Chánh Tín hay mê tín

dong tam

New member
Đồng tiến trên đường Chánh tín

Mục lục

1. Đồng tiến trên đường chánh tín
2. Sự thờ phượng
3. Sự lễ bái - hiến dâng
4. Cầu nguyện
5. Cúng tế người quá vãng
6. Kỷ niệm tiền bối quá vãng
7. Thiên đàng - địa ngục
8. Trung thu hội yến hiến dâng lên đức mẹ
9. Thế nào là đại lễ hiến dâng lên đức mẹ
10. Mùa xuân nói chuyện chánh tín
11. Thiên quang tứ phước
12. Mê trong biển tỉnh
 

dong tam

New member
ĐỒNG TIẾN TRÊN ĐƯỜNG CHÁNH TÍN

Đức Quán Thế Âm trong một lần giáng đàn đã dạy:

Khi bước chân vào lâu đài tôn giáo, vào Đại Đạo, hầu hết ai cũng nghe và cũng nói nhiều về chơn lý, về sự chánh tín hay mê tín. Nhưng nghe là nghe, nói là nói, chớ kỳ thật giải quyết được vấn đề giải thoát khỏi màn lưới vô minh quả là mấy ai làm được!” [Đức Quán Thế Âm, Trúc Lâm Thiền Điện 07.01 Tân Hợi (02.02.1971)]

Đức Lý Giáo Tông cũng có lời dạy:

▪ “Cuộc tuần hoàn nguơn hội đáo đầu, trải qua bao lúc sàng sảy, phân phàm lọc Thánh, định luật đến ngày đào thải tất cả những gì cặn bã trọng trược trong vũ trụ.

Chư hiền đệ thử ôn lại, nhìn vào trong cửa tôn giáo khắp hoàn cầu. Như hiện tình không biết bao nhiêu là pháp môn, là đạo giáo, mỗi mỗi đều có tác dụng đóng góp vào Đại Đạo. Đến lúc tận thế, tam thiên lục bá bàng môn đều ra tranh hùng giành giật để lập công hầu chuyển mình qua kỷ nguyên mới, hưởng hạnh phúc thiên đường ở thế gian. Do đó đã diễn ra không biết bao nhiêu hình thái tranh giành tín hữu, kéo giật môn đồ, dùng đủ pháp thuật mê hoặc lôi kéo đám người mê tín cùng về để thực hiện cho kỳ được lòng tham vọng. Thế nên, đã biết bao nhiêu người đã hy sinh, đã ngã gục trước ngưỡng cửa tôn giáo.

Nhưng than ôi! Hỏi ai là người hy sinh đúng chỗ, đúng lúc, đúng đường lối để nhìn thấy ngày hoàn thành sứ mạng đem đạo độ đời, năm châu chung chợ, bốn biển chung nhà, người người đều hưởng cảnh lạc thú tiêu dao trong tình thương bác ái, cùng nhìn nhau trong một đại gia đình nhân loại. Những hàng sứ mạng hướng đạo các tôn giáo lúc bấy giờ đã hoàn thành sứ mạng tam giáo quy nguyên, ngũ chi phục nhất, dưới Đấng Duy Nhất Chúa Tể Càn Khôn. Đó là việc rất khó!

Chư hiền đệ muội đừng tưởng tu để thành Thần Thánh Tiên Phật là dễ. Không phải chỉ giữ mức bình thường, ăn chay niệm Phật, đi chùa tụng kinh, rồi đến ngày thoát xác về nơi bồng lai tiên cảnh. Tưởng vậy là sai lầm lắm!
” [Đức Lý Giáo Tông, Thiên Lý Đàn 23 tháng 03 Đinh Mùi (02.05.1967)]

▪ “Có một lần, Thiêng Liêng đã nói rằng: trong hàng giáo phẩm Thiên phong chức sắc cũng như chức việc tín hữu, đừng tưởng rằng mình đã nhập môn rồi với mỗi tháng mấy ngày chay, đi chùa thất cúng bạc hiến tiền là được vào hàng con cưng của Trời Phật; và các Đấng Thiêng Liêng sẽ hộ trì cho đến ngày thành Tiên tác Phật.

Vẫn bị đọa như thường nếu không tìm hiểu được đâu là chánh tín, đâu là mê tín tà niệm, nếu nhập môn rồi mà không cố gắng học hỏi Đạo lý, hiểu việc nào nên làm nên nói nên suy nghĩ và điều nào không nên làm không nên nói không nên suy nghĩ. Không rèn luyện bản tâm cho thuần chơn, không chế ngự thất tình lục dục để cho chúng tự do loạn động.

Thượng Đế thương đời, đã đem các giáo lý từ khó đến dễ kêu gọi thức tỉnh người đời, chớ Thượng Đế không bảo người đời quá chú trọng về mặt hình thức dập đầu cầu Phật. Nếu trong lúc ấy tâm thức chưa được mở mang thì tâm linh vẫn còn lúng túng trong bức màn vô minh, thì dầu có giữ đạo ngàn đời muôn kiếp cũng vẫn mãi còn lên xuống lặn hụp trong bánh xe luân
.” [Đức Lý Giáo Tông, Ngọc Minh Đài 15.10 Kỷ Dậu (24.11.1969)]

Và Đức Mẹ cũng dạy:

Các con hữu duyên hữu phúc khải ngộ Tam Kỳ Phổ Độ đại ân xá. Phật Tiên Thánh Thần thường xuyên dẫn dắt, chỉ nẻo tắt, tránh đường quanh, chỉ chờ các con chí kỉnh chí thành tu hành chơn chánh, gieo giống chi gặt liền giống ấy... Tu theo Phật Trời được độ dẫn đến hư vô, mê theo ma quỷ bị dắt đến tam đồ lục đạo.” [Đức Vô Cực Từ Tôn, Thánh thất Bình Hòa 15.8 Giáp Dần (30.9.1974)]

Vậy nên, chánh tín là chiều hướng phải được xác định rõ. Bởi vì nếu xác định sai, nghĩa là ngược lại thì đó là chiều mê tín! Vấn đề cũng rõ ràng và đơn giản như khi chúng ta biểu diễn đức tin của người có tín ngưỡng là một trục tọa độ, trên đó chánh tín thuộc về chiều dương còn chiều âm thuộc về mê tín.

Qua những lời Thánh giáo, các biểu hiện mê tín của người có tín ngưỡng có thể được trông thấy ở một số hình thức tín ngưỡng thông thường sau đây:
- Sự thờ phượng
- Sự lễ bái, hiến dâng, cầu nguyện
- Việc cúng tế người quá vãng
- Kỷ niệm chư tiền bối
- Việc xây dựng chùa thất
- Nhận thức về Thiên đàng - Địa ngục...
- Trung thu, hiến dâng lên Đức Mẹ
- Mùa xuân xem bói, xin xăm, cúng sao…
(còn tiếp)
 

dong tam

New member
Tiếp sau đây, kính mời quý đạo hữu cùng nhau tìm hiểu, học tập lời vàng tiếng ngọc của các Đấng Thiêng Liêng về các đề tài vừa nêu trên qua những lời nhắn nhủ:

▪ “Tu phải hiểu đức tin chánh tín,
Mỗi việc hành, xét định minh quang;
Chớ nghe tiếng uyển, tiếng đàn,
Yếu lòng non dạ, tin càng mà nguy
.”
[Đức Quan Âm, Giáo Hội Tiên Thiên Minh Đức 20.9 Đinh Mùi (23.10.1967)]

▪ “Ráng tu tỉnh để qua hồi hắc ám,
Khá bền tâm hầu vượt đám mây mù;
Trọng tâm là tu học, học tu.
Việc chánh bởi một câu chánh tín.

Nếu chư hiền sĩ hiền muội không đủ pháp mầu để ta bà cứu độ, thì ít nhứt phải ráng tu mà tự cứu lấy mình
.”
[Đức Quan Thế Âm,Văn Phòng Phổ Thông Giáo Lý 19.02 Ất Tỵ (21.3.1965)]

▪ “Chư hiền đệ muội là những thành phần giác ngộ, may duyên gặp Đạo. Được các Đấng ở hàng Thượng Đẳng Thiêng Liêng dẫn dắt, hãy cố mà tu học, đừng vui đâu chúc đó chạy đó chạy đây để bị dẫn dắt bởi đường mê tín rồi làm việc tầm thường không đạt được Đạo mà tội nghiệp.
Vì trong giới tín ngưỡng cũng có rất nhiều trình độ, phải ý thức lời nầy để khỏi trễ tràng công quả
.”
[Đức Lý Giáo Tông, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý 15.01 Tân Hợi (10.02.1971)]

Học để hiểu đâu là nẻo chánh đường tà hầu tu sửa mình trước và sau nữa giúp người khác cũng hiểu và hành theo nẻo chánh đường chơn như lời của Đức Vân Hương Thánh Mẫu:

Chánh với tà, biết để làm chi các em?
Không phải biết để gần với người chánh, rồi xa lánh dứt bỏ kẻ tà. Biết để giữ mình theo lẽ chánh, ngăn đón hoặc dẫn kẻ tà vạy lại nẻo chánh đường chơn. Nếu kẻ tà vạy tội lỗi bị vứt đi thì Thượng Đế đâu đến mở Đạo nơi trần gian làm gì và hàng hướng đạo đâu cần phải làm việc giáo dân vi thiện.

[Đức Vân Hương Thánh Mẫu, Cơ Quan PTGL 02.8 Nhâm Tý (09.9.1972)]

Với vai trò “phổ độ nhơn sanh”, cầm đuốc soi đường để tất cả “đồng tiến trên đường chánh tín”, tín hữu Cao Đài chúng ta phải là những người thông rõ đường lối như lời dạy:

Người cầm đuốc dẫn đường luôn luôn phải là người thông hiểu rõ đường nào phải đi, đường nào phải tránh. Không được lẫn lộn với nhau.
Cùng lúc phải giữ gìn ngọn đuốc cho sáng tỏ mãi mãi để mình và mọi kẻ đi mút được khoảng đường.
Sự vinh quang thành công theo lý tưởng là ở đó
.”
[Đức Vạn Hạnh Thiền Sư, Minh Lý Thánh Hội 30.8 Tân Hợi (18.10.1971)]
 

dong tam

New member
▪ “Hành Chánh Đạo cần phải lập chánh tín. Nếu không chánh tín thì phải chịu dưới tà quyền, nếu chịu dưới tà quyền thì Đạo sai tôn chỉ.”
[Đức Cao Đài Tiên Ông, Trước Tiết Tàng Thơ 15.12 Mậu Dần (1939)]

▪ “Phải chánh tín để đem chánh tín cho mọi người.
Phải thực hành chân lý để mọi người đều đến với chân lý
.”
[Đức Mẹ, Vạn Quốc Tự 15.8 Ất Tỵ (10.9.1965)]

▪ “Bần Đạo đến trần gian để giúp chư hiền đệ muội một vài Lý Đạo để nhận thức vị trí của mình trong trời đất, ngõ hầu tăng tiến trên bước đường tu học chân chính để khỏi sa vào nẻo mê tín mà bị bàng môn tả đạo lôi kéo vào hố sâu vực thẳm không ngày trở lại cùng Chí Tôn Từ Phụ.”
[Đức Quan Thế Âm, Minh Lý Thánh Hội 14.1 Kỷ Dậu (02.3.1969)]

▪ “Đạo chẳng xương minh chánh pháp sáng tỏ lý chơn thì đời phải lạc lầm mê tín.”
[Đức Phan Thanh Giản, Trúc Lâm Thiền Điện 02.01 Bính Ngũ (22.01.1966)]
 

dong tam

New member
SỰ THỜ PHƯỢNG

I. Thờ phượng
1. Thờ cúng ai?
2. Thờ phượng để làm gì?
3. Thờ phượng với sự kỉnh thành trang trọng
II. Tạc tượng - Thờ phượng
- Không lên cốt tượng
- Để tiền bạc làm phước thiện


"Thầy các con! Chư môn đệ nghe!

Phần nhiều trong các con chẳng để lòng thờ kính Thầy, tưởng cho đem thờ Thầy vào nhà là chủ ý cầu một việc lợi riêng chi cho gia quyến mà thôi chớ chẳng hiểu là một nguồn trong sạch để rửa các tội lỗi phàm tục của các con.

Nhiều đứa lại còn mơ hồ, đã thờ Thầy mà còn chưa chắc ý rằng thờ đặng chi và mở Đạo ra có ích gì?

Đã bước chân vào đường đạo đức thì phải gia công tìm kiếm, học hỏi rõ ngọn nguồn để xứng đáng là môn đệ của Thượng Đế…
” [Thánh Ngôn Hiệp Tuyển 1, Đại Đàn Chợ Lớn ngày 27.12.1926]

Lời Thầy dạy từ thuở Khai Minh Đại Đạo, xem ra vẫn có giá trị thực tiễn với số đông tín hữu Cao Đài chúng ta!

Vậy hôm nay, trước tiên chúng ta cùng nhau học hỏi những lời Thánh huấn của các Đấng Thiêng Liêng về “sự thờ phượng”.
 

dong tam

New member
I. THỜ PHƯỢNG:

Theo giáo lý Cao Đài, cõi vô hình chia làm hai hạng:

- Thượng đẳng Thiêng Liêng: Thần, Thánh, Tiên, Phật, Trời.

- Hạ đẳng thiêng liêng: ma, quỷ, yêu, tinh.

Tất cả đều “vô hình” và có một "huyền năng" nhứt định. Chúng ta, là tín hữu Cao Đài, nên kỉnh trọng thờ phượng và cúng kính những ai?

1. Thờ cúng ai?

Đức Chí Tôn dạy:

Chỉ thờ cúng Thượng Đế và trọng kỉnh ông bà cha mẹ.”

Người tín hữu, môn đệ của Đức Chí Tôn, tuân lời dạy:

- Tuyệt đối không thờ cúng Hạ Đẳng Thiêng Liêng, để cầu được hộ trì lợi lộc.

Nếu như trong những ngày đại lễ, chúng ta thấy ở Thánh Thất, Thánh Tịnh có lập bàn thờ các đẳng cô hồn và cúng kính kinh kệ lễ phẩm thì phải hiểu rằng người tín đồ Cao Đài không bao giờ được phép thờ phượng Hạ đẳng thiêng liêng để cầu lợi lộc. Trái lại, người tín đồ Cao Đài chúng ta thiết lễ vì lòng nhân ái muốn độ tử cầu siêu và thỏa mãn phần nào sự thèm khát của các vong linh chưa siêu thoát như lời kinh:

Thương thay thập loại cô hồn,
Bơ vơ lưỡng cảnh, dập dồn tuyết sương.
Ngày đêm dưới hố bên đường,
Nhiễu nhương lân ấp, phố phường dọ ăn
.”

Xin được thuật lại một câu chuyện thật đã xảy ra tại Thánh Thất Tân Định quận 1 Sài Gòn, vào khoảng năm 1965:

"Vào một kỳ cúng đàn sóc vọng thời Tuất (vì ở thành phố, nhiều đạo hữu là công hay tư chức đến 5 giờ chiều mới tan sở) số đạo hữu vào khoảng 70 vị, mọi người đang thành tâm tụng kinh đến bài Phật Giáo Tâm Kinh.

Thình lình, có một tiếng "xạch" thật lớn phát ra từ một mảnh giấy được xếp gọn bị ném mạnh xuống nền. Mọi người đứng cúng dọc hai bên chánh điện chưa hết ngạc nhiên thì bỗng thấy một đạo tỷ đang quỳ cúng giữa điện tự tát vào mặt mình nghe bốp bốp. Tiếng cầu kinh bị khựng lại trong vài giây, rồi vị giáo nhi cất cao giọng lôi cuốn mọi người tiếp tục thời cúng. Khi ấy, đạo đệ quỳ trên vị ấy một hàng gối, tò mò quay lại chéo về bên trái phía sau của mình, thì thấy đạo tỷ ấy đang lạy liên tục!...

Hết thời cúng, mọi người kéo nhau lên đền Phật Mẫu lạy Mẹ, trong lúc hành lễ ai cũng thấy đạo tỷ ấy khóc sướt mướt. Khi xuống Thiên Phong đường dùng trái cây, mọi người xúm quanh thăm hỏi. Đạo tỷ kể rằng:

“Đang cúng ở chánh điện thì thấy một vị mặc áo đỏ bước đến chỉ vào mặt trách mắng vì sao đã là môn đệ của Đức Chí Tôn Thượng Đế mà còn tin vào bùa chú hạ đẳng? Và vị Thần tát cho mấy cái thật đau!

Còn khi lên lạy Đức Mẹ thì đạo tỷ được một Đấng Nữ Thiêng Liêng an ủi khuyên lơn nên lòng cảm động, ăn năn”.

Thật thà, đạo tỷ thú nhận là mình có nghe lời xúi giục, sắm lễ vật đi xin thầy bùa một lá và luôn cất trong người để hy vọng được chư vị phù hộ trong việc kiếm sống, nên mới bị quở phạt như thế!”

Khi xưa, Đức Ngô Minh Chiêu trong một lần giáng đàn sau khi đắc đạo, có dạy một đạo hữu mới:

Ngọc, hiền muội hãy tuân lịnh Thầy sắp đặt gia từ mẫu hiền muội lại cho chỉnh. Phải viết bài vị thờ Tam Giáo, Tam Trấn. Gỡ những bùa chú của tà và dẹp trang bóng chàng.
Hễ thờ Thầy thì chẳng nên thờ quái mị.
Vậy hiền muội cắt nghĩa cho từ mẫu hiền muội biết
.”
[Đức Ngô Minh Chiêu, Gia Định 13.3 QuýDậu (1933)]

Vậy người tín đồ Cao Đài không được tin vào bùa chú của đồng cốt, thầy pháp.

