Lược sử văn hóa Cao Đài

dong tam

New member
LỊCH SỬ NGHI THỨC BÁI LẠY

Theo những tài liệu sử còn lưu lại, buổi ban đầu của nền Tân Tôn Giáo Cao Đài các vị Tiền Khai Đại Đạo thuộc Nhóm Phổ Độ còn rất bở ngở với nghi thức hành lễ.

Sau khi Đức Chí Tôn vận chuyển cho hai Nhóm Vô Vi và Phổ Độ gặp nhau vào đêm mùng 9 tháng chạp Ất Sửu (22 Janvier 1926), Ngài Ngô Văn Chiêu đã hướng dẫn cho những người bạn đạo mới về cách thờ phượng Đức Cao Đài, một vài bài kinh và cách bái lạy lúc ban sơ.

Như hiện nay, chúng ta thấy có sự khác biệt trong hình thức “chấp tay” giữa các tín hữu Cao Đài Vô Vi và Cao Đài Phổ Độ. Chư vị tu Chiếu Minh vẫn chấp tay theo Nhị Kỳ còn bên Phổ Độ chấp tay ấn Tý.

Theo thứ tự thời gian diễn tiến của các lời Thánh Ngôn liên quan đến lễ bái, chúng ta thấy lúc ban đầu các đệ tử đầu tiên của Đức Cao Đài Tiên Ông chưa biết đến cách bắt Ấn Tý và cách lấy dấu Tam Quy.

Trong Đạo Sử Xây Bàn, bà Chánh Phối Sư Hương Hiếu có ghi lại đoạn Thánh Ngôn ngày 18 tháng chạp Ất Sửu (31 Janvier 1926) như sau:

Cư, Tắc, Sang muốn theo anh con vào xem hội Minh Lý?
Kỳ, có con Thầy mới cho ba đứa nó đi... Con chỉ những sự bái quị của Thầy buộc thế nào và cắt nghĩa cho nó hiểu...”
(Anh Phủ Kỳ: những sự bái quị bên Minh Lý lạy đủ 12 lạy, còn bên Tam Kỳ Thầy cho mỗi lạy 4 gật thì 3 lần đủ 12 lạy)


Như vậy khi ấy, sau khi đi xem lễ bên Minh Lý Đạo, chư vị Tiền Khai Đại Đạo đã thực hiện nghi thức “bái quị” Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế kim viết Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát như thế nào? Phải chăng chỉ là cách chấp hai tay như bên Phật rồi lạy Trời mà thôi? Lúc đầu cả 2 nhóm Vô Vi và Phổ Độ đều lạy Đức Chí Tôn chỉ có một lạy nhưng gật 12 cái.

Chúng ta thấy hình thức bái lạy của phái Chiếu Minh vẫn được duy trì như lúc ban sơ, có ghi trong Kinh Cúng Tứ Thời phái Vô Vi, như sau:

“(…) thắp năm cây nhang.
Đứng ngay thẳng trước Thiên Bàn:
Xá ngay giữa một xá và niệm Nam Mô Phật, xá bên tay trái một xá và niệm Nam Mô Pháp, xá bên tay mặt một xá và niệm Nam Mô Tăng.
Kế đó quỳ xuống hai tay chấp năm cây nhang ấy để nơi ngực, niệm: Nam Mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát. Niệm rồi xá một xá, đoạn đứng dậy đem nhang cắm nơi lư hương trên Thiên Bàn.
(…) Xong rồi quì trước Thiên bàn lạy một lạy gặt đầu sát đất 12 cái…


Như vậy, cách lấy dấu Tam Quy đã được Đức Chí Tôn hướng dẫn cho chư vị tiền bối vào khi nào? Lâu nay đây là một câu hỏi chưa có lời giải!

Chúng ta thấy trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển không có ghi nhận việc này! Và câu hỏi này đã luôn hiện diện trong đầu của chúng tôi trong suốt nhiều năm.
 
Sửa lần cuối:

dong tam

New member
1. Lấy dấu Tam Quy :

1.1. Cách lấy dấu Tam Quy lúc ban sơ

Gần đây, nghe nói Tam Giáo điện Chi Minh Tân vẫn còn lưu giữ được tủ sách quý của Ngài Vương Quan Kỳ với nhiều đầu kinh sách đã được phát hành trong những năm đầu của Cao Đài giáo. Vào giữa tháng 9 năm Quý Tỵ (2013), chúng tôi đến xin phép để tìm tài liệu. Kết quả, chúng tôi đã tìm được một số kinh sách Cao Đài được xuất bản vào những năm cuối của thập niên 20 thế kỷ trước.

May thay, trong quyển “Kinh Tang Tế và Cầu Siêu” xuất bản vào cuối năm Đinh Mão, đầu năm 1928, nơi trang 28 và trang 29 có đoạn Thánh Ngôn sau:

Lễ Bái.
Ngọc Hoàng Thượng Đế, tá danh Cao Đài Tiên Ông, Đại Bồ Tát Ma Ha Tát, giáng cơ ngày 26 tháng chạp Ất Sửu 1925, dạy lễ:
Chấp hai tay để lên trán niệm: Nam mô Phật.
Chấp hai tay để qua vai tả niệm: Nam mô Pháp.
Chấp hai tay để qua vai hữu niệm: Nam mô Tăng.
Chấp hai tay để trước ngực niệm: Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
Cúi lạy, tay trái bắt ấn Tý và gật đầu bốn lần và niệm: Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
Cũng còn quỳ đó, lạy đủ ba lần


Đối chiếu đoạn Thánh Ngôn này với hướng dẫn bái lạy của nhóm Vô Vi, phải chăng chúng ta có thể đi đến kết luận rằng lời dạy này đã được Đức Cao Đài hướng dẫn chung cho chư vị Tiền Khai của cả hai nhóm.

Tuy có thể đây vẫn chưa phải là bản gốc của đàn dạy về nghi thức bái lạy nhưng ít nhứt, nội dung của đoạn Thánh Ngôn này cũng giúp cho các thế hệ sau xác định được thời điểm Đức Chí Tôn đã dạy về cách lấy dấu Tam Quy và bắt Ấn Tý trong Cao Đài giáo.

Có một điều khác cũng đáng lưu tâm là các quyển Kinh đã được xuất bản trong những năm đầu tiên của Cao Đài giáo vào các năm 1926 và 1927 đều không có phần hướng dẫn nghi thức lễ bái. Mãi cho đến quyển Tứ Thời Nhật Tụng Kinh 1928 mới có, ghi như sau:

quỳ (…) cho ngay. Thẳng cái mình, mặc thì ngó cho ngay Thiên Nhãn, mới đưa tay kiết quả lên trán chánh giữa mà lấy dấu, (nam mô Phật) đưa qua bên tả gần lỗ tai niệm (nam mô Pháp), đưa qua bên hữu gần lỗ tai niệm (nam mô Tăng)…”

Cách lấy dấu Tam Quy này khá tương tự như cách đã được hướng dẫn vào cuối tháng chạp Ất Sửu (tháng 2-1926).

1.2. Cách lấy dấu Tam Quy hiện nay

Trong thực tế hiện nay, đa số các tín hữu Cao Đài khi thực hiện cách lấy dấu Tam Quy đều lấy trán làm chuẩn, chứ không còn thực hiện như hướng dẫn ban đầu.

Với những ai có được học về pháp môn tu tịnh Cao Đài cũng đều biết trong nghi thức nhập tịnh. Lúc đầu thời tịnh bao giờ cũng có thực hiện nghi thức “thỉnh Thánh nghi”.

1.3. Trường hợp lễ bái Đức Mẹ

Trong thực tế hành đạo, có khi nào chúng ta có thắc mắc vì sao mình được hướng dẫn mỗi khi bái lạy Đức Mẹ lại không lấy dấu Tam quy?

Chúng ta tìm thấy trong Châu Tri 61 của Hội Thánh Tây Ninh vào năm Mậu Dần 1938 đã có hướng dẫn:
Nhớ lấy dấu Phật, Pháp, Tăng duy có một mình Đức Chí Tôn mà thôi còn Thần Thánh Tiên Phật thì không có lấy dấu chi hết”.

Vì thế chúng ta thấy trong những ngày sóc vọng, nơi có Đền Phật Mẫu hay không, mỗi khi cúng Đức Mẹ đều không lấy dấu Tