mọi nếp sinh hoạt của đời sống nhân sinh. Nhưng cũng vào giai đoạn này những mâu thuẫn giữa tâm và vật bắt đầu lên đến cao trào tạo ra khủng hoảng mịt mờ không lối thoát mà hai cuộc Thế giới Đại chiến là điển hình minh chứng và tiếp theo sau đó là giai đoạn chiến tranh lạnh giữa hai khối ý thức hệ, còn hiện tại là cuộc chiến khủng bố trên toàn cầu!

Vào thời điểm đó, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ do Đức Chí Tôn Thượng Đế qua linh điển đã giáng phàm đến thế gian này để thị hiện những lời tiên tri năm xưa qua các sứ giả của mình như: Thích Ca giáo và Ky Tô Giáo, v.v… hầu thực hiện Cơ cứu độ Kỳ Ba.

Gần 90 năm qua đi, một khoảng thời gian không dài đối với lịch sử nhân loại nhưng đây lại là khoảng thời gian có nhiều thay đổi với tốc độ chóng mặt của khoa học kỹ thuật và tiến bộ dân chủ xã hội của nhân loại. Nhưng đồng thời thiên tai cũng dồn dập xuất hiện bởi hậu quả của việc tiêu thụ và công nghệ sản xuất trong đời sống văn minh vật chất đã tác động mạnh mẽ gây tổn hại thiên nhiên làm mất cân bằng của môi trường sinh thái đến mức số lượng chủng loài sinh vật biến mất đi trên địa cầu của chúng ta với tốc độ không ngờ! Nhiều loài động vật cách đây 50 năm số lượng trên thế giới còn hàng trăm ngàn thì ngày nay chỉ còn lại vài ngàn thậm chí vài chục cá thể trong danh sách báo động đỏ của thế giới, biết bao nhiêu loài sinh vật đã trở thành ký ức lịch sử chứ hoàn toàn không còn hiện diện trên quả đất này!

Giờ đây, trong bối cảnh xã hội với nhiều biến động to lớn như thế, chuẩn bị cho thời điểm kỷ niệm 100 năm Cao Đài giáo xuất hiện nơi địa cầu 68 này, chúng ta hãy thử nhìn lại những giá trị căn bản của nền Tân Tôn giáo mà Thượng Đế đã lựa chọn mảnh đất chữ S nơi miền Đông Nam Á này gieo trồng và ban trao sứ mạng quyền pháp cứu độ và tận độ nhân loại cho “dân Nam sứ mạng tiền phong.”
 

dong tam

New member
Qua giáo lý Cao Đài, Đức Chí Tôn Thượng Đế đã chỉ ra:

1. Tính hiện đại: Tất cả các chủng tộc sắc dân dầu khác biệt về màu da sắc tóc đều là anh em với nhau, đồng là con chung của Đấng Tạo Hóa. Và tất cả các tôn giáo dầu Đông hay Tây đều xuất phát từ Thượng Đế.

Chín Trời, mười Phật cũng là Ta,
Truyền đạo chia ra nhánh nhóc ba;
Hiệp một chủ quyền tay nắm giữ,
Thánh Tiên Phật Đạo vốn như nhà
.”
[Đức Chí Tôn, Tờ Phổ Cáo Chúng Sanh 1926, đàn Biên Hòa (23-01-1926)]

- Tính nhân bản thể hiện qua luận điểm “chúng sanh bình đẳng vì đồng bản thể linh quang với Tạo Hóa” và dung hòa tư tưởng Đông Tây kim cổ, tôn trọng mọi xu hướng tín ngưỡng tôn giáo.

Bởi vậy, một Chơn Thần Thầy mà sanh hóa chư Phật, chư Tiên, chư Thánh, chư Thần và toàn cả nhơn loại trong Càn khôn Thế giới, nên chi, các con là Thầy, Thầy là các con.”
[Đức Chí Tôn, Tờ Phổ Cáo Chúng Sanh 1926, đàn ngày 13-6 Bính Dần (1926)]

Trong xu hướng đa văn hóa của thế giới, đầu thế kỷ 20 vừa qua, khi văn minh nhân loại đã dần tiến đến trình độ năm châu chung chợ, phương tiện đi lại đã được cơ khí hóa có những tiến bộ vượt bậc khiến khoảng cách không gian không còn là trở ngại cho giao lưu kinh tế, văn hóa. Và sau 100 năm phát triển khoa học kỹ thuật của thế kỷ 20 vừa qua, kinh tế thế giới đã có bước tiến khá dài đủ sức đáp ứng việc đi du lịch khám phá những nền văn hóa cũ hay mới và trở thành nhu cầu của người dân ở khắp mọi miền.