Đức Mẹ, một lần giáng đàn có dạy một vị nữ phái:

▪ “Huê con nghe Mẹ dạy:
Tìm con đường chánh khó thay là,
Hễ có Phật Trời ắt có ma;
Chí trọn, sắt son, Thần Thánh chứng,
Bôn chôn, dục vọng ắt xuông tà
.”
[Đức Mẹ, Trước Tiết Tàng Thơ 15.5 nhuần Quý Dậu (07.7.1933)]

▪ “Huê con trẻ tỉnh lần nghe Mẹ,
Đạo chánh tâm là lẽ lý chơn;
Xa đi đồng cốt gây hờn,
Trên đường tu luyện linh hồn nhớ chăng ?

[Đức Mẹ, Huờn Cung Đàn 14 rạng 15.9 Quý Mão (30.10.1963)]
Và Đức Quan Thế Âm cũng có dạy một đạo hữu:

V.K. Khoan hiền sĩ nghe đây:
Đạo chẳng đâu xa, chính tại tâm,
Sách kinh Thánh giáo học sưu tầm;
Hỏi han bè bạn điều hay dở,
Sẽ rõ đạo mầu lý thậm thâm.
Chớ nghe cuối ngõ đầu đàng,
Cốt đồng dắt dẫn luận bàn đó đây.
Chung tay giáo lý phô bày,
Công dầy quả đủ được ngày minh tâm
.”
[Đức Quán Thế Âm, Văn Phòng Phổ Thông Giáo Lý 19.2 Ất Tỵ (21.3.1965)]

- Chỉ Việt Nam mới còn duy trì tục lệ thờ cúng ông bà

Đây là một nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt cần được giữ gìn. Hiện nay, tốc độ "đô thị hóa" ngày càng tăng. Đại gia đình truyền thống làng xã của người Việt chuyển đổi dần sang hình thức tiểu gia đình đô thị với không gian nhà cửa chật hẹp (dạng chung cư...) nhưng có nhu cầu nếp sống văn minh đô thị với các vật dụng tiện nghi vật chất điện tử nên diện tích lại càng thu hẹp. Thêm vào đó một số thanh niên sinh viên lên thành phố học tập, làm việc phải cư trú tập thể chật hẹp. Do đó một số người không có điều kiện thực hiện việc thờ cúng ông bà, lâu ngày đánh mất thói quen tốt đẹp, làm mai một truyền thống của dân tộc!

Vì thế, tín hữu Cao Đài chúng ta cần ý thức vấn đề nầy để làm sao nếp sống văn minh vẫn hài hòa cùng đời sống văn hóa tín ngưỡng từ trong căn hộ của mình. Được như vậy thì sự bình thường của nếp sống hài hòa giữa văn minh vật chất và văn hóa tinh thần của chúng ta trở thành nét đẹp trong đời sống, thể hiện việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Lời Thầy dạy từ khi mới lập Đạo đáng để lưu ý:

Chỉ có xứ Việt Nam còn duy trì được sự tôn sùng tổ phụ theo tục lệ cổ truyền mặc dầu xứ ấy chỉ biết chịu ở dưới quyền lệ thuộc từ ngày được tạo lập tới giờ. Ý Thầy muốn nó được giữ nguyên thể như vậy mãi...” [[Thánh Ngôn Hiệp Tuyển quyển 1, Vendredi 01 Octobre 1926]]
(còn tiếp)
 

dong tam

New member
2. Thờ phượng để làm gì?

Chúng ta hãy đọc lời của Đức Quán Âm để tự xem lại mình được xếp vào trường hợp trình độ nào trong sự tín ngưỡng:

Thế thường trong giới thiện nam tín nữ khi đã có đức tin nơi Đấng Thần minh thì đã chọn một dấu hiệu nào đó để thờ phượng tín ngưỡng hầu làm nơi tựa tâm hồn vào đó. Nhưng trong sự thờ phượng thì có nhiều quan niệm khác nhau.

Có người quan niệm về sự kính mến oai linh đức độ hoặc trung cang nghĩa khí, hoặc tiết liệt anh thư mà thờ. Có người vì muốn được sự phò hộ tế độ cho bản thân hoặc gia đình mà thờ. Có người vì muốn được sự báo ứng mách bảo những khi bất trắc tai nguy hoặc mách đường chỉ nẻo trên bước danh lợi mà thờ. Có người vì lòng kính mộ đạo phẩm uyên thâm nhiệm mầu huyền diệu, cần được Đấng ấy dạy dỗ dắt dìu trên đường tu học mà thờ. Cũng có đa số những người vì sợ tà ma yêu quái ám hại nên thờ để nhờ oai linh giữ gìn bổn mạng, tài sản, sự nghiệp cháu con... Nếu chỉ nói về sự tín ngưỡng thuần nhất thì những quan niệm ấy đã giống nhau về chỗ kính nể mến thương oai linh đức độ ngoài khả năng của mình mà thờ. Nhưng khi đem phân tích giá trị của mỗi quan niệm thì nó đã cách nhau nhiều trình độ
.”
[Đức Quan Thế Âm, Minh Lý Thánh Hội 6.4 Giáp Dần (27.4.1974)]

- Thờ cúng các Đấng Thiêng Liêng là để học và hành theo gương tánh hạnh của các Ngài:

Thí dụ chúng ta học và hành theo gương trung cang nghĩa khí của Đức Quan Thánh, tiết liệt của Đức Quán Thế Âm, trung liệt của Hai Bà Trưng, trung nghĩa của Đức Thánh Trần...), không cầu xin lợi lộc, thăng quan tiến chức... Trái lại, phải cố gắng thực hành theo đức độ và giáo lý của các Đấng đã chỉ truyền như lời dạy sau:

Cúng lạy pho tượng tạm đặt tên Bần Tăng để thể hiện lòng sùng kính một Đấng từ bi cứu thế. Nhưng cần phải làm và làm cho nhiều theo đức độ và giáo lý đã chỉ truyền mới mong tự cứu rỗi thân tâm. Chớ quá chú trọng về mặt hình thức lễ bái cầu xin mà thiếu về phần nội tâm tự tu, tự cứu. Bần Tăng cũng không làm sao cứu rỗi giùm.”
[Đức Di Lạc, Trúc Lâm Thiền Điện 02.01 Bính Ngọ (22.01.1966)]

- Thờ cúng tổ tiên là một hình thức thể hiện nhân bản, “cây có cội, nước có nguồn”.

Mỗi ngày thường xuyên thắp nhang khấn vái trước bàn thờ tổ tiên là một hành động giáo dục nhẹ nhàng cho con cháu về nguồn cội gia đình, ý thức về truyền thống của dòng họ để luôn sống xứng đáng với công khó của tiền nhân và nếu chưa làm sáng danh thì cũng không bao giờ làm mất danh dự của dòng họ.
 

dong tam

New member
3. Thờ phượng với sự kỉnh thành trang trọng:

Đoạn Thánh giáo sau cho chúng ta một thí dụ để suy nghĩ:

Các con nên sửa soạn sự thờ phượng nơi tư gia cho dời vào trong hoặc lên trên cho tôn nghiêm, vì trước đó là đường ra vô rất nên thất lễ.

Trước kia vì sự sinh sống thiếu phương tiện, các con ép lòng phải để như vậy, nay hãy sửa lại, thờ như vậy không nên đó con. Đành rằng hồng trần là trọng trược, chỉ có lòng người khử trược lưu thanh, nhưng biết trước mà không khử, biết thất lễ mà không sửa sang là có tội con à.

Con ôi!

Trời Phật chẳng bảo ai thờ cúng,
Đó tượng trưng thể dụng tu hành;
Muốn cho trọn kỉnh trọn thành,
Thì nên thờ phượng chỗ dành tôn nghiêm
.”
[Đức An Hòa Thánh Nữ, Văn Phòng Phổ Thông Giáo Lý 26.12 Kỷ Dậu (02.02.1970)]

Đã tin yêu Thầy Mẹ và các Đấng Thiêng Liêng, mong muốn tập theo gương đức hạnh của các Đấng, người tín hữu chúng ta phải thể hiện đức tin và sự trọng kỉnh qua hình thức thờ phượng như lời dạy của Đức Linh Quang Thổ Địa:

Còn tư gia những nơi thờ phượng,
Phải chọn nơi cao thượng chánh trung;
Để kỉnh thờ Chúa Tể Huyền Khung,
Để bảo trọng Tiên Ông Trời Phật.
Đó là chỉ những nơi tư thất,
Dầu giàu nghèo rộng chật đến đâu;
Không ngại gì đa thiểu phượng lầu,
Miễn trọn kỉnh là đầu mọi việc.
Chớ đừng tưởng đây phòng khánh tiết,
Để đãi đằng yến tiệc nhà quan;
Rồi phượng thờ tạm bợ một trang,
Nhét bên góc hoặc hành lang cũng được.
Đó là điều coi chừng tổn phước,
ĐỊA thương đời nên mách trước việc này;
Nếu ai còn hờ hững đó đây,
Nên sửa lại an bày cho đúng.
Để phương tiện những khi thờ cúng,
Mình kỉnh thành, đại chúng kỉnh thành;
Nếu mình tua đập dập có danh,
Đời khinh rẻ thì dễ gì phổ Đạo lành ra khắp xứ.
Vì thương mến khuyên ai nên xử sự,
Bước tu hành gìn giữ hằng khi;
Buổi ban sơ cần có hữu vi,
Rồi sau sẽ vô vi bước tới
.”
[Đức Linh Quang Thổ Địa, Thiên Lý Đàn 20.11 Đinh Mùi (21.12.1967)]
 

dong tam

New member
II. TẠC TƯỢNG - THỜ PHƯỢNG:

Để thể hiện lòng tín ngưỡng, kỉnh trọng các Đấng Thiêng Liêng người ta thể hiện qua hình thức thờ phượng. Tâm lý thông thường của nhơn sanh hay chuộng hình tướng, nên một số người có điều kiện tiền bạc khi muốn thể hiện lòng kỉnh thành của mình với một Đấng Thiêng Liêng nào đó thì tạo cốt tượng đồ sộ uy nghi hoặc sắm sửa xiêm y, lọng dù sặc sỡ ... Có thật sự cần thiết phải làm như thế hay không?

