ĐẠI VIỆT LỊCH SỬ trong Tam Kỳ Phổ Độ

dong tam

New member
ĐẠI VIỆT LỊCH SỬ trong Tam Kỳ Phổ Độ

Hòa cùng niềm phấn khởi của muôn triệu đồng bào Việt chủng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, chúng ta những người tuổi trẻ Đại Đạo vui với góc độ riêng của mình về văn hóa tâm linh.

Xin giới thiệu với các bạn NHỮNG DANH NHÂN ĐẤT VIỆT trong dòng chảy tâm linh của Nam Bang Thánh Địa.
 

dong tam

New member
1. Quốc tổ Hùng Vương - LẠC LONG QUÂN
Huờn Cung Đàn tuất thời trung nguơn ất Tỵ (1965)

Lý Đại Tiên, … … …

Giờ này có vị Quốc Tổ muốn lai Đàn, Bần Đạo cũng rộng cho. Vậy Bần Đạo ban ân lành Tam Ban Nam Nữ tiếp lịnh. Bần Đạo. THĂNG

TIẾP ĐIỂN

THI

LẠC nghiệp phục hồi chẳng có lâu,
LONG hòang trổ mặt giải đời sầu;
QUÂN Dân nhứt trí hành Đạo Đức,
GIÁNG bút đêm thanh thỏa chí sầu.

LẠC LONG QUÂN, Ta chào môn đệ của Đức Chí Tôn tam ban. An tọa nghe ta luận đôi lời cho thỏa dạ.

Ta từ ở cõi vô hình muốn đến với phàm gian phải dùng qua phần huyền vi diệu bút để tỏ lời cùng chư môn đệ của Chí Tôn.

BÀI
Đàn thanh tịnh Lão lai nhắc nhở,
Cháu Rồng Tiên cởi mở giòng sầu;
Nhìn xem khắp cả hòan cầu,
Chia đôi chủng tộc khắp bầu Kiền Khôn.
Nhìn vận quốc hòang hôn phủ dạng,
Đau lòng ta ai hãn cho ta;
Ngó lên than với Trời Cha,
Hỏi sao nở để dòng ta xáo nhồi.
Trách như thế, ôi thôi nghĩ lại,
Nhịp cung cầu ta phải lo ta;
Nhìn xem hình bóng không xa,
Dân Nam cơ cực ấy là quả chung.
Kẻ nắm mối chăn dân chẳng trọn,
Nở lòng xu để bọn mị dân;
Đảo điên trí não tinh thần,
Rút chơn còn dấu lại phân bua rằng.
Lấy hết trí chuẩn thằng vị quốc,
Lấy hết tài bồi đắp non sông;
Cả kêu con Lạc cháu Hồng,
Ghi tên sổ Đạo cứu dòng Nam Bang.

Nhìn thêm mãi lòng càng hận Quốc,
Hỡi ai đem đá chất dòng sông;
Làm cho thân nước tẻ dòng,
Chia đôi hai giọt một lòng sông xưa.
Dòng nước cuộn đẩy đưa qua lại,
Càng trông vào kinh hãi, hãi kinh;
Chừng nào giọt nước thăng bình,
Sông kia hòa giọt bóng hình một thân.
Ta dựng Quốc vì dân vì nước,
Mấy ngàn năm mực thước phân qua;
Hỏi người trách nhiệm dân ta,
Gắng công tu chỉnh điều hòa lòng dân.


Giờ này ta vân du trong ngày đại xá, dịp may được Giáo Tông nhượng bút để đôi câu cùng chư môn đồ Chí Tôn cho thỏa lòng tủi hổ. Vậy ta chào chư môn đồ Chí Tôn tam ban. Ta phản hồi Tiên cảnh…… Thăng.
 

dong tam

New member
2. ÂU CƠ – ĐẠI NAM THÁNH MẪU

Đức Lê Sơn Thánh Mẫu có chỉ rõ Đại Nam Thánh Mẫu là Âu Cơ đời Lạc Long Quân. Bà Âu Cơ khi xưa giáng sanh khai lập nước Nam chịu nhiều cay đắng rồi tu hành trở về cảnh cũ. Sau này được Thiên đình phong chức Đại Nam Thánh Mẫu. Từ đó đến nay, trên bốn ngàn năm lịch sử.

NGUYỆT MINH ĐÀI 12 tháng 3 năm Giáp Tuất (1934)

Mẹ mừng các con !

Thi
ĐẠI đồng khêu đuốc “Nữ Chung Hòa”,
NAM Việt chói ngời chín phẩm hoa;
THÁNH luật, Mẹ ban đời thới thạnh,
MẪU từ khuyên dựng nước âu ca.
DẠY đời tỉnh mộng theo đàng chánh,
ĐẠO thức người mê lánh nẽo tà,
NỮ liệt rỡ ràng nên Tứ đức,
PHÁI ân qui hiệp các con nhà.

Thập thủ liên hoàn

Bốn ngàn năm lẻ thọ ân Thiên,
Quyết dạy các con thỏa chí nguyền;
Gái liệt chuyên cần trau bốn cột,
Nữ tài sửa lập nét ba giềng.
Muôn năm tiếng Mẹ ngôi Tiên tạc,
Ngàn thuở danh con sử thánh biên;
Một hội phụng lân con Mẹ hiệp,
Vui nhàn cảnh báu tại cung Tiên !

Cung Tiên là cảnh hưởng muôn xuân,
Đạo Lý khuyên con gắng chí cần;
Mấy thuở gội nhuần nền hạnh phúc,
Bao phen đặng hưởng ngọn huyền ân.
Con hiền trỗ đức ra tài phụng,
Gái hiếu lập đời rạng vẽ lân;
Non Thánh có ngày chơn bước tới,
Rạng danh Nam Việt Nữ oai thần !

Oai Thần gắng sức tỉnh mê đời,
Mau kíp trở về chốn thảnh thơi;
Sớm tối kệ kinh vui lạc cảnh,
Trưa chiều thi vịnh hưởng nhàn ngôi.
Ngày Tiên tháng Phật hoa đua nở,
Đức Thánh, tài Thần bủa khắp nơi;
Mấy cảnh thanh tao tòa hực hỡ,
Đó là thoát đặng kiếp luân hồi.

Luân hồi thoát khỏi bước thang mây,
Cả tiếng khuyên con trổ đức tài;
Mở hội Chung Hòa cơ chuyển vận,
Lập nền chánh lý máy vần xây.
Chơn truyền Mẹ dạy lo hòa thuận,
Đạo đức con vâng chữ hiệp vầy;
Dắt chị dìu em về cảnh cũ,
Muôn năm lạc hứng lại vui say !

Vui say mùi Đạo lẽ thiên nhiên,
Non nước muôn xuân mới thoã nguyền;
Một hội Phong Thần, con có bản,
Ba kỳ sắc Thánh, Mẹ rành biên.
Ven mây thấy rõ mười phương Phật,
Vẹt gió mới hay chín phẩm Tiên;
Lân phụng ra tài cơn thống khổ,
Vẹn tròn phận sự mới con hiền.

Con hiền giữ dạ nét từ hiền,
Hằng nhớ sửa mình tánh nhẫn kiên;
Công hạnh trau giồi ra đức Thánh,
Dung ngôn tập sửa trổ tài Tiên.
Một nhành dương liểu con khai hóa,
Sáu chữ chơn ngôn Mẹ điểm truyền;
Mới biết Hạ Nguơn, Trời cứu thế,
Bảo an con dại thoát oan khiên.

Oan khiên chớ buộc khổ thân mình,
Gắng chí trau giồi khối điểm linh;
Chín phẩm độ đời cơn Mạt Kiếp,
Năm ngôi cứu thế quỷ Thần kinh.
Trên ban Thánh chỉ trừ tà vạy,
Dưới lãnh mạng hành luật chánh minh;
Rạng đuốc Chung Hoà con nữ phái,
Vui lòng đạo đức lập công trình !

Công trình khuya sớm trẻ cần lo,
Nẽo Phật đàng Tiên gắng chí dò;
Hai chữ tinh thần là chánh lý,
Một lòng đạo đức chớ quanh co.
Cơ mầu u hiển mau tầm kiếm,
Ngọc quý ẩn vi ráng sức mò;
Tiết liệt, trung trinh tua nhớ dạ,
Cõi trần nghĩ lại lắm gay go.

Gay go bước Đạo mới công cao,
Em chị chung tâm giữ một màu;
Gắng sức trau giồi lòng sắt đá,
Cần lo lừa lọc bỏ chì thau.
Nhành vàng, trái ngọc nào chua chát ?
Con Thánh cháu Thần có đớn đau ?
Mấy lúc Mẹ sầu đời chuyển đổi !
Bao phen lo liệu chí tiêu hao !

Tiêu hao non nước thấy thêm sầu,
Lẫn quẫn xem qua đã bạc đầu,
Ngãnh lại cuộc đời tuồng mộng ão;
Trộm nhìn thế sự cảnh bờ dâu !
Chi bằng mượn tấm từ phan Phật,
Cởi bỏ bụi trần lánh biển sâu !
Nhưng nghĩ vẫn còn tình cốt nhục,
Buộc lòng nắm chặt chữ lo âu.


[Cao Đài Giáo Lý số X năm thứ nhì, Février-Mars 1948 trang 29,30]
 
Sửa lần cuối:

dong tam

New member
NGỌC LINH THÁNH TỊNH
Tý thời ngày 16 tháng 2 năm canh tý 1960

Thi
Võ vương phạt Trụ cứu toàn dân,
Tánh khí Sào Do lại ngại ngần;
Hậu thế phê bình trang đại nghĩa,
Quân dân có biết lẽ nào cân.

Lão Hậu Quân Võ Tánh mừng chư hiền khuyến nữ nam, giờ nay Lão thừa lịnh cung Diêu Trì giáng lâm nơi đàn nội để trấn thủ cơ đàn, sau là báo tin cùng chư hiền sắp có Đại Nam Thánh Mẫu ngự trần. Vậy chư hiền nữ nam phải hết lòng thành nghênh giá, Lão xuất cơ hầu lịnh. Thăng

Thi
Đại chúng còn bơi giữa bể trần,
Nam bang riêng đuợc hưởng hồng ân;
Thánh từ khai hóa con Hồng Lạc,
Mẫu hệ soi truyền bực vĩ nhân.

Đại Nam Thánh Mẫu mừng các con nam nữ thân yêu, ta cho phép Hậu Quân lui hầu. Các con đuợc tọa thiền tịnh tâm nghe Mẹ chỉ giáo. Mẹ tiếp đuợc lời thiết tha cầu nguyện của các con nên hôm nay Mẹ lâm đàn để dạy dỗ các con đôi lời giữa thế tình điên đảo. Các con ôi ! đời sắp tàn biết bao nhiêu nạn khổ đuơng chực chờ, chỉ có đức tu là có thể đối phó đuơc với những nạn tai bất ngờ. Nhưng Mẹ nhân thấy rằng, các con thân yêu của Mẹ từ bấy lâu đã chểnh mảng đường tu. Nếu trên Thiên Cung không có Mẹ hộ phù, thì cõi đất Việt Nam ta còn đi đến đâu. Các con hãy tịnh tâm nghe Mẹ dạy.