Trong buổi bình minh của tiến bộ văn minh xã hội ấy của nhân loại, Cao Đài giáo ngay từ lúc mới xuất hiện đã nêu lên tư tưởng tôn trọng mọi tín ngưỡng qua nguyên lý “Vạn Giáo Đồng Nhất Lý”. Hành động cụ thể của người tín hữu Cao Đài là không e dè, sẵn sàng lễ bái tại bất cứ đền thờ nào với tâm tưởng kỉnh thành và thái độ thật sự tôn trọng các Đấng thượng đẳng Thiêng Liêng qua cách ăn mặc nghiêm trang khi bước vào chỗ tôn nghiêm. Điều này chắc chắn sẽ làm cho chủ nhà tại nơi thờ phượng đó có nhiều cảm tình sâu đậm. Đức Ngô, người đệ tử Cao Đài đầu tiên đã dạy:

Người tín đồ Cao Đài luôn luôn tôn trọng các xu hướng tín ngưỡng, đem tình thương hòa đồng khắp cả mọi giới, đem thiện cảm gieo rắc mọi nơi, để người người đều nhìn nhận cái lý duy nhất là cứu thế qua khỏi cơ tận diệt, hầu xây dựng hòa bình hạnh phúc nhân loại dưới ngưỡng cửa Đài Cao.”
[Đức Ngô Đại Tiên, Nam Thành Thánh thất, 13-02 Bính Ngọ (04-3-1966)]
 

dong tam

New member
2. Nhân bản đậm nét khi Cao Đài giáo cổ xúy tư tưởng Thiên Nhân hiệp nhứt qua tín ngưỡng thờ Trời cùng với việc thờ cúng tổ tiên.

- Thờ cúng tổ tiên là một hình thức thể hiện nhân bản, “cây có cội, nước có nguồn”.

Mỗi ngày cùng lúc với việc thắp nhang lễ bái trước Thiên bàn Đức Chí Tôn, người tín hữu Cao Đài cũng thắp nhang khấn vái trước bàn thờ tổ tiên. Đây là một hành động giáo dục nhẹ nhàng cho con cháu về nguồn cội tâm linh của mỗi người và cội nguồn của gia đình dòng tộc: nếu chưa làm sáng danh thì cũng không bao giờ làm mất danh dự của dòng họ.

- Văn hóa Cao Đài đồng thời cũng ủng hộ tín ngưỡng thờ cúng Quốc Tổ Hùng Vương.

Hàng năm, vào ngày giỗ Tổ Hùng Vương, Cao Đài giáo đều có xếp lịch cúng với kinh kệ trang trọng. Thí dụ:

Kinh Tế Lạc Long tổ miếu:

Lạy cầu Việt quốc Minh Vương,
Mong ơn Thánh chỉ chiến trường tiên gia.
Hồng Bàng tạo cảnh san hà,
Mấy ngàn năm lẻ châu sa giọt hồng
…”

Hay Kinh Cúng Chư Thần Việt Nam:

Trời Nam đất Việt cao dày,
Hồng Bàng mở nước đến nay năm ngàn.
… Từ Hồng Lạc đến trào Trần,
Biết bao liệt sĩ Chơn nhơn độ người
…”

Ngày 06 tháng 12 năm 2012 mới đây, Hội đồng Unesco đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ Hùng Vương” là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam để khuyến khích các quốc gia và dân tộc noi gương truyền thống văn hóa tốt đẹp này.