1. Hình thức thờ phượng và giáo lý Cao Đài cho chúng ta thấy Ơn Trên dạy trong Tam Kỳ Phổ Độ phải giảm hình tướng và không lên cốt tượng để thờ.

Đúng theo Thiên Ý nhất, chúng ta chỉ cần viết bài vị với dòng chữ nói lên đức hạnh và danh tánh của Đấng được kỉnh thờ. Có thể trích dẫn vài đoạn Thánh giáo sau:

▪ “Trời là một Đấng Cha chung,
Kính thờ trọn Đạo tận trung với người;
Linh hồn thọ lãnh của Trời,
Xác hình ta lại nhờ thời mẹ cha.
Mẹ cha sanh sản ta ra,
Nên chi ta phải trọng mà hiếu thân.
Ngoài ra Tiên Phật Thánh Thần,
Là người sáng suốt đoạt phần thanh cao;
Biết phương vào chỗ động đào,
Thoát vòng sanh tử, ta nào dám khinh.
Nhưng mà ngài đoạt chí linh,
Kính thành là đủ, tạo hình làm chi
?

▪ “Về phần Diêu Trì Kim Mẫu, nên tạo linh vị đề chữ thay vào, hỏa thiêu hình cốt để nơi tiền bàn. Nhứt thống đó chư hiền!”

▪ “Vậy chiếu sắc Giáo Tông, Thiên Mạng phận sự nên tạo những Thánh Vị: Tam Giáo kế Tam Trấn cùng Thánh Đạo, Thần Đạo cho đủ trên tam cấp nghe chư Thiên Mạng phận sự. Thánh vị tạo bằng chữ, khuôn khổ tùy nghi nghe.”

▪ “Đến nay đời Hạ Nguơn chuyển Thượng, Đại Đồng xây dựng, chiếu sắc Ngọc Hoàng, Tam Tòa ấn định, Tam Trấn hạ trần chuyển khai nền Đại Đạo. Như thế thì Kim Tinh, Quan Âm, Quan Thánh là Tam Trấn hạ trần thế Thiên khai Đạo. Nay vì lòng tin tưởng của chư hiền nên dựng ảnh chơn thần để giải bày trong cơn khổ bịnh. Như thế Lão cũng chứng cho nhưng để về phần vô vi. Còn về phần chơn dung, Chơn Phước hiền đệ cùng Phong Vân nên thu hồi cho hợp lý nghe chư hiền đệ.”
 

dong tam

New member
2. Nếu quá kỉnh thành và theo lệ cũ mà tạc tượng để thờ thì đừng để rơi vào hình thức màu mè mà trở nên mê tín. Trái lại, thay vì chú trọng phát triển hình tướng thờ phượng thì nên dùng tiền bạc công sức mà lo việc phước thiện giúp ích những người khốn khó. Đó mới là chánh tín!

Vài đoạn Thánh giáo sau cho chúng ta thấy rõ lời dạy của Ơn Trên:

- Đức Linh Quang Thổ Địa, một lần khác giáng đàn có dạy thêm:

Rằng tu kính trọng Thần linh,
Sao còn hoán võ hô binh ấn phù.
Tam Kỳ Đại Đạo dạy tu,
Chuyển từ mê tín khởi từ chánh tâm.
Đừng tìm viễn vọng xa xăm,
Nặng phần sắc tướng thinh âm ma tà
.
Thấy sao nói vậy không ngoa,
Chẳng thêm chẳng bớt người ta chút nào.
Thương cho thế sự ồn ào,
Chạy theo sắc tướng đi vào âm thinh
.”
[Đức Linh Quang Thổ Địa, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý 18.01 Tân Hợi (13.02.1971)]

- Có một lần, Đức Trưng Trắc Nữ Vương dạy không tô son vẽ phấn lên tượng thờ:

Chuyển bút Thánh ngập ngừng đôi vận,
Ánh hào quang là phận vô hình;
Sanh tiền lập vị danh thinh,
Ấy phần xác thịt phân minh với đời.
Cũng nữ giới trong thời chinh chiến,
Phận quần thoa thực hiện kiếm cung;
Thịt da dạm nắng hãi hùng,
Quả dâu rám mặt vô cùng khác đây.
Nào son phấn như vầy hiện tại,
Vì các em thời đại hiện kim;
Tô son vẽ phấn đủ điều,
Đó là ý tưởng nỗi niềm các em.
Đó hình thức chốt then của chị,
Chấm công em chung thỉ bày khai;
Nhưng phần diện mạo đây rày,
Bức tranh thủy mạc lòng nầy rõ em.

Nầy các em, lòng ảo tưởng các em tạo nên hình dạng của chị để tượng trưng bút tích. Nhưng khác hơn các em. Nên thay đổi hình thức cho hợp thời của đời xác thịt trước kia
.”
[Đức Trưng Trắc, Đạo Lý 112 trang 35, Huờn Cung Đàn 14.01 Ất Mão (1975)]

- Đức Lê Đại Tiên có lời khuyên khi một số đạo hữu Thánh Tịnh Ngọc Minh Đài quận 4 Sài Gòn vì cảm ân nghĩa nên tạc tượng của Ngài để thờ phượng:

Do một số tâm thành nguyện vọng, Tr... đã vì sự cảm ứng mà nghĩ đến việc nghĩa ân với Lão, thật rất cảm kích, nên Lão mới đem việc này để minh định và dẫn dắt làm một ân huệ đáp lại thạnh tình của liệt vị.

Hỡi liệt vị! đã tạc nên pho tượng của Lão, phải hiểu rằng: Khi sanh tiền Lão là một trung thần vị quốc, vì chánh khí mà đắc Thần vị. Do sự cảm mến của dân tộc nên mới bày lăng tẩm phụng thờ, thiết nghĩ ra, lịch sử là để ghi tấm gương trung cang nghĩa khí, chớ nào phải một vị Thần Thánh lại làm một việc ở thế gian bằng cách độc tôn trong một số người tín ngưỡng của địa phương sao? Nhưng sự đời đã thế, lòng tín ngưỡng trở thành mê tín, mê tín trở thành lợi dụng, lợi dụng trở thành một tai hại cho dân tộc nước non. Đây hiện tại, Lão nhắm ngay vào pho tượng mà liệt vị đã thành tâm tạc để phượng thờ. Đây là một hữu hình chi tướng, cũng cân đai áo mão, cũng oai vệ hiên ngang, nhưng gẫm ra pho tượng ấy hàm chứa được gì cho thế gian, cho bá tánh, mà nước nhà đang cơn ly loạn, dân tộc đang đói khổ gian nguy. Lão đành lòng nào hia mão cân đai, để chịu cho đời sùng bái. Liệt vị ôi!

THI
Liếc mắt mà xem khắp mọi nơi,
Cái tình cốt nhục xẻ chia rồi;
Con buôn xương máu còn trơ mặt,
Đứa mượn ân tình chữa hổ ngươi.
Hia mão cân đai thêm uất hận,
Lộng tàng gấm vóc khó yên ngồi;
Nâu sồng chay lạc cho cam phận,
Chia sớt niềm đau với mọi người.

Liệt vị! Lão chứng minh lòng tốt đẹp trong sự cảm ứng của liệt vị, nhưng cũng chỉ rõ sự lầm tưởng của liệt vị là nếu cảm ứng lành thì ứng lành. Lão có hỗ trợ liệt vị trên sự thành tâm thiện ý để được dễ dãi thăng tiến trong cuộc đời sinh hoạt, nhưng cũng do tiền định mà thôi.

Ngày nay, liệt vị đã được thỏa nguyện thì phải nên nghĩ đến tiền nhựt. Trong lúc sanh tiền của Lão là "Nhứt hào bất phạm". Nếu có được dồi dào sinh hoạt, nếu có được tâm đạo kỉnh thành thì hãy đem lợi lộc ấy mà chia sớt cho các công việc từ thiện đạo đức trong địa phương, để tự mình tạo thêm âm chất và được người đời cảm mến hơn là liệt vị đã làm như thế này. Lời quyết định của Lão hôm nay để đáp lại thạnh tình của Tr... cùng tất cả liệt vị hầu thoát ra những vòng ảo mộng, trở lại chánh tín thanh cao, thì trên phương diện cảm ứng mới được hoàn toàn mai hậu.