Thi bài
Nuơng bóng nguyệt Mẹ về thăm trẻ,
Đem tâm tình thỏ thẻ cùng con;
Mẹ đây lòng đã héo mòn,
Nhìn xem hai cảnh sông non rạc rời.
Tuy vẫn biết do nơi Thiên định,
Giữa các con khéo tính khôn ngoan;
Thì đâu có cảnh tuơng tàn.
Làm chi có kẻ ngoại bang tranh quyền.
 

Hao Quang

New member
có người bạn của HQ nói: truyện Lạc Long Quân và Âu cơ là truyện hư cấu nói về trăm trứng nở trăm con 5o người lên rừng 50 người xuống biển tìm kế sinh nhai tạo lập ra nước Việt! đó chỉ là truyện hư cấu kg có thực! nhưng tại sao trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ lại có Lạc Long Quân và Âu Cơ giáng cơ??
cũng như thế Tề Thiên Đại Thánh chỉ là câu chuyện đi Thỉnh Kinh do 1 người Trung Quốc sáng tác cốt truyện kg có thực nhưng tại sao có Tề Thiên Đại Thánh giáng cơ??
nếu có một người ngoại đạo hoặc trong Đạo hỏi thì Q phải trả lời sao??
 

LongNguyen

New member
Chào Hào Quang,

Cái kẹt trong vấn đề của Hào Quang đặt ra nằm ở chổ....bất cứ thứ gì diễn ra trong một quá khứ xa xăm không chứng minh được thì đều được gọi là "hư cấu" theo nghĩa là không thực nên được xác tín thì ngờ vực. Thứ hai, giữa hai thực thể, một là tồn tại thực trong quá khứ, một là tồn tại qua truyện kể, phim ảnh có thể không thống nhất với nhau về hình tượng, nhưng thống nhất với nhau về giá trị lịch sử.

Từ 2 điểm trên, ta có thể hiểu rằng có các nhân vật trên trong quá khứ ở thời điểm nào đó. Và ngày nay chỉ còn lại những hư cấu dựa trên vài tư liệu, thông tin ít ỏi nên phải thêm nhiều yếu tố giả tưởng, để thành ra câu chuyện kể do con người viết lại.

Vậy, có nghĩa là có thể có một vị Đại Thánh nào đó có Pháp danh Tề Thiên nhưng chắc chắc không phải đại náo thiên cung như phim, nhưng có công trạng nào đó. Tương tự như các vị Phật trong kinh Di Lặc vậy. Có ai chứng minh, đưa ra hình ảnh cụ thể của các vị ấy bao giờ. Đối với trường hợp của quốc tổ Lạc Long Quân và Âu Cơ thì có thể hiểu là chơn linh của đức Thượng Đế trong thuở lập nước Đại Việt. Song sứ mạng cũng về Trời. Muốn lai đàn nhắc nhở đàn hậu tấn cũng có chi là lạ nhỉ?

Không biết viết như vậy có làm rõ ý hay không, Hào Quang thử nghĩ thêm giúp mình nhé!

Thân ái,
 

Hao Quang

New member
vậy tức là chuyện là có thực mà không thực! có thực là thuở ban sơ có những vị tạo lập ra đất việc gọi là Lạc Long Quân và au Cơ ....cũng là chơn linh của Đấng Thượng Đế nhưng theo thời gian qua nhiều người kể câu chuyện taọo nên những tình tiết hấp dẫn ..không có thực như vậy Nữ Oa Vá Trời cũng là câu chuyện có thật?

Tề Thiên Đại Thánh trong truyện tây du ký và trong Đạo Cao Đài chỉ là trùng hợp! cũng có thể! người viết câu chuyện Tây Du Ký tham khảo rất nhiều sách Đạo..có những vị xuất hiện trong truyện như Đức Phật Thích Ca, Thái Bạch Kim Tinh, Quan Âm Bồ Tát..thì vị Tề Thiên Đại Thánh cũng nằm trong số đó! cái không thực có những vị như Trư Bát Giới, sa tăng ....tác giả đưa vào cho thêm phóng phú và hấp dẫn câu chuyện ...phải không nhỉ

trong Kinh Di Lạc xuất hiện rất nhiều vị Phật: Quản Tế Phật, Tây Quy Phật, Giải thể Phật, ...hằng hà sa số chư phật! nhiều vị phật mang tên Q hình dung như tượng trưng cho một ..chân lý nào đó chứ không hẳng là vị đó là người trần mắt thịt tu hành chuyển nhiều kiếp để đắc Đạo! vì trong mấy ngàn năm mà chỉ có 1 vị phật Đắc Đạo như Ngài Lục Tổ Huệ Năng thì hằng hà sa số Phật ..thật khó! nếu có thì chắc hẳn trong vô lượng kiếp sẽ có một thời kỳ tu dễ đắc Đạo có thể dễ hơn thời kỳ Kỳ Ba Đại ân xá không nhỉ?
chỉ là thắc mắc thôi! chớ như sở học như Q thì không có trình độ để bàn vấn đề này!
cảm ơn Huynh Long Nguyên đả góp ý!
Chúc HTĐM vui vẻ
 

dong tam

New member
TRƯNG NỮ VƯƠNG

Qua cơ bút Cao Đài trong các Hội Thánh DDTKPD, Đức Trưng Trắc đã nhiều lần giáng đàn dạy Đạo nhứt là cho nữ phái.

Có anh chị em nào có thể giới thiệu một bài Thánh giáo nào đó của Ngài chứ ?
 

Tien Duc

New member
Mến chào ACE,
Xin được giới thiệu một đoạn thánh giáo của Thánh Nữ Trưng Vuơng như sau:
Thánh Thất Bình Hòa Tý thời 14 rạng rằm tháng 8 Canh Tuất (14.09.70)

Tâm Sự Người Xưa
Thi

Việt quốc đang hồi khổ chiến chinh,
Nam phuơng một cõi phúc Trời dành;
Thánh lâm trổ mặt cho nên mặt,
Nữ giới đề danh phải rạng danh.
Trưng nghiệp thành Mê roi yếm đỏ,
Vuơng triều bến Hắc gột tâm thanh;
Đợi chờ sứ mạng từ năm ấy.
Thánh-Đức Long-Hoa trổ Việt thành.
Trưng Vuơng Thánh Nữ chào chư Thiên ân sứ mạng, chư đạo tâm nam nữ.
Cùng chung một quốc đạo, dưới chân Đức Thượng Đế, Quả Đức xin dùng lễ tỷ muội đãi nhau cho thêm phần thân mật nhé. Chị miễn lễ các em đồng an tọa.
.......
Nầy các em! cũng mùa thu của mấy nghìn năm trước, Chị còn nhớ Thu sang để rồi tiếp nối một mùa Đông băng giá lạnh lùng. Quá khứ đã trôi qua, hiện tại còn nắm giữ. Một mùa Thu khai phóng âm u, ung đúc can trường trong cơn rét mướt để lập lại một mùa Xuân sáng lạng thanh bình.
Này các em!
Hảo Nam bang! Hảo Nam bang!
Tiểu quốc tảo khai hội Niết Bàn!
Nhờ đấy nên dầu cách biệt bao nghìn năm vẫn có dịp hội ngộ với nhau trên huyền vi pháp nhiệm của Đức Thượng Đế. Dầu cách biệt bao nghìn năm, tâm sự Chị và các em hẳn không khác nhau là mấy. Các em ơi!
Thi:
Tâm sự người xưa có những gì,
Những gì để lại lúc ra đi;
Dở trang thanh sử chưa nguôi dạ,
Nhìn áng dư đồ lệ thắm mi.
Nước được mấy tay ngừa trị loạn,
Nhà còn bao kẻ biết an nguy;
Ao ta ta tắm đừng chê đục,
Mới có ngày kia dựng nghĩa kỳ.
Tâm sự của Chị đã trôi dần theo quá khứ và chìm lặng vào cỏi tịch mịch hư vô. Nhưng mỗi lúc Chị trở lại trần gian, nhìn quê huơng dân tộc, nhất là trước cảnh đất nước chia phân, lòng người ly tán, cốt nhục tuơng tàn. Ôi! hoa cỏ còn úa xào thì lòng Chị sao khỏi bâng khuâng ray rứt!
Cõi trần thế là thế đấy các em! Đối cảnh sinh tình, tình sinh phiền não, phiền não sinh oan nghiệt, oan nghiệt buộc trói con người vào vòng vay trả trả vay. Nay các em đã dũng mảnh giải thoát những thường tình nhi nữ, vào đạo tu tâm để nghiêng vai gồng gánh nổi khổ đau của thế nhân trong lòng từ bi bác ái. Đó là một giải thoát tối cần cho các em, dân tộc ta, và thế giới khỏi tổn thuơng bi đát. Chị sẽ hộ trợ cho các em, và khuyên các em hãy thuơng nhau, hòa nhau. Trời đất không riêng, Chị cũng không riêng. Cái đó là để tùy duyên hóa độ rồi cũng hiệp một mà thôi.
Hôm nay, Chị và chư Phật Nữ, Tiên Nương, Thánh Nữ, Thần Nữ đồng hiện diện hộ giá Đức Từ Mẫu. Giá loan chưa đến, các Chị để một vài dòng gọi là quà Thu Canh Tuất:
Thi-Bài:
Đêm tỉnh mịch ánh trăng huyền ảo,
Gát mây hồng bước dạo trần gian;
Dừng chơn trước ngọn cơ loan,
Chào chung nữ phái, chào toàn Thiên ân.
Trải mấy Thu tinh thần gắn bó,
Dầu sắc không đôi ngõ cách xa;
Niềm riêng ai cũng như ta,
Nặng mang tâm đạo vào ra cõi đời.
Đời bao cuộc đổi dời biến chuyển,
Đạo mấy lần xuất hiện giải nguy;
Trải lòng bác ái từ bi,
Độ đời hiểu đạo trong kỳ Thượng Nguơn.
Sao đời vẫn lắm cơn thống khổ,
Sao đời còn nhiều chỗ bể dâu;
Muôn dân nuốt thảm ngậm sầu,
Thiên tai quốc nạn dãi dầu tháng năm.
Chừ còn một phuơng châm duy nhứt.
Phải có tài, có đức, có nhân;
Chung tay gầy dựng tình thân,
San bằng bể hận, san bằng hố hoang.
Người lãnh đạo vẹn toàn hướng đạo,
Bậc tín đồ hoài bảo nhân hoà;
Một tầm tay vói chẳng xa,
Nhiều tay kết lại giăng ra đại đồng.
Ai ơi! con Lạc cháu Hồng!
 

dong tam

New member
A, cảm ơn Tiến Đức

Bài Thánh giáo của Đức Trưng Vương giáng đàn vừa đúng 40 năm cũng vào mùa thu

Có vài đoạn đáng lưu ý:

- "cũng mùa thu của mấy nghìn năm trước, Chị còn nhớ Thu sang để rồi tiếp nối một mùa Đông băng giá lạnh lùng. Quá khứ đã trôi qua, hiện tại còn nắm giữ. Một mùa Thu khai phóng âm u, ung đúc can trường trong cơn rét mướt để lập lại một mùa Xuân sáng lạng thanh bình"

- Ao ta ta tắm đừng chê đục,
Mới có ngày kia dựng nghĩa kỳ
."