Truyền thống nhân bản của tín ngưỡng Cao Đài giúp cho mỗi người ý thức về nguồn cội tâm linh của mình, của dòng họ và dân tộc. Truyền thống đạo đức này hài hòa giữa văn minh đạo đức và văn minh vật chất, vun bồi gốc rễ vững chắc cho mỗi dân tộc và đất nước.
 

dong tam

New member
3. Tâm Vật bình hành, văn minh đạo đức song hành cùng văn minh khoa học:

Nhân bản trong xu hướng “Tâm Vật bình hành”, văn minh khoa học kỹ thuật được khuyến khích phát triển theo định hướng phục vụ cho đời sống nhân sinh.

Hiện đại vì chủ trương văn minh đạo đức song hành cùng văn minh vật chất để tạo cân bằng cho cuộc sống con người và xã hội.

Cao Đài giáo xuất hiện vào thời điểm nhân loại vừa trải qua cuộc Đại chiến Thế giới lần thứ nhứt, mầm mống của Chiến tranh Thế giới lần thứ hai đang nảy nở. Nguyên nhân căn bản là do mâu thuẫn đối kháng giữa hai nền tư tưởng dị biệt thông qua đấu tranh kinh tế giữa chủ nghĩa Tư Bản và chủ nghĩa Xã Hội. Chiến tranh là phương tiện để hai khối dục vọng va chạm và bùng nổ hầu tranh giành phần thắng về phe mình. Dầu thắng hay thua nhưng hậu quả đau thương vẫn thuộc về đa số nhân dân quần chúng!

Cao Đài với tư tưởng:

Duy tâm, duy vật cũng con Trời,
Hai lẽ song song để dựng đời;
Duy vật đắp xây nền hữu tướng,
Duy tâm Thánh thiện giúp con người
.”
[Đức Linh Quang Thổ Địa, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 18-01 Tân Hợi (13-02-1971)]

Tư tưởng dung hòa này sẽ chủ đạo hướng dẫn nhân loại hướng đến một cuộc sống tươi sáng hơn, loại trừ nguy cơ chiến tranh dù núp dưới bất cứ hình thức nào hay định hướng cho đời sống văn minh vật chất song hành cùng đời sống đạo đức tinh thần. Quốc gia văn minh thịnh vượng sẽ chia sẻ nâng đỡ giúp các nước kém phát triển sớm vươn lên để cùng chung sống chứ không phải cảnh đế quốc thống trị thuộc địa hay tư tưởng bá quyền nước lớn chèn ép nước nhỏ bên cạnh. Đây là những nguyên nhân tạo ra mầm mống của chiến tranh giành độc lập về chủ quyền và lãnh thổ hay cuộc chiến tranh khủng bố đã vừa hình thành từ đầu thiên niên kỷ này, đã đánh dấu sự hiện diện phát triển của nó hơn 10 năm qua!
 

dong tam

New member
4. Nhân bản vì là tôn giáo đầu tiên đã mạnh dạn nâng cao vị thế của người phụ nữ trong mọi lãnh vực sinh hoạt tôn giáo. Vượt qua định kiến hàng ngàn năm của xã hội phong kiến dù đông hay tây đối với người phụ nữ (qua việc nữ phái được phong chức sắc, quyền và nghĩa vụ giảng đạo, v.v...)

Hiện đại vì đây là cuộc cách mạng dân chủ xã hội đưa người phụ nữ đến vị trí tương đồng cùng nam giới. Làm gương điển hình tiên tiến cho xã hội trông vào.

Năm 1927, khi Cao Đài giáo là tôn giáo đầu tiên trên thế giới nâng nữ phái lên hàng chức sắc trong bối cảnh đất nước đang là thuộc địa đồng thời cũng đang còn bị cai trị của vương quyền phong kiến thì đây là cuộc cách mạng về tư tưởng rất sâu sắc đồng thời cũng là cuộc cách mạng về văn hóa đạo đức. Phụ nữ sánh vai cùng nam giới trong sứ mạng độ tận vạn linh mà trước tiên ở khía cạnh Nho Tông chuyển thế, người phụ nữ sẽ góp phần giáo dục nền tảng đạo đức, nhân cách cho con em của mình trước khi các em đến tuổi được bước vào đời để học chữ cùng tri thức khoa học. Đức Mẹ có dạy:

“... Hỡi các con! Điều Mẹ giải dẫn hôm nay là để các con tự xét mình hay nhìn lại bản thân và tâm trí của mình để làm một tấm gương cho mai hậu của đoàn măng non mà chính các con đã gây tạo ra... Mẹ khuyên các con phải tự giác và độ dẫn đoàn sau cũng như các con đã từng lãnh trách nhiệm trong Tam Kỳ Phổ Độ.