[Đức Lê Đại Tiên, Thánh tịnh Ngọc Minh Đài 15.7 Bính Ngũ (30.8.1966)]
 

dong tam

New member
KẾT LUẬN:

Là tín hữu Cao Đài, chúng ta hãy nhớ không thờ Hạ đẳng thiêng liêng và phải luôn học hành theo lời dạy của các Đấng Thiêng Liêng Thượng đẳng như:

- Đức Lê Đại Tiên:

Chớ ưỡm ờ Đạo đời lúng túng,
Khó tránh điều lạm dụng giả chơn;
Rồi ôm bò, lại tưởng rằng lân,
Bái lũ quỷ lại tưởng Thần Thánh Phật.”
[Đức Lê Đại Tiên, Thánh tịnh Ngọc Minh Đài 10.5 Giáp Dần (29.6.1974)]

- Bởi thế Đức Lý Giáo Tông dạy thêm:

“Hễ môn đồ của quỷ cùng ma,
Ắt sẽ có ma tà dìu dắt;
Sự vay trả, rủi may tức khắc,
Sự trả vay tức khắc không xa.
Thế nên người tu phải tìm ra,
Đâu là chánh, đâu là tà với mị
.”
[Đức Lý Giáo Tông, Thiên Lý Đàn 06.3 Canh Tuất (11.4.1970)]

Mỗi nhà,… chọn nơi thờ tinh khiết.

Tu gốc ở tín ngưỡng bằng sự thành kính, đã thành kính thì phải tôn thờ đặt niềm tin ở đó, lòng tin đã có thì chỗ thờ phải có. Có bằng sự trang nghiêm thanh khiết. Đã trang nghiêm thanh khiết thì lại còn thường xuyên lễ bái hồi hướng, nên trong gia đình lập vị thờ Thầy để được quyền pháp thiêng liêng gia hộ
.”
[Đức Lý Giáo Tông, Thánh Truyền Trung Hưng 4 tr79, Trung Hưng Bửu Tòa 23.12 Mậu Tuất (1959)]

- Và Đức Quán Thế Âm tiếp lời:

Từ xưa nay không có Đấng Thiêng Liêng nào bảo nhơn sanh lập đền chùa miễu tôn thờ phượng mình trừ khi vì lòng thiết tha của nhân sanh mới thể tình chấp thuận với điều kiện nào đó thôi. Bởi vì Trời Đất không riêng, Thánh Thần chẳng vị. Ai làm lành làm dữ thì tùy theo công tội để hồi hướng cho họ mà thôi. Thứ nhứt là ai có tâm thiện thường được dìu dắt hộ trì an bài trên nẻo thiện. Ai biết tránh ác, tránh tội thì được độ dẫn trên đường lối bằng an. Thật ra họa phước rủi may đều tự do lòng người tạo lấy. Hễ gieo giống thì ắt sẽ được mọc lên và đơm hoa kết quả cho giống ấy.

Sự thờ phượng và tín ngưỡng của người học đạo chân chánh phải lựa chọn quan niệm đúng mức của nó để khỏi rớt vào hố sâu mê tín. Trời đâu phải vì cúng tế hiến lễ linh đình mà ban phước giảm tội và cũng không vì quê mùa dốt nát thiếu lễ mà xuống tội cho đâu! Khi thờ phượng tín ngưỡng một Đấng nào thì nên cần noi gương đức hạnh, việc làm của Đấng ấy mà theo
[/I].”
[Đức Quan Thế Âm, Minh Lý Thánh Hội 06.4 Giáp Dần (27.4.1974)]

Như vậy, tất cả các Đấng đều dạy chúng ta khi thể hiện lòng tín ngưỡng phải suy xét cẩn thận kẻo bị lầm lẫn mà bái lạy tà thần rồi rơi vào đường mê tín.

Và khi thờ Thượng Đẳng Thiêng Liêng, đã mong muốn theo đường chánh tín thì hãy học và hành theo gương đức hạnh của các Ngài. Vì thế nên chú trọng vào việc làm phước thiện và độ dẫn nhơn sanh hơn là dùng tiền của lãng phí xa hoa qua hình thức thờ phượng trong khi nhân thế còn biết bao nỗi thống khổ.
 

dong tam

New member
SỰ LỄ BÁI - HIẾN DÂNG

I. Lễ bái, đọc kinh

1. Đọc kinh cầu lý
2. Bước đầu công phu
3. Tạo sự giao cảm
4. Cách thức đọc kinh

II. Hiến dâng - cầu nguyện


Đức Quan Thánh Đế Quân có dạy:

Hỡi chư nhu, chư muội! Các Đấng Thiêng Liêng chỉ đến với tâm thành của chúng sanh, chớ không đến với cảnh nguy nga đầy lễ vật.
[Ngọc Điện Huỳnh Hà 24.6 Ất Tỵ (22.7.1965)]

Bởi thế, việc lễ bái, đọc kinh, hiến dâng... phải được thực hiện như thế nào để đúng với Đạo lý? Chúng ta hãy tìm hiểu qua những đoạn Thánh giáo sau:
 

dong tam

New member
I. LỄ BÁI, ĐỌC KINH:

- Đức Quan Thế Âm có dạy:

Tụng kinh là để làm gì?
Tụng kinh niệm Phật ích chi cho mình.
Không phải Phật thiếu kinh thường dụng,
Bảo chúng sanh đem tụng Phật nghe;
Tụng kinh như thể nói vè,
Nghĩa sâu không biết, lối lề không thông.
Chẳng khác nào như ong vò vẻ,
Tiếng nhỏ to thỏ thẻ vi vu;
Tụng nhiều mới gọi rằng tu,
Đọc nhiều cho Phật công phu mới nhiều.
Đó là tu theo chiều mê tín,
Biết bao giờ tâm Thánh mở mang
;
Sách kinh là đuốc rọi đàng,
Dạy đời học đạo hành tàng thể nao.
Vì lẽ đó cùng nhau ráng hiểu,
Đọc kinh coi Phật biểu làm chi;
Ráng làm, ăn ở cho y,
Tánh tình cùng những hành vi Phật Trời ...
Cúng lạy
để nghỉ ngơi tâm trí,
Để tịnh lòng, tịnh ý, tịnh ngôn;
Khép mình dưới bệ Chí Tôn,
Trau giồi tính nết luyện hồn tịnh thanh.
Cúng lạy để tâm lành phát hiện
,
Nhìn Phật Tiên trên điện hiền hòa;
Khởi lòng bác ái vị tha,
Nhìn chung Thượng Đế là Cha linh hồn ...
Đó là nghĩa những khi cúng lạy,
Niệm Phật Tiên van vái Thánh Thần;
Phải tìm hiểu nghĩa chánh chơn,
Mới bù thân khổ tu thân một đời
.”
[Đức Quan Thế Âm, Tiên Thiên Minh Đức 20.9 Đinh Mùi (1967)]

- Đức Đệ Tứ Giáo Tông Nguyễn Bửu Tài dạy:

Thường thường người ta đến chùa, đến thất, đến miễu, đến am, (nhưng) lại có quan niệm rằng mình đi đến đó lạy Trời Phật Thánh Thần để được ban phước lành.

Và tìm mua sắm lễ vật đến hiến tế Trời Phật để được phước hoặc tụng kinh thật nhiều để được âm chất nhưng có mấy ai chịu khó tìm hiểu và phân tách như vầy.

Sở dĩ chúng sanh quá mê muội, quá tội lỗi, nên Thượng Đế tùy thời kỳ, tùy phong tục tập quán, tùy trình độ mỗi giống dân để mở đạo hầu khuyên dạy họ trở về nẻo thiện đàng ngay, để bảo tồn sự sống. Chớ nào phải Thượng Đế cùng Phật Tiên Thánh Thần cần đến sự cầu khẩn bái lễ suốt ngày sáng đêm để rồi ban phước bù lại công khó đó.

Thượng Đế ra kinh sách để dạy răn đời. Đời đọc kinh sách để sửa mình theo những điều thiện, chừa những điều ác. Chớ Phật Tiên Thánh Thần đâu phải thiếu kinh mà phải đợi chúng sanh đem kinh tụng cho nhiều để được bù lại công khó. Nếu khi đọc kinh không hiểu nghĩa, không làm theo sự chỉ dạy trong kinh thì dầu tụng suốt đời cũng chẳng ích gì
."
[Đức Thiện Pháp Nguyễn Bửu Tài, Thanh An Tự rạng 22.9 Bính Ngọ (02.11.1966)]
 

dong tam

New member
Vậy các Đấng Thiêng Liêng luôn dạy chúng ta:

1. Đọc kinh cầu Lý:

Đọc kinh là để tìm hiểu nghĩa lý của kinh, nhằm mang lại những ích lợi cho:

- Người sống:

Hiểu lời kinh dạy để lập tâm thánh thiện, hướng thượng.
Hành để tu tiến.

Thí dụ: nghĩa lý của lời kinh qua

. Bài Niệm Hương:"Đạo gốc bởi lòng thành tín hiệp"
. Kinh Sám Hối.

Đức Lý Giáo Tông có dạy:

Như vậy, Bần Đạo giờ đây chỉ lưu ký đôi dòng về đạo pháp để chư hiền tìm suy lý chánh hầu tu học để giải nghiệt oan khiên lúc hồn rời khỏi xác, hay gần hơn là lúc tại trần tránh những điều va chạm thân phàm nhục thể.

Vậy về phần đạo học triết lý cao thâm Bần Đạo diễn dụ để chư hiền cùng chung lưu nghiệm, vì đạo học cần phải chú trọng về phần âm thanh triết lý như tạo chúc cầu minh: đi trong đêm mù tối tăm không thấy dạng, tạo một ngọn đuốc để nhờ ánh sáng rọi đường. Ấy, sự tác dụng của ánh sáng là giúp cho ta tránh những điều va chạm dưới lề đường, tránh qua những khúc gai chông hầm hố.

Như đọc kinh cầu lý: đọc kinh cần sưu tầm Lý Đạo, chứ không cần thì xa rời chơn lý, vì lý đạo đã ôn nhuần tức nhiên thức ăn tinh thần được sung bổ. Đó là điều hữu ích. Thoảng như đọc kinh không cần tri lý cũng như giọt nước rớt rồi trôi chảy nơi nào không còn dính dáng. Như thế thì sự đọc kinh của chư hiền không bổ ích vào đâu!


Chúng ta đọc tiếp đoạn Thánh giáo sau:

“(Thiện Đức bạch về kinh cúng tụng cho thích hợp về việc xây tạo giảng đường…)
Hiền đệ nên nhớ rằng: Đạo lý pháp môn vô lượng, chúng sanh căn trí vô lượng. Tùy theo trình độ tiến hóa của mỗi giai tầng mà hướng dẫn họ đi trên đường Đạo lý chánh tín. Đa số thiện tín nơi địa phương còn đặt nặng về hình thể, như vậy chưa đúng là đạo giải thoát… Còn về kinh nhựt tụng, hiền đệ cần phối hợp Ban Trị Sự, chọn lọc những kinh nào cho thiện tín nơi đó miệng đọc, tai nghe, lòng hiểu là quí rồi. Cố tránh các loại kinh khi đọc không hiểu nghĩa. Đó là điều căn bản.”

- Người sắp mất: ăn năn, sám hối để tạo "cận tử nghiệp" tốt.

Thí dụ: kinh Cầu Hồn Khi Hấp Hối

Bớ… … … thành tâm cầu nguyện,
Nguyện Chí Tôn linh hiển độ sanh;
Ăn năn sám hối tội tình,
Xét câu minh thệ gởi mình cõi thăng.
Dầu nghiệp chướng số căn quả báo,
Đừng hãi kinh, cầu đảo Chí Tôn;
Cửa Địa ngục, khá lánh chơn,
Ngọc Hư Cực Lạc đón đường ruổi dong.
Dầu trọn kiếp sống không nên Đạo,
Dầu oan gia tội báo buộc ràng;
Chí Tôn xá tội giải oan,
Thánh Thần Tiên Phật cứu nàn độ vong
.

- Vong linh:

Quyết tâm dứt dây oan nghiệt. Quyết tu giải thoát.

Thí dụ:

. Kinh Khai Cửu

Cõi thảm khổ đã vừa qua khỏi,
Quên trần ai mong mỏi động đào;
Ngó chi khổ hải sóng sao,
Đoạn tình yểm dục đặng vào cõi Thiên.
Giọt lụy của Cửu Huyền dầu đổ,
Chớ đau lòng thuận nợ trầm luân;
Nắm cây huệ kiếm gươm thần,
Dứt tan sự thế nợ trần từ đây
.

. Kinh Cúng Cha Mẹ Đã Qui Liễu:

Chốn hư linh chờ ngày hội hiệp,
Dầu căn xưa quả kiếp dường bao;
Thà cam vui chốn động đào,
Đừng vì nhớ trẻ trở vào phàm gian
.
 

dong tam

New member
2. Là phương pháp trụ tâm, làm chủ tâm, điều tâm.

Bước đầu thực hành công phu đón nhận điển quang (Thần):

Đoạn thi bài sau đây cho chúng ta thấy:

Các thời cúng mõ chuông kinh kệ,
Phải thành tâm hiến lễ nghiêm trang
;
Đừng miệng thì đọc rót oang oang,
Tâm phóng ngoại cả ngàn cây số.
Kềm tâm tánh hướng về một chỗ,
Tai lóng nghe cho rõ tiếng kinh;
Thân quỳ ngay chẳng chút nghiêng chinh,
Hai mắt đứng chú nhìn Thiên Nhãn
.”
[Đức Thiên La Đạo Nhơn, Ngọc Minh Đài, mùng 1.01 Giáp Dần (23.01.1974)]

3. Tạo sự giao cảm:

- Với các Đấng Thiêng Liêng để:

. Ca tụng ân đức của các Đấng

. Cầu xin Ơn Trên hộ trì (cầu an, giải bệnh, cầu siêu,...)

- Với vong linh để điển lành của tập thể cảm hóa giúp vong linh tự cải hối và tự giải thoát ngục hình.

Thời đại văn minh, phương tiện dồi dào, một số người ứng dụng kỹ thuật hóa việc cúng kính lễ bái bằng cách khi đến giờ cúng thì đi thắp nhang và mở CD hay Usb cho máy phát thanh kinh đọc sẵn trong lúc mình lại đi làm việc gì đó! Đọc kinh như thế không có lòng thành thì làm sao có được sự cảm ứng với các Đấng Thiêng Liêng? Và như thế thì hành động bước đầu công phu qua việc tập trung tinh thần thanh tịnh hướng theo lời kinh tiếng kệ suy gẫm Đạo lý hoàn toàn không được thực hiện!
 

dong tam

New member
4. Cách thức đọc kinh:

- Trước khi đọc kinh phải vệ sinh thân thể và quần áo cho sạch sẽ. Chúng ta hãy đọc đoạn Thánh giáo sau:

Lô, con lo kinh kệ cho thuộc. Nghe dạy:

Tu với Thầy là phải giữ vệ sinh, thân hình y cân cho tinh khiết. Tắm gội ngày hai buổi, mình giữ cho thơm. Con phải thí phát, làm gương về sự sạch sẽ,… kẻo mất điển. Thầy muốn con làm gương cho kẻ sau bắt chước. Thí phát là giữ cho sạch sẽ, chứ không phải pháp của Thầy buộc điều ấy, vì có đứa tu mà chưa hiểu giữ vệ sinh.

Thầy ban ơn cho con, gắng chí sau Thầy độ
.”
[Đức Chí Tôn, Trước Tiết Tàng Thơ 15.3 Ất Hợi (17.4.1935) trang 487]

- Hòa cùng tập thể, đọc nhịp nhàng đúng âm điệu:

Đức Lý Giáo Tông có dạy:

Một điểm tiểu tiết mà rất cần, đó là giọng đọc kinh.

Nên chọn một giọng vừa phải để cùng nhau hòa âm. Nếu lỡ có hiền đệ muội nào không thể hòa âm được với giọng của người khởi xướng, tốt hơn hết là nín chớ đừng phá hơi làm tản thần những người dự cuộc. Bao nhiêu tâm hồn của người dự lễ có được rung cảm thành kính thiêng liêng (hay) không và nể nang hành đạo hay không, điều trước tiên là giọng đọc kinh
...”
[Đức Lý Giáo Tông, Thiên Lý Đàn 20.01 Canh Tuất (25.02.1970)]

- Lòng thanh tịnh, chú tâm vào lời kinh để cầu nguyện. Định thần nhìn Thiên Nhãn.

Ơn Trên có dạy:

▪ “Tu khuya sớm một lòng tin tưởng,
Liệu sức mình gắng gượng mà hành;
Đừng rằng Trời Phật thiếu kinh,
Đọc cho các Đấng vui tình lắng nghe.
Đọc như thể ca vè hát xướng,
Miệng đọc kinh ý tưởng viễn vông;
Tưởng thôi những chuyện bao đồng,
Vinh hoa phú quý, gia công đút lòn
.”
[Đức Quan Âm, 12.3 Kỷ Dậu (1969)]

▪ “Cúng thì phải một lòng thành kỉnh,
Tứ thời đều nghiêm tịnh đoan trang;
Chớ nên biếng nhác sỗ sàng,
Đã không đặng phước tội mang vào mình
.”
[Đức Quan Thánh Đế Quân, Văn Phòng Phổ Thông Giáo Lý Tam Thôn Hiệp 08.12 Ất Tỵ (1965)]
 

dong tam

New member
II. HIẾN DÂNG - CẦU NGUYỆN:

Lẽ thường tình, một khi đã có thờ phượng, khi muốn cúng kính lễ bái, người ta luôn nghĩ đến và sắm sửa lễ vật hiến dâng. Nhưng làm thế nào để sự dâng lễ đạt được cảm ứng tốt đẹp với các Đấng Thiêng Liêng? Chúng ta hãy đọc các đoạn Thánh giáo sau đây:

1. Đức Di Lạc Thiên Tôn dạy:

Hằng ngày Bần Đạo thấy đa số nhơn sanh bá tánh đến trước chánh điện lễ bái kỉnh thành hiến dâng lễ vật, nghĩ thiệt là tội nghiệp! Thương thay cho lòng mê muội của nhơn sanh còn quá nặng. Có mấy ai thấy được mặt Di Lạc Thiên Tôn bao giờ chưa? Bần Đạo chắc là chưa ai thấy, chỉ có lời truyền tụng hoặc lời huấn dụ xuyên qua đàn cơ cùng Thánh giáo...