- "Trải lòng bác ái từ bi,
Độ đời hiểu đạo trong kỳ Thượng Nguơn.
Sao đời vẫn lắm cơn thống khổ,
Sao đời còn nhiều chỗ bể dâu;
Muôn dân nuốt thảm ngậm sầu,
Thiên tai quốc nạn dãi dầu tháng năm.
Chừ còn một phuơng châm duy nhứt.
Phải có tài, có đức, có nhân;
Chung tay gầy dựng tình thân,
San bằng bể hận, san bằng hố hoang.
Người lãnh đạo vẹn toàn hướng đạo,
Bậc tín đồ hoài bảo nhân hoà;
Một tầm tay vói chẳng xa,
Nhiều tay kết lại giăng ra đại đồng.
Ai ơi! con Lạc cháu Hồng
! "
 

dong tam

New member
LÝ THƯỜNG KIỆT

Đức Lý Thường Kiệt xin nhập môn vô vi tại Liên Hoa Cửu Cung: (theo tài liệu được BCQ trình bày trong lễ KMDD Ất Dậu 2005)

“Tại vùng đất Linh Xuân Thôn hay Xuân Trường có đình thần Tân Quý thờ Đức Lý Thường Kiệt rất linh thiêng. Tương truyền, ngày xưa xung quanh đình là khu rừng chà um tùm, nơi đây đồng bào thường nghe tiếng ngựa hí và lạc reo về đêm. Những ai lén vào khu vực của đình lấy vật dụng hay đốn cây đều bị bệnh mà thang thuốc không khỏi. Chỉ khi nào người bệnh đến đình khấn vái tạ lỗi và trả lại vật đã lấy thì mới hết bệnh cho nên dân chúng gọi khu rừng đó là rừng Cấm.

Những năm đầu của thập niên 30, nơi Liên Hoa Cửu Cung khi đó thường có đàn cơ. Một hôm, có một vị xưng danh là Lý Thường Kiệt, Đức Ngài nhờ các vị Hiệp Thiên Đài đến đình mang lư nhang của Ngài về Liên Hoa Cửu Cung để được làm lễ nhập môn. Xong đàn, các vị trong bộ phận Hiệp Thiên Đài tuy rất e ngại nhưng cũng cố gắng tuân lệnh đến đình một phen. Đến nơi, chỉ đẩy nhẹ thì cửa đã mở, các vị đốt nhang khấn vái rồi thỉnh lư nhang mang về thánh thất làm lễ. Xong xuôi lại mang trả về vị trí cũ mà ông từ giữ đình cũng không hay biết gì.

Sau đó Đức Lý Thường Kiệt được ân ban nhiệm vụ trông coi việc xây dựng LHCC. Đức Ngài nhờ BCQ đến đình đốn cây phục vụ cho việc xây cất. Khác với những trường hợp như trước kia của người dân sẽ bị phạt khi lạm dụng vật chất của đình, từ khi Đức Ngài nhập môn rồi, hình phạt không còn xảy ra ở đình Tân Quý nữa. Việc xây dựng kéo dài đến rằm tháng 10 năm Kỷ Mão 1939, Tt LHCC được làm lễ khánh thành.”
 

dong tam

New member
Đàn tại Thánh thất Tân Định – Sài gòn ngày 23.9 Kỷ Hợi (24.10.1959)
Ban Hiệp Thiên Đài Cao Đài Thống Nhứt

Thi

Đạo phân minh chỗ chánh tà,
THƯỜNG hành công quả ngộ Tiên gia;
KIỆT tâm bốn buổi lo mài giũa,
Giáng định chơn cơ dạy chữ Hòa.

Đại Lão Thần chào mừng đàn trung tam ban đẳng đẳng.

Giờ hôm nay Đại Lão Thần đắc lịnh Tam Giáo Tòa ngự bút để chỉ truyền đôi vài phận sự, Đại Lão Thần miễn lễ chư hiền định tâm tọa thiền hầu lóng nghe Đại Lão dạy.

Nầy chư hiền hướng đạo, sự tu chỉnh trau lòng để dọn dẹp lọc lừa cho đặng tâm trong hầu có tu chơn mà phản hồi thượng cảnh, càng tu càng khảo, càng tiến bước càng thối chí ngã lòng do chỗ chư hiền không đặng kiên tâm trì chí. Đây là trường tu học đã phân chia ra làm Tam thừa cửu phẩm tùy theo năng lực tiến hóa của chư hiền mà thăng phẩm cấp.

Bởi thế cho nên sự tu hành phải trọn đủ đức tính hy sinh để cương quyết phục vụ, đem giáo lý dạy truyền độ đời hồi tâm cảnh tỉnh, dù cho trải bao nghịch cảnh chinh lòng hay là dồn dập những sự trở đương, đó là Thiên cơ thử thách để lọc lừa chư hiền thiện tâm thiện chí, hầu có trao phần công thưởng, hưởng cảnh tiêu dao.

Trải qua thời gian dài đẳng đẳng chồng chất, tuổi Đạo quá 30 mà chư hiền chỉ có một phần tử trọn đủ đức tin để tầm mong ngày đắc quả, còn bao nhiêu chỉ có tu theo tiếng gọi với Đạo đời, nên phải chịu lắm lần thử thách, rồi ra nản chí ngã lòng lại trách thầy xa bạn.

Vậy thì từ đây chư hiền dù nam hay nữ trên bước đường học Đạo để cải hối tầm nguyên bổn căn xưa, dù phải gặp cảnh khó khăn cũng nên cho đó là điều để cho chư hiền học hỏi. Đạo chư hiền muốn thành thì trường công quả dù nhỏ hay lớn cũng nên lượm lặt để rồi đây đúng tiết kịp thời mà hưởng phần ân huệ chót.

Vậy giữa tình thế nghiêm trọng, phận sự hướng đạo cần thúc đẩy đem tương thân hòa ái liên dây để siết chặt chung thuyền
 

dong tam

New member
Các bạn,

Lý Công Uẩn được lên ngôi, đằng sau là công lớn của một nhà sư.

Nếu không có vị này Lý Công Uẩn chưa chắc còn cơ hội hiện diện trên thế gian. Nếu không có nhà sư này, Lý Công Uẩn không thể có võ học tinh thâm, kinh luân uyên bác, tầm nhìn trước thời đại, v.v... Nếu không có vị này, không dễ gì Lý Công Uẩn thay đổi được Vương triều nhà Tiền Lê một cách êm thắm như thế. Và không có người tinh thông Dịch học, phong thủy uyên bác, không dễ gì Lý Thái Tổ dám viết chiếu dời đô từ Hoa Lư về địa điểm mới gần Trung quốc hơn nhưng lại chưa có cơ sở vật chất quân bị, hành chánh vững vàng, v.v...

Đó là người nào? Người đã giúp cho Lý Công Uẩn từ một "hài nhi xích tử" bị bỏ rơi để trở thành một Tướng quân uy quyền thời Tiền Lê rồi trở nên Thái Tổ nhà Lý , một triều đại dài nhất với nền văn hóa rực rỡ trong các triều đại Vương quyền trong lịch sử Đại Việt?


Trong Tam Kỳ Phổ Độ, Ngài đã trở lại với danh xưng là gì và phẩm bậc thế nào?

Ngài đã đóng góp những gì cho nhân sinh trong Sứ mạng Kỳ Ba?
 

Trung ngôn

Active member
Chào HTDM,
Vấn đề Huynh dongtam đưa ra chắc là TN bí rồi.
Huynh dongtam giải đáp thôi.
Mong được biết thêm.
 

dong tam

New member
Theo đề xuất của Trung Ngôn, xin giới thiệu một phần bài nghiên cứu của đạo hữu Cao Hoàng Phong.

I. Sơ lược tiểu sử Đức Vạn Hạnh Thiền Sư

Theo Đại Nam Thiền Uyển Đăng Lục là tác phẩm đầu nhà Trần được trường Bác Cố Viễn Đông ghi lại thì Đức Vạn Hạnh Thiền Sư họ Nguyễn, tên thật và năm sanh không được ghi nhận. Trong khi đó sách Thi Văn Lý Trần của nhà xuất bản khoa học xã hội Hà Nội có ghi tên thật Ngài là Nguyễn Văn Hạnh, người làng Cổ Pháp, Phủ Thiên Đức (hiện nay là làng Đại Đình, xã Tân Hồng, huyện Tiên Sơn, Tỉnh Bắc Ninh).

Thuở nhỏ sư thông minh khác thường học thông Tam Tạng kinh là Kinh, Luật, Luận của Phật giáo Nguyên thỉ và cũng đã tham cứu đến khoa Bách Luận là căn bản của Phật giáo Đại Thừa do Bồ Tát Long Thọ chủ trương. Sư cũng lão thông giáo lý của Tam giáo Đạo là Nho, Thích, Lão. Ngài xuất gia năm 21 tuổi, thờ Thiền Ông chùa Lục tổ làm thầy. Đức Vạn Hạnh Thiền Sư đã đắc đạo tại thế nên Ngài đã biết trước những việc xảy ra trong tương lai và ngày ra đi của mình. Ngài đã chuẩn bị và sắp đặt mọi thứ chu đáo cho ngày nhập niết bàn (trở về ngôi xưa vị cũ). Trước khi lìa bỏ xác phàm Thiền Sư cho dời tất cả môn sanh và cho bài kệ:

“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc Xuân sinh, thu hựu khô
Nhâm vận thịnh suy vô bể úy
Thịnh suy như lệ thảo đầu phô”.

Ông Ngô Tất Tố dịch:

Thân như bóng chớp có rồi không
Cây cối Xuân tươi, Thu não nùng
Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi
Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương Đông.

Hay bài dịch của một tác giả khác.

“Thân như ánh chớp chiều tà,
Cỏ xuân tươi tốt thu qua rụng rời;
Sá chi suy thịnh việc đời,
Thịnh suy như giọt sương phơi đầu cành”.

Thấy đệ tử thương khóc, Thiền Sư bảo rằng: “Các con muốn ta đi về đâu? Ta không lấy chỗ trụ để trụ và cũng không nương vào chỗ không trụ để trụ.”

Niên hiệu Thuận Thiên thứ chín ngày rằm tháng năm Mậu Ngọ (30/6/1018), Sư không bệnh chi. Thiền Sư liễu đạo thọ trên 80 tuổi, người đời bấy giờ bảo là Sư hóa thân.
Vua Lý Thái Tổ, sĩ thứ và các đệ tử làm (lễ trà tỳ) lễ hỏa táng, nhặt xá-lợi xây tháp cúng dường.