Sớm biết lo thân độ lấy thân,
Oan khiên nghiệp chướng cổi lần lần;
Gieo mầm đạo đức cho mai hậu,
Hột giống nguyên nhân được trọn phần
.”
[Đức Mẹ; Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 15-10 Bính Ngọ (26-11-1966)]

Yếu tố bình đẳng giới này được khai sinh vào giữa nửa đầu thế kỷ 20 là một tiếng sấm vang dội giữa đêm đen của tư tưởng phong kiến trọng nam khinh nữ. Đây không chỉ là cuộc cách mạng không tiền khoáng hậu trong lòng xã hội Việt Nam mà còn là cuộc cách mạng dân chủ xã hội về tổ chức cho mọi chế độ chánh trị đương đại!
 

dong tam

New member
5. Hiện đại và nhân bản trong Nghi lễ thờ kính Thiêng Liêng.

Cao Đài giáo là tôn giáo đi tiên phong trong lãnh vực bài trừ mê tín và bảo vệ môi trường.

Theo truyền thống văn hóa Á Đông, chúng ta thấy trong các lễ hội dân gian ở các đền miếu hay các lễ hội tôn giáo tại những đền chùa với không khí ngột ngạt bởi khói nhang đèn nghi ngút. Khách hành hương ăn mặc chưng diện lắm lúc hở hang, kẻ lấn tới người xô lui trong việc dâng hiến lễ phẩm xô bồ hầu như cốt yếu để khoe sự giàu sang của cá nhân nhưng lại không thể hiện được sự thành kỉnh trang nghiêm cần phải có nơi chốn thiêng liêng!

Còn tại các Thánh thất Cao Đài tuy cũng lễ hội, rất đông đảo người tham dự nhưng khung cảnh hoàn toàn trái ngược. Nghi lễ được tổ chức rất chặt chẽ, chỉ có người có phận sự mới được lui tới thực hiện phần nhiệm vụ, còn lại tất cả trang nghiêm nhịp nhàng lễ bái theo hiệu lệnh xướng vang của các lễ sĩ và tiếng nhịp chuông.

Cũng âm thanh đàn trống rộn ràng khi thì du dương lúc lại nhộn nhịp của nhạc lễ truyền thống dân tộc, cũng sắc tướng tam thanh với đạo phục của các chức sắc qua áo mão cân đai vàng, xanh hay đỏ trên nền trắng tinh của tập thể tín hữu, nhưng lời kinh trầm bổng theo tiếng đàn cổ nhạc dâng lên như lời Thánh ca hiến dâng Thượng Đế và các Đấng Thiêng Liêng. Tất cả thể hiện một không khí trang nghiêm, trật tự đầy màu sắc văn hóa nhưng lại hết sức hiện đại về mặt tổ chức.

Người tín hữu khi bước vào Thánh thất để lễ bái, như trong những ngày Tết trở về Thánh thất lễ Thầy Mẹ, không được tự tiện thắp nhang vì Ban Cai quản đã sắp đặt người lo phần việc ấy cũng như hầu chuông cho đạo hữu lễ bái.

Về mặt môi trường, tại Thánh thất tuy vẫn có trầm hương nghi ngút để tạo ra không khí trang nghiêm cần thiết cho nghi lễ tôn giáo nhưng lại không có việc đốt giấy tiền vàng bạc vừa lãng phí vật chất của cải xã hội vừa gây ô nhiễm môi trường trầm trọng gây tổn hại sức khỏe cộng đồng. Tất cả những ưu điểm này đã có ngay từ khi tôn giáo Cao Đài xuất hiện vào năm 1926 và được nghiêm chỉnh tự giác thực hiện, phải chăng đó cũng là một khía cạnh nhân bản nhưng không kém phần hiện đại cho môi trường văn hóa tâm linh?
 

dong tam

New member
6. Nhân bản và hiện đại trong chế độ dinh dưỡng mang lại ích lợi cho sức khỏe con người và cho môi trường sống của hành tinh

Nếp sống của các tín hữu Cao Đài dẫn dắt thời đại đi vào đời sống văn minh tôn trọng sự đa dạng sinh học, bảo vệ và tôn trọng môi trường sống của mọi sinh vật từ thực vật đến động vật. Ngày nay trước những biến đổi của khí hậu đe dọa sự phát triển bền vững của các dân tộc và quốc gia, các chánh phủ trước đòi hỏi chánh đáng của nhân dân cùng quan tâm đến hậu quả của việc suy thoái môi trường sống đã phải hành động tích cực hơn trong việc bảo vệ môi trường. Các khoa học gia đã khuyến cáo mọi người cần hạn chế việc ăn thịt động vật nhứt là những loại thịt đỏ như thịt bò, trâu, cừu, v.v...

Cuối thế kỷ 20, chế độ ăn uống được xem là hợp lý cho mọi người đã được các nhà dinh dưỡng khuyến cáo là nên ăn theo chế độ thực vật từ 6 cho đến 10 ngày mỗi tháng.

Khi độ dẫn người môn đệ đầu tiên là Ngài Ngô Văn Chiêu, Cao Đài Tiên ông đã ra lệnh cho ông phải ăn chay 10 ngày mỗi tháng. Và sau đó giữa những năm của thập niên 20 thế kỷ vừa qua, các tín đồ bên phổ độ cũng được Đức Cao Đài khuyên nhủ hãy ăn chay 6 hoặc 10 ngày để lui trừ bệnh tật!

Trong bối cảnh các tín đồ Phật giáo lúc đó chỉ ăn chay từ 2 cho đến 4 ngày trong một tháng, việc luật Cao Đài buộc người tín đồ phải ăn chay tối thiểu 6 ngày mỗi tháng là một yêu cầu khá cao! Và để đúng chuẩn với Tân pháp Cao Đài, người nhập môn vào Cao Đài giáo phải nhanh chóng thích ứng với chuẩn cấp bậc 10 ngày chay trong mỗi tháng nếu chưa có khả năng tiến lên cấp bậc 16 ngày hoặc trường chay!

Thật là kỳ lạ khi ngày nay, chúng ta thấy các nhà khoa học sau những nghiên cứu lâu dài đã đi đến kết luận khuyến khích mọi người thực hiện chế độ dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe cá nhân và có lợi cho môi trường sống lại trùng khớp với chế độ trai kỳ theo luật định của Cao Đài giáo đã nêu lên từ đầu thập niên 20 của thế kỷ trước!

Chúng ta thấy, ngày nay ở những nước tuy nghiêng về duy vật nhưng không còn phê phán người ăn chay là lạc hậu nữa!

Chế độ chay lạt của Cao Đài đã thể hiện được tính nhân bản và hiện đại dẫn dắt thời đại thật rõ nét. Trước nhu cầu sống còn của quả đất và của chính mình, việc ăn theo chế độ chay lạt của Cao Đài sẽ là xu hướng tất yếu của những con người tự nhận mình là thành phần tiên tiến của thời đại!
 

dong tam

New member
7. Hiện đại cho nếp sống tinh thần giúp giải tỏa stress của nhịp sống công nghiệp.

Theo Tân Luật Cao Đài quy định từ đầu năm 1927, người tín hữu Cao Đài nào ăn chay từ 10 ngày mỗi tháng trở lên khi có nhu cầu sẽ được hướng dẫn thực hành pháp môn thiền định.

Vào đầu thế kỷ 20, đây là quy định rất thoáng của một tôn giáo Đông phương về mặt tâm pháp. Tính thân thiện với quần chúng đã thể hiện rõ khi Tân Pháp Cao Đài được đưa về gần với người tín đồ hơn, điều này đồng nghĩa với số lượng người được tiếp cận với tâm pháp để tập lần việc làm chủ bản thân, bản tâm của mình.