Sự tạc tượng thờ phượng, đó là do lòng kỉnh thành của nhơn sanh thiện tín để cụ thể tướng và thể hiện lòng kỉnh thờ đối với bậc trọn tốt trọn lành đem đạo dạy đời. Thương hại thay cho người đời còn lầm tưởng rằng: đem lễ vật hiến dâng, lễ bái để cầu xin một việc tư riêng sẽ được Bần Đạo hộ trì và giúp đỡ!... Sự thờ phượng - hiến dâng cũng là hình thức để thể hiện lòng tôn kính chớ không phải vì sự thờ phượng hiến dâng ấy để được độ rỗi an bài và siêu thoát.

Nếu trong nếp sống thường nhựt, bản thân mình không được trong sạch, lương thiện, hành động mình thất đức, lời nói bất nhơn, cách đối xử mình tàn ác thì dầu chay lạt suốt đời, cúng lạy tứ thời, hiến dâng lễ vật đầy chùa thất cũng không được sự hộ trì và cứu rỗi
.”
[Đức Di Lạc, Trúc Lâm Thiền Điện 18.7 Kỷ Dậu (1969)]

2. Và Đức Mẹ dạy:

Khi đến mùa thu, lòng các con nôn nao rộn rịp, hội hợp bao lần, mục đích để tạo ra một lễ hiến dâng lên cho Mẹ trong kỳ trung thu bán ngoạt... Vì động lòng các con nên Mẹ hạ trần bày giải, để các con suy tư hội ý hầu thực hiện theo ý của Mẹ nơi cõi vô hình.

Này các con! Một cành hoa đơm đầy ngũ sắc cặm nơi ngân thủy bình, một ngọn hương, đó là lòng trọng đại của các con để cung hiến lên bậc Chưởng quyền càn khôn Tạo hóa ...

Các con thương Mẹ, mến Mẹ vô hình, các con nên nhìn vào đoàn sau của các con từ thành thị đến thôn quê tinh thần rách nát, thân thể tả tơi, cơm chẳng no lòng, nước đà cặn bã, lửa cháy khô khan. Đó là điều mà Mẹ mong cho các con được làm tròn bổn phận. Các con mến Mẹ, các con phải thực hiện điều này để chia sẻ nỗi khổ buồn của các con hẩm hiu bạc phước. Như vậy điều mong ước của Mẹ, các con nên lưu tâm chia sớt nỗi khổ đau

Vậy giờ Mẹ rọi điển cùng các con đôi lời. Các con tri tường, hầu chuẩn bị tinh thần thực hành ý Mẹ... Vậy các con đàn tiền, giờ điển truyền điều cầu nguyện của mỗi con. Mẹ chấm công kỳ đại xá vong linh cửu huyền sẽ được phục hồi tiên môn tịnh luyện. Đó là phúc lành mà các con sẽ gặp. Kỳ đàn đến, các con sẽ tiếp những vong linh được đại xá hồi cơ, đó là đáp lòng các con trần hiếu đạo
.”
[Đức Vô Cực Từ Tôn, Đạo Lý 94 trang 35, Huờn Cung Đàn 14.7 Quý Sửu (1973)]

Lễ bái, hiến dâng đúng như lời Mẹ dạy không những có lợi cho nhân sanh, cho mình trên đường bồi công lập đức mà đồng thời cũng góp phần cứu độ được Cửu Huyền Thất Tổ.
 

dong tam

New member
Thí dụ như tại Thánh Thất Tân Định (Sài Gòn), chúng ta có cố đạo tỷ Nguyễn Thị Thả đã được về non Thần tu luyện sau thời gian cố gắng hành đạo tại đây mặc dầu gia cảnh hết sức khó khăn.

THI
Nguyễn tạo thế trần hưởng sắc phong,
Thị thành hội diện cảnh Văn Phòng;
Thả theo đường hướng bồi công đức,
Lai bút ngày Xuân hưởng phúc nồng.

Chơn linh tôi cúi đầu chào mừng Thiên mạng trước đàn an tọa. Tôi xin phép đôi lời lưu lại. Này huynh tỷ, giờ lành tôi hưởng đặng luật kỳ ba đại xá ân ban vào non tu học bởi nhờ tại trần tôi quyết chí hành đạo dù là cảnh nghèo khổ. Nghèo nhưng biết tự tin, nghèo nhưng giữ vững lập trường tôn thờ mục đích, giữ vững đức tin người thọ lãnh sứ mạng Đạo Trời truyền ban, nên tôi đặng ân phong nhập cảnh non Thần tu luyện chơn thần.

Nay ngày xuân nhựt cảnh tại, tôi thọ lịnh ân ban hạ trần báo tin đôi lời, sau hội diện tôi sẽ tâm tình đôi lẽ. Giờ lành điển còn yếu, tôi không chuyển nổi ngọn cơ linh. Mang ơn Thiên mạng. Chúc mừng năm mới, tôi điển hồi
.”
[Đạo Lý 88 trang 42, Văn Phòng Đại Đạo mùng 1.01 Quý Sửu (1973)]

Chúng ta tìm hiểu tiếp phần hiến dâng - cầu nguyện nầy bằng một đoạn thi bài của Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn:

Còn việc cúng Thánh Thần Trời Phật,
Để chứng lòng chân thật của mình;
Hiến dâng trọn cả đức tin,
Trong ngoài vốn một chơn tình mà thôi.
Trời Phật chẳng bảo đời thờ phượng,
Xây cốt to lớn tượng hình hài;
Đạo người nếu vẫn đơn sai,
Nghĩa nhân nếu vẫn chẳng ai thi hành.
Thì thờ phượng trở thành giả tướng,
Chẳng linh thiêng ảnh hưởng chi đâu;
Đó là mê tín vọng cầu,
Cầu danh lợi lộc với cầu tư riêng
.
Đó là xa chơn truyền Tam Giáo,
Đó là xa Tam Bảo thiêng liêng;
Đạo khai dốc dạy người hiền,
Thế gian cư xử ba giềng năm luân.
Cốt xây dựng cõi trần Thánh thiện,
Cho người đời tinh tiến tu hành;
Thiên đàng Cực Lạc nhơn sanh,
Do người đạo đức lập thành tại đây.
Đừng có tưởng sắp bày lễ vật,
Đem hiến dâng Trời Phật hàng ngày;
Trong khi hành động đơn sai,
Giữa người nhân thế hằng ngày với nhau.
Tu chánh tín mới hầu đắc vị,
Hành chánh tâm vong kỷ vị tha;
Thương người như thể thương ta,
Kính người như thể mẹ cha ông bà
.
Đó là tu tại gia hành thiện,
Khỏi trèo non vượt biển đó đây;
Đôi dòng nhắn gởi ai ai,
Chữ tu là vậy hằng ngày nhớ ghi
.”

Và lời của Thầy dạy tại Hội Thánh Lâm Huyền Châu:

Các con hiến dâng cho Thầy một đại lễ không phải ngôi bửu điện mới và lễ lộc mà các con chưng dọn dâng cúng cho Thầy. Như vậy, các con có biết món đại lễ mà các con hiến dâng cho Thầy là gì, ở đâu không? Chư Phật Tiên Thánh Thần cũng vui vẻ cầu xin Thầy chấp nhận đại lễ của các con. Đó là tâm hòa đồng của các con từ bốn phương qui tụ về dưới chân Thầy đó!”
 

dong tam

New member
III. TÓM TẮT:

- Những lời Thánh giáo sau, giúp chúng ta củng cố đức tin chánh tín trong sự lễ bái hiến dâng:

▪ “Cuộc lễ hôm nay, chư hiền sĩ đã nghĩ đến quá trình được ghi trong sử sách mà tưởng niệm đến Bần Sĩ. Dòng thiện cảm liên hệ bởi câu "Cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm", mà chư hiền sĩ hiền muội tổ chức thành cuộc lễ trang nghiêm thành kỉnh và lòng thành kỉnh được đáp ứng theo lời xưng tụng... Lòng thành kỉnh tạo nên bầu không khí hiền hòa, hiện lên bao khuôn mặt vui tươi thuần hậu. Lòng thành kỉnh cũng chan hòa vào vật ăn thức uống làm no ấm mát mẻ ở lòng người. Đại khái về kết quả của lòng thành kỉnh quan trọng như vậy... Tuy vậy, cũng còn có những cuộc cúng tế không kết quả tốt đẹp như Bần Sĩ vừa kể là vì tâm vật mất quân bình, ví như bày ra cuộc lễ cúng tế để cầu tài lợi phước lộc cho gia đình, cho cá nhân. Trong khi đó cá nhân gia đình thiếu đạo đức, gây nhiều nghiệp dữ, hoặc vì xã giao nhân sự, hoặc trá hình mưu cuộc lợi danh, hoặc thu của bá tánh thập phương mà không làm đúng đạo đức hoặc mượn cuộc cúng tế để trả nợ miệng, tửu nhục say sưa!
[Đức Quan Thế Âm, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý 19.6 Quí Sửu (18.7.1973)]

▪ “Sự tu tức là trau sửa, sửa quấy trở nên phải, dữ trở nên lành, trau giồi thân tâm trở nên thuần túy đạo đức. Không phải lễ bái cúng tế linh đình Thần Thánh Tiên Phật mà gọi rằng tu.”

