3. “Độ dẫn nhân sanh” trên đường đạo là việc phải ý thức thực hành hơn là chỉ lo cúng cầu siêu.
Trái lại, cho dầu thực hiện việc cầu siêu với lễ phẩm linh đình mà lại chưa ý thức được việc hành đạo giúp đời nên vẫn không có hiệu quả.
Ý đạo căn bản này có được từ lời của Đức Chí Tôn dạy cho bà Lâm Ngọc Thanh vào ngày 25 tháng 8 Bính Dần, hai ngày sau khi hơn 245 đạo hữu tập hợp soạn thảo Tờ Khai Tịch Đạo:
“Lâm Thị con ôi! (…) Kìa, Quan Âm Bồ Tát đang châu mày đổ lụy mà cầu nguyện cho con, cầm sẵn tờ hịch chiếu cầu rỗi cho mẹ con, (…) Con nên thật lòng trông cậy nơi Thầy.
Con ôi! Bao nhiêu của thế gian con đã đổ, đặng cầu siêu rỗi cho mẹ con mà chẳng đặng! Duy nhờ từ ngày con biết thờ phượng Thầy mà mẹ con đã vào Bạch Thiên Cung Án. Con đâu thấy điều ấy cho đặng. Tự nơi con, bởi công con mà Cửu Huyền Thất Tổ con đặng rỗi.
Con phải hiểu biết, vì hiếu của con mà Thầy càng thêm luyến ái. Thầy khuyên con một điều là phải bỏ phận vinh hoa mà cam nâu sồng khổ hạnh. Ngày vinh hiển thiệt của con chẳng phải nơi chốn hồng trần vô vị nầy. Con thương Thầy, con tưởng lấy con, lo độ rỗi cho Thầy lập thành Nữ phái.
Thầy trông cậy nơi con, cũng như con trông cậy nơi Thầy. Cha con hiệp đồng thì đủ quyền thế mà cải số Nam Tào chánh thức, con hiểu à!
Con an tâm. Thầy đủ quyền hành đặng làm cho con đắc thành chánh quả đặng độ rỗi Cửu Huyền Thất Tổ con, con tưởng chắc vậy chăng? Thầy đã nói nó vào Bạch Thiên Cung Án mà còn tội lỗi gì con.”
Bài học:
a. Nội dung của đoạn Thánh Ngôn trên cho chúng ta thấy tiền của mà bà Lâm Hương Thanh đã bỏ ra rất nhiều để cầu xin siêu rỗi cho mẹ nhưng không hiệu quả!
- Qua một vài tài liệu Đạo Sử, khá nhiều người biết bà Hương Thanh giàu đến mức độ nào với cả rương vàng bạc châu báu! Và những từ mà Đức Chí Tôn dùng là “đã đổ” giúp cho chúng ta có ấn tượng mạnh mẽ để ý thức rằng vật chất của cải ít có giá trị trong việc cứu Cửu Huyền Thất Tổ. Trái lại, một lần nữa chúng ta thấy bóng dáng của yếu tố “lòng thành, tín” qua lời khuyên của Thầy: “Con nên thật lòng trông cậy nơi Thầy”.
- Gần một tháng rưỡi sau, Đức Chí Tôn có dạy thêm:
“Thánh xưa có nói rằng: Thiên Địa vô tư, Thần minh ám sát. Bất vị tế hưởng nhi giáng phước, bất vị thất lễ nhi giáng họa. Cái cách cầu siêu là thế lo lót. Mà Đấng Chí Tôn đâu thọ hưởng của lo lót bao giờ. Chánh Đạo vì cớ mà phân biệt giả Đạo. Chư chúng sanh cứ lấy chơn lý mà phân biệt.”
[Đạo Sử Xây Bàn II số 106, Hương Hiếu, đàn 08.10 Bính Dần (12.11.1926)]
Nhiều người lầm tưởng phải lập trai đàn cho to, nhờ các vị chức sắc cúng cầu nguyện và chỉ cần làm như thế thôi thì vong linh người thân sẽ được siêu thoát! Đức Chí Tôn chỉ cho chúng ta thấy cách làm cầu siêu như vậy là lo lót, chẳng hề có hiệu quả vì Thiêng Liêng có bao giờ hưởng dụng của lo lót bao giờ!
b. Lời tiếp theo của Đức Chí Tôn: “Duy nhờ từ ngày con biết thờ phượng Thầy mà mẹ con đã vào Bạch Thiên Cung Án.
(…) Tự nơi con, bởi công con mà cứu Cửu Huyền Thất Tổ con đặng rỗi”
giúp cho chúng ta tin rằng từ khi nhập môn vào Đạo Cao Đài rồi thờ phượng Thầy, thực hành Tam Công (công quả, công trình, công phu) giúp đời, rèn luyện đức hạnh, siêng năng cúng kính, tu chơn, v.v… thì chúng ta đã khởi đầu được việc cứu Cửu Huyền Thất Tổ.
Lời Thầy dạy “tự nơi con” nhắc nhở chúng ta nhớ lại vai trò ý nghĩa của chữ Tự trong chữ Đạo khi viết bằng chữ Hán, bản thân mỗi người phải nổ lực trên đường tìm Đạo cho mình. Đồng thời người tín hữu cũng cần phải “tự cường bất tức” nghĩa là phải nổ lực không ngưng nghỉ trên đường bồi công lập đức như đức tính mà quẻ Kiền đã nêu lên.
Đức Chí Tôn lại dạy tiếp: “Con thương Thầy, con tưởng lấy con, lo độ rỗi cho Thầy lập thành Nữ phái. (…) Thầy trông cậy nơi con, cũng như con trông cậy nơi Thầy. Cha con hiệp đồng thì đủ quyền thế mà cải số Nam Tào chánh thức, con hiểu à!”
Chúng ta phải suy gẫm, để ý thức rằng một khi đã tin Thầy, tin vào con đường Cứu Độ Kỳ Ba thì phải gắng công lo “phổ độ nhơn sanh”. Trời đã ban cho “Đại Ân Xá Kỳ Ba” thì người tín hữu hãy hiệp tác cùng nhau và “Thiên Nhân hiệp nhứt” ra sức thực hành sứ mạng. Công đức này “đủ quyền thế mà cải số Nam Tào chánh thức”. Đoạn Thánh ngôn này thể hiện thêm những khía cạnh khác của Lý Đạo là lòng tin và lòng hòa hiệp trong câu kinh “Đạo gốc bởi lòng thành tín hiệp”.
c. Tương tợ thế, như trường hợp thân mẫu ngài Nguyễn Trung Hậu. Bà tuy không phải bị luân hồi tái kiếp nhưng vẫn còn phải tu học ở cõi vô vi để chờ công đức của con hồi hướng hầu được siêu thăng.
- Gần 2 năm rưỡi sau, chơn linh mẹ Ngài được Thầy cho phép về đàn:
“Ngày 10.01 Kỷ Tỵ (19.02.1929)
Mẹ mừng con. Mẹ cám ơn con đó. Con đâu rõ đặng, ngày nay mẹ nhờ công con mà đặng thăng cấp. Nay mẹ đặng vào Đông Đại Bộ Châu. Ấy cũng nhờ ơn của Chí Tôn rất thương mà cho mẹ vào phẩm ấy.(...) Nay mẹ đến khuyên con khá lo sao cho tròn phận sự, ngày thêm vun đắp nền Đạo đặng báo đáp Ơn Trên đã hết lòng vì cả nhà ta. Nếu con có lòng ấy thì mẹ rất vui lòng đó, con hiểu......”