Ngày nay khi nếp sống công nghiệp với nhịp độ hối hả tạo nên những stress nghiêm trọng ảnh hưởng đến tinh thần và sức khỏe thể chất của con người ở những nước đã kỹ nghệ hóa cao độ, nhịp sống của con người bị buộc phải bắt kịp theo nhịp độ vận hành của máy móc. Điều này đã gây nên những hậu quả không ngờ như tỷ lệ người bị trầm cảm rất cao dẫn đến số người tự tử gia tăng! Như tại các nước của Cộng Đồng Âu Châu hay Nhật Bản, Hàn Quốc ở Á châu mỗi năm có mấy chục ngàn người tự tử và con số càng lúc càng gia tăng chứ chưa có dấu hiệu dừng lại!

Trong khi đó từ hơn 10 năm trước, tại những công ty của Ấn Độ hay Nhật Bản, v.v... đã thiết lập phòng tĩnh tâm thực hành yoga hay thiền cho các kỹ sư để tạo điều kiện phục hồi năng lực sáng tạo cho các chuyên gia của mình!

Trong ngành hàng không vũ trụ, từ thập niên 80 của thế kỷ trước Liên Xô đã cử những đoàn chuyên gia sang Ấn Độ để nghiên cứu Yoga cùng phương pháp thiền định để giúp cho các phi hành gia có thể điều khiển cơ thể đi vào trạng thái “quy tức” hầu kéo dài thời gian tồn tại với mức tiêu thụ oxy thấp nhứt có thể được trong khi chờ đợi tiếp cứu nếu không may tai nạn xảy ra trong không gian!

Như vậy với những điều kiện để được thọ nhận phần Tâm Pháp Cao Đài đã được hạ xuống phù hợp với nếp sống văn minh của con người (ăn chay 10 ngày mỗi tháng) đã thể hiện tính đại ân xá trong Tam Kỳ Phổ Độ. Điều này có phản ảnh được phần nào tính thân thiện, nhân bản và hiện đại của Cao Đài giáo cách nay gần 100 năm và cũng như trong tương lai hay không? Hỏi tức là đã trả lời!

[Quy tức: thở như rùa, chậm tối đa khi cơ thể ở trạng thái “biến dưỡng căn bản”.]
 

dong tam

New member
8. Nhân bản và hiện đại qua quốc phục và đạo phục.

Trong xu hướng hội nhập thế giới ngày nay, nhu cầu mỗi quốc gia – dân tộc có riêng bộ quốc phục để thể hiện nét đặc biệt về văn hóa riêng của dân tộc mình là một nhu cầu thiết yếu.

Quốc phục là tinh hoa của một dân tộc, thể hiện đầy đủ các yếu tố về tâm hồn, phong cách, bản sắc văn hóa,v.v...

Diễn biến xã hội Việt từ đầu thế kỷ 20 đến nay, suốt trăm năm qua, bộ áo dài dầu của nữ hay nam đều được phần đông dân chúng trong các thành phần xã hội chấp nhận là đại diện cho quốc phục. Từ chàng học trò đầu thế kỷ 20 cho đến giới văn nghệ sĩ, giới tu hành của một số tôn giáo trên đất Việt từ Bắc vô Nam như: Nho giáo, Minh Sư, Minh Đường, Cao Đài. Rồi một số nguyên thủ quốc gia trong một vài giai đoạn của lịch sử thế kỷ 20, v.v...

Cao Đài giáo Việt Nam được Đức Chí Tôn hướng dẫn lấy bộ quốc phục làm đạo phục cho dân tộc mình. Đây là một tư tưởng vừa nhân bản vừa hiện đại, vừa tôn trọng bản sắc văn hóa bản địa vừa nâng cao tầm mức tư tưởng “dung hòa bản sắc văn hóa dân tộc với văn hóa chung của năm châu”.

Bộ áo dài của người Việt vào đầu thế kỷ 20 vừa kế thừa truyền thống bản sắc văn hóa dân Việt (áo tứ thân) vừa được cách tân tương ứng với trình độ sản xuất của xã hội. Bề rộng khổ vải được nâng lên đủ để người thợ có thể may áo thành 2 mảnh gồm một mảnh phía trước và một phía sau thay vì 4 mảnh như áo tứ thân. Kèm theo bộ áo dài là chiếc áo bà ba bà ba hoặc chiếc yếm lót của nữ được mặc lót bên trong vừa kín đáo cho cả nam hay nữ vừa thanh lịch. Áo quần đều được may vừa phải không quá ôm sát thân thể để giữ sự kín đáo đồng thời phù hợp với thời tiết khí hậu bản địa vừa giữ sự thoáng mát lại vừa che ấm cho cơ thể.