▪ “Đến chùa học đạo chừa tâm ác,
Vào thất nghe kinh sửa trí ngu;
Trời Phật không cần ai lễ bái,
Mong người tu giải kiếp phàm phu
.”

▪ “Các con thương yêu lẫn nhau là đem sự lễ quan trọng hiến cho Thầy. Mà Thầy hằng dạy: nếu các con dâng vật chất, lễ nghi đủ đầy mà thân tâm các con không hòa, không thuận thì Thầy không thể chứng tạc lòng của các con được. Các con dầu không vật chất, dầu không lễ nghi mà các con thương yêu, hòa thuận. Ấy là các con thương Thầy mến Đạo dâng lễ đáng trọng đáng quí lên cho Thầy.

Sự cúng tế linh đình với Thầy là sự hình thức. Tâm của các con thành kỉnh mới là đáng trọng.

[Đức Chí Tôn, Thánh Huấn Hiệp Tuyển quyển 1 trang 119]

- Với hàng ngũ hướng đạo ở mỗi Thánh sở, cần thực hành theo lời dạy của Đức Quan Âm:

▪ “Cần lưu ý điều nầy: Nên cố gắng giác ngộ người chưa hiểu Đạo, chớ đừng nên nhọc công săn sóc phổ độ người đã biết Đạo... Vì nhơn sanh còn quá mê tín, mỗi lần đến... gập mình bái yết pho tượng xi măng, ngưỡng mong ban phước lành ... mà chưa biết cách thức tu thân hành Đạo để giúp đời đồng tiến trên đường chánh tín. Phật không bảo chúng sanh tế lễ, lễ bái vì Phật, mà chỉ khuyên chúng sanh phải học hỏi hiểu biết việc làm của Phật và trọng tâm giáo dân vi thiện của Phật. Nếu chúng sanh muốn Phật độ và sau nầy được thành Phật, hãy ăn ở và làm theo hạnh của Phật. Đành rằng sự lễ bái hình thức bên ngoài là cần để thể hiện lòng kính mến bậc trọn tốt trọn lành, nhưng sự cần thiết là phải làm được những điều đã dạy bên trên. Các hiền sĩ nên đem lời nầy về phổ truyền thường xuyên để bá tánh ghi nhớ.”
[Đức Quan Âm, Thánh tịnh Ngọc Minh Đài 09.01 Đinh Mùi (1967)]

Đức Vân Hương Thánh Mẫu dạy:

▪ “Sự lễ bái tụng kinh ăn chay niệm Phật là phương tiện về thiêng liêng để cho thân an, tâm được định, tánh được thuần, nghiệp quả sớm tiêu mòn, để không còn nhiều chướng ngại vật khảo đảo thân tâm các em. Vì vậy mà chị khuyên các em, ngoài những lãnh vực thường thức hằng ngày ấy, phải thêm công khó giúp đời mới tạo được vốn liếng âm chất ở phần vô vi thiêng liêng vĩnh cửu.
[Đức Vân Hương TM, Vạn Quốc Tự - Chơn Lý Đàn 15.9 Kỷ Dậu (25.10.1969)]

- Chúng ta lại thấy Lý Đạo xuyên suốt, đó là Ơn Trên luôn nhắc nhở chúng ta trên đường tu học lập công bồi đức phải ghi nhớ và thực hành:

. Sự giàu nghèo không quan trọng vì Ơn Trên chỉ dụng tâm thành kỉnh.
. Sự giác ngộ hành thiện giúp đời khốn khó hơn là lễ bái hiến tế linh đình.
. Và sự hợp đoàn, yêu thương dìu dắt cùng nhau tu học mới là quan trọng.

Với những ai đã giác ngộ Đạo, hướng về con đường giải thoát thì lời dạy của Đức Lý phải luôn suy gẫm để thực hành:

Tu dù tụng thiên kinh vạn quyển,
Thành không do trau luyện pháp môn
;
Muốn cho trong trắng linh hồn,
Tâm linh sáng suốt hiểu thông Thiên đường.
Tụng kinh là một phương giác ngộ,
Luyện đạo mầu tìm chỗ huyền vi;
Lòng phàm dứt bỏ mọi bề,
Tâm không vọng động mới về non Tiên.
Để đôi lời cần siêng ghi nhớ,
Bước đạo hành lòng chớ đơn sai;
Tin trên có Đấng Cao Đài,
Chí thành sẽ thấy cái ngày siêu thăng
.”
[Đức Lý Thái Bạch, Huờn Cung Đàn 15.6 Tân Sửu (26.7.1961)]
 

dong tam

New member
▪ “Sự tu tức là trau sửa, sửa quấy trở nên phải, dữ trở nên lành, trau giồi thân tâm trở nên thuần túy đạo đức. Không phải lễ bái cúng tế linh đình Thần Thánh Tiên Phật mà gọi rằng tu.”

▪ “Đến chùa học đạo chừa tâm ác,
Vào thất nghe kinh sửa trí ngu;
Trời Phật không cần ai lễ bái,
Mong người tu giải kiếp phàm phu
.”

▪ “Các con thương yêu lẫn nhau là đem sự lễ quan trọng hiến cho Thầy. Mà Thầy hằng dạy: nếu các con dâng vật chất, lễ nghi đủ đầy mà thân tâm các con không hòa, không thuận thì Thầy không thể chứng tạc lòng của các con được. Các con dầu không vật chất, dầu không lễ nghi mà các con thương yêu, hòa thuận. Ấy là các con thương Thầy mến Đạo dâng lễ đáng trọng đáng quí lên cho Thầy.

Sự cúng tế linh đình với Thầy là sự hình thức. Tâm của các con thành kỉnh mới là đáng trọng
.”

- Với hàng ngũ hướng đạo ở mỗi Thánh sở, cần thực hành theo lời dạy của Đức Quan Âm:

▪ “Cần lưu ý điều nầy: Nên cố gắng giác ngộ người chưa hiểu Đạo, chớ đừng nên nhọc công săn sóc phổ độ người đã biết Đạo... Vì nhơn sanh còn quá mê tín, mỗi lần đến... gập mình bái yết pho tượng xi măng, ngưỡng mong ban phước lành ... mà chưa biết cách thức tu thân hành Đạo để giúp đời đồng tiến trên đường chánh tín. Phật không bảo chúng sanh tế lễ, lễ bái vì Phật, mà chỉ khuyên chúng sanh phải học hỏi hiểu biết việc làm của Phật và trọng tâm giáo dân vi thiện của Phật. Nếu chúng sanh muốn Phật độ và sau nầy được thành Phật, hãy ăn ở và làm theo hạnh của Phật. Đành rằng sự lễ bái hình thức bên ngoài là cần để thể hiện lòng kính mến bậc trọn tốt trọn lành, nhưng sự cần thiết là phải làm được những điều đã dạy bên trên. Các hiền sĩ nên đem lời nầy về phổ truyền thường xuyên để bá tánh ghi nhớ.”

Đức Vân Hương Thánh Mẫu dạy:

▪ “Sự lễ bái tụng kinh ăn chay niệm Phật là phương tiện về thiêng liêng để cho thân an, tâm được định, tánh được thuần, nghiệp quả sớm tiêu mòn, để không còn nhiều chướng ngại vật khảo đảo thân tâm các em. Vì vậy mà chị khuyên các em, ngoài những lãnh vực thường thức hằng ngày ấy, phải thêm công khó giúp đời mới tạo được vốn liếng âm chất ở phần vô vi thiêng liêng vĩnh cửu.”

- Chúng ta lại thấy Lý Đạo xuyên suốt, đó là Ơn Trên luôn nhắc nhở chúng ta trên đường tu học lập công bồi đức phải ghi nhớ và thực hành:

. Sự giàu nghèo không quan trọng vì Ơn Trên chỉ dụng tâm thành kỉnh.
. Sự giác ngộ hành thiện giúp đời khốn khó hơn là lễ bái hiến tế linh đình.
. Và sự hợp đoàn, yêu thương dìu dắt cùng nhau tu học mới là quan trọng.

Với những ai đã giác ngộ Đạo, hướng về con đường giải thoát thì lời dạy của Đức Lý phải luôn suy gẫm để thực hành:

Tu dù tụng thiên kinh vạn quyển,
Thành không do trau luyện pháp môn;
Muốn cho trong trắng linh hồn,
Tâm linh sáng suốt hiểu thông Thiên đường.
Tụng kinh là một phương giác ngộ,
Luyện đạo mầu tìm chỗ huyền vi;
Lòng phàm dứt bỏ mọi bề,
Tâm không vọng động mới về non Tiên.
Để đôi lời cần siêng ghi nhớ,
Bước đạo hành lòng chớ đơn sai;
Tin trên có Đấng Cao Đài,
Chí thành sẽ thấy cái ngày siêu thăng
.”
 

Facebook Comment

Top