Đời sau,Vua Lý Nhân Tông có làm bài kệ truy tặng Đức Vạn Hạnh Thiền Sư để ghi nhận công nghiệp của Ngài đối với quốc gia dân tộc và sự phát triển của Phật Giáo:

“Vạn Hạnh dụng tam thế (tế)
Chân phù cổ sấm ký
Hương quan danh cổ pháp
Trụ tích trấn vương kỳ”.

Tạm dịch:
Vạn Hạnh dụng ba cõi
Chân thật lời sấm xưa
Rạng danh quê Cổ Pháp
Gậy Phật giữ nghiệp xưa.
 

dong tam

New member
Trong lịch sử Việt Nam Ngài là một vị quan duy nhất phò cả 3 vua Lê Đại Hành, Lê Long Đỉnh và Lý Công Uẩn. Ngài biết được luật vô thường, cuộc đời, thế cuộc luôn biến dịch. Nên Ngài đã không chấp vào quan niệm trung quân của giáo lý Khổng Giáo lúc bấy giờ. Cái trung mà đức Vạn Hạnh Thiền Sư thể hiện trong cuộc sống của mình là cái trung thoát ra ngoài suy nghĩ tầm thường của con người. Cái trung đó không được đặt trong một không gian nào, đóng khung trong một thời gian nào mà nó vượt lên tất cả các cái chấp đó để trở nên cái trung vô tận, cái trung bất dịch đó chính là cái trung của Đạo Trời. Cái trung Đức Vạn Hạnh Thiền Sư làm là không phục vụ cho vua Lê, Vua Lý, … mà là cho cái đạo làm vua phục vụ cho dân cho nước, cho cái đạo làm người, cho sứ mạng vi nhân. Nên dù trong đời vua nào thì Ngài cũng thể hiện sự tận trung của mình. Khi nào Vua cần sự giúp sức trong việc an dân trị nước thì Ngài tạm khoác áo quan để tham gia trị nước an dân.

Khi xong nhiệm vụ Thiền Sư trở về chùa với hài cỏ gậy tre sáng kệ, chiều kinh thung dung tự tại.

Đây là bài học cho con cháu muôn đời sau về lòng trung quân ái quốc của một vị Thiền Sư khi thấm nhuần quy luật của Trời Đất trong thế giới sinh thành và hoại diệt của chúng sanh vạn vật.

Cũng như : Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
 

dong tam

New member
Chúng ta hãy đọc một đoạn ngắn Thánh giáo để cảm nhận văn chương của đức Vạn Hạnh diễn tả qua cơ bút Tam Kỳ Phổ Độ:

"Đạo vô cùng, Pháp hữu hạn.

Đạo là một đại dương của hằng trăm nghìn đại dương. Pháp là phương cụ đo đạc bề rộng và bề sâu của đại dương bao quát. Con thuyền mỏng manh của vạn pháp, đang thăm dò từng phần trên mặt của đại dương Đạo mầu.

Nầy con chim Hồng Nhạn xinh xắn đang vươn cánh giữa trời cao hai cánh chim Bằng đang lộng gió. Dù gió có tung mây, dù cánh đại bàng có triển dực đi chăng nữa, thì khung trời kia cũng vẫn còn quá ư là to tát. Cái chấm linh động của cánh Hồng Nhạn, hay điểm quay cuồng của chiếc đại bàng, cũng vẫn chỉ là những điểm, những chấm trang sức cho đám mây trôi, cho khung gian thêm dịu mắt.

Ôi! Ly nước chỉ đựng bấy nhiêu thôi hay sao? Đầy ly nước tràn, trôi nhanh và thấm vào lòng đất lạnh. Bụm tay uống nước, những giọt nước mát len nhẹ theo kẻ tay và đi về cho lòng lạch. Chỉ bấy nhiêu thôi sao, bàn tay con người chỉ bấy nhiêu thôi hay sao? Ào ạt gió sóng của vực đưa vào bờ. Lãng bạc trùng dương khơi động, mù mịch sóng nước lên xuống triều dâng. Hãy ngồi lại mà đếm cho xong hàng bọt nước! Hãy cuối xuống mà nhặt cho đủ vạn hạt hoàng sa!

Hãy chèo thuyền ra khơi. Hãy tung mình vào không gian. Con người nhìn vào bản thể và đối diện với không gian.

Đạo là gì, Pháp là chi, trong suy tư tự vấn !!!
"
 

dong tam

New member
Vấn đề thực hành thứ nhứt được nêu lên là hiệp hòa, để giải quyết cái màn đêm u tối của tinh thần nhân loại

Đừng phê phán tha nhân, hãy thương yêu tha nhân và dìu dẫn để đồng tiến cùng thiên hạ. Tinh thần nhân loại đã rối cuồng, đã quá ư là sóng gió, vì lòng đạo mà đừng để nó phải nạn thắt núc vò tơ, hay ba đào bình địa thêm hơn nữa. Đừng bảo rằng tại sao thiên hạ phải làm như thế nầy, mà không làm như thế khác. Đừng bảo rằng tại sao thiên hạ cứ cưỡng lại ý thánh của mình. Hãy xét lại tự nơi lòng mình coi có thương thật thiên hạ hay chưa, nếu chưa thì hãy cố gắng thực hiện đi.

Thiên hạ mãn đời vẫn ôm lấy cái ám ảnh tự thị quá ư là to tát. Chính cái tự thị cá nhân đó nó đã giúp ích khá nhiều. Nhưng thông thường hễ nước dâng đê vỡ, vẫn trôi mang theo bao nhiêu là hậu quả đau thương. Thiên hạ vẫn muốn nói đến mình, vẽ hình mình lên nền giấy trắng, nhìn mình là con người của thiên hạ. Muốn hướng đạo tha nhân, thì hãy thương tha nhân như thương lấy chính bản thân mình.

Hãy thiết tha với niềm tin cao cả của ta. Hãy tuyệt đối gắng bó cùng tư tưởng chân lý của ta, thì thiên hạ sẽ theo niềm tin và tư tưởng ấy. Hãy thắng ta, hãy dạy ta cái mà ta muốn dạy tha nhân. Dạy mà thiên hạ không tưởng rằng được dạy, đi theo bước chân hàng thức giả, mà vẫn vui lòng sung sướng trong niềm tin tự chủ, giác ngộ của họ.

Những bối rối, do dự cá nhân, làm ngăn đường tập thể hướng vào mục đích. Một tinh thần dũng mãnh tinh tiến trong thân thể uy nghiêm, hòa ái là điều kiện cần thiết cho việc hiệp hòa cùng tha nhân. Hãy thể hiện tình thương và giữ vững lập trường căn bản trong sự hiệp hòa, chắc chắn rằng không bị lôi cuốn theo mưa tuông của tuyết sương nắng lửa.

Một lời khuyên cho những ai muốn thực thi phương pháp hiệp hòa, để mau bước chân về mục đích, là hãy tự vấn xem coi có được vững lèo lái chưa, cứng cương con chiến mã chưa? Nếu chưa, hãy đừng dại dột mà lao con thuyền theo đoàn tàu ra khơi, hay phi con chiến mã vào đoàn kỵ binh cảm tử. Nếu vội hàm hồ, chỉ là đem nhận chìm con thuyền giữa dòng khơi, hay sờn da ngựa bọc tấm thân ba thước.

Một lần nữa, đã nhắc lại ở đây là tình thương tuyệt đối, là nền tảng tiên quyết, cũng là một cán cân để biết được mức độ hiệp hòa của nhân sinh trên môi trường tiến hóa. Hãy cho cái mà tha nhân muốn được nhận, hãy hiến dâng món quà thương yêu để tạo bước song hành trên quảng đường thiên lý.

Có tình thương chân thật, như ngọn gió mùa thu giữa khung cảnh hữu tình nhân thế. Nào hãy buồn cái thiên hạ buồn, vui cái thiên hạ vui, để mong lèo lái chiếc thuyền buồn vui ấy về nơi vĩnh sinh trường định. Tình thương, một liều thuốc cam lồ, giải tỏa nỗi tủi hờn đau khổ của con người, một giọt nước siêu dược thần y.
 

dong tam

New member
NHÀ TRẦN

- HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA

Huyền Trân Công Chúa. Hôm nay Ta thừa lịnh Đức Mẫu Nghi lâm đàn. Than ôi ! Có lẽ chư hiền đệ muội cũng có biết qua lịch sử Huyền Trân Công Chúa, …”
[Huyền Trân Công Chúa, Tý thời 23 tháng 6 năm Kỷ Hợi (28.7.1959), Minh Thiện Chơn Kinh quyển thượng, năm Kỷ Hợi 1959]
 

dong tam

New member
KHÊU GỢI TỰ-ÁI NỮ LƯU.

Nữ-Lưu cũng mắt, cũng tai người
Ai nở đành ngồi chẳng hổ ngươi
Mất cả Tam-Hồn người Nữ-Sỉ
Vì đâu hay bởi Tánh mơ lười.

Này đoàn Nữ-Giới ôi!Dù rằng mang tiếng quần-thoa quần-vận yếm mang, nhưng ta phải làm làm sao vẩy-vùng ra khỏi tiếng đời cho một kẻ sâu-sắc vô ích cho Đời.

Bổn phận nữ-phái nào phải khoanh tay ngồi ngó đương lúc nước biến, dân loàn. Đây thiện Nữ khyến-khích Tinh-Thần thượng vỏ của Nữ-Lưu, hầu đem ra xây-đấp những chổ từ lâu khuyết điểm. Cười !!! Cười !!!! Cười !!!!!

Có nhiều Hiền, không suy THÁNH-GIÁO cho chí lý để ngạo báng Thiêng-Liêng. Lúc nào Thiêng-Liêng cũng muốn đồng quyền Nam hay Nữ, đâu nở để phân biệt Nam Nữ thấp cao. Nhưng vì Nữ-Giới có rất ít kẻ trí-tri cách-vật đúng ra giữ quyền-lực cho đoàn. Ai ai cũng vì lòng ích-kỷ sống riêng, miễn là ta đặng no ấm là đủ. Còn tình đồng loại sao sao mặc thế, không một mảy-may quan-tâm người bực dưới.

Ôi ! Vì thế nên cơ-đồ, Nữ phái phải chịu dưới chế độ đoàn người mạnh ép-đè. Than ôi! Thương thế để đôi câu nhắn thế. Mong Nữ-Lưu tìm kế suy cạn Lý Tình Đời. Không nên lưu-luyến cảnh ăn chơi vì vật-chất, đua bơi quyền-tước, quên tình cả chị em trước sự khổ tâm đất nước ai rỏ cùng? Ngoảnh ngơ tai tự-toại thung-dung khoanh tay ngó cảnh. Ôi! HÈN YẾU.
HUYỀN-TRÂN CÔNG CHÚA
 

Facebook Comment

Top