Bộ đạo phục Cao Đài ra đời vào giữa thập niên 20 của thế kỷ trước, song song với giai đoạn cách tân chiếc áo dài truyền thống trong đời sống xã hội, gồm quần dài, áo dài, khăn đóng và áo lót dầu nam hay nữ đều là chiếc áo bà ba. Như thế, bộ đạo phục vừa kế thừa truyền thống nhân bản vừa thể hiện tính hiện đại vì đã chuyển đổi kịp với tiến bộ sản xuất của thời đại.

Thầy có dạy:

“... Về việc mặc sắc phục là việc hình thức, không ăn thua vào cơ truyền bá giáo lý, nhưng dầu sao nó cũng ảnh hưởng đôi chút.

Vậy tất cả các con đều ghi nhớ và cũng đừng nên hiểu lầm rằng đó là một lối quảng cáo. Vì có hình thức, màu sắc khác biệt với người đời mới có thể gọi là Đạo.

Cũng như hình thức ấy đã dội vào trong tâm tưởng sâu xa, hầu tưởng nhớ đến kẻ sanh thành dưỡng dục.

(còn tiếp)
 

dong tam

New member
Xã hội văn minh kỹ thuật cực kỳ diệu ảo hôm nay đi kèm những thách thức gay cấn với sự phát triển bền vững, đòi hỏi sự cân bằng giữa văn minh khoa học hiện đại và truyền thống văn minh đạo đức. Sự suy thoái của môi trường thiên nhiên cùng sự xuống cấp đạo đức xã hội luôn song hành cùng với lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm. Sự thờ ơ ích kỷ của con người với đồng loại hay đồng bào của mình cũng như sự lạnh lùng của con người trước tình trạng kiệt quệ của môi trường sống và suy giảm yếu tố đa dạng sinh học gây nên mùa đông lạnh buốt vô cảm giữa con người với con người và giữa con người với môi trường thiên nhiên. Trong bối cảnh ấy, những tiến bộ vật chất của xã hội đi ngược lại với sự suy thoái tinh thần và đạo đức của một bộ phận nhân loại đã diễn ra từ giữa thế kỷ trước, những tư tưởng nhân bản của Cao Đài giáo đã tỏ ra rất hiện đại trong bối cảnh toàn cầu hiện nay của nhân loại. Phải chăng đây là ánh sáng của ngọn đuốc soi đường cho nhân sinh trong đêm tối âm u lạnh buốt?

Mùa xuân gắn liền với đức Nguyên của Đạo Kiền mà Nguyên là đầu là lớn. Cao Đài giáo xuất hiện đã gần một thế kỷ qua từ năm Bính Dần (1926), một số điểm vừa nêu trên đã lần lượt được giới thiệu trong 3 tháng đại lễ Khai Minh Đại Đạo kết tinh qua Tân Luật, được đặt trên nền tảng của Pháp Chánh Truyền, đã hoàn thành vào mùa Xuân Đinh Mão 1927. Ngày nay trước những yêu cầu bức thiết cho sự phát triển bền vững của đời sống nhân sinh và cho sự tồn sinh của con cháu mai sau, chúng ta không khỏi giật mình nhận ra từ lâu Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ đã có những tư tưởng hiện đại và nhân bản đến như vậy!

Sự xuất hiện của tư tưởng Cao Đài đã lèo lái, dẫn dắt thời đại cho cuộc sống nhân sinh đạt đến trạng thái cân bằng giữa tâm và vật đem những điều đạo đức lại gần, thân thiện với đời sống văn minh kỹ thuật. Vì thế, phải chăng Cao Đài chính là tôn giáo tương lai, là mùa Xuân của văn minh nhân loại cho hôm nay và mai sau.

Mùa Xuân ấy Trời dành vạn vật,
Mùa xuân là tánh chất nước non;
Chuỗi đời trăm hạt xây tròn,
Xuân về xoa dịu hàn ôn chuỗi đời.

[Đức Chí Tôn, Nam Thành Thánh thất, 01-01 Ất Tỵ (02-02-1965)]
 

Facebook Comment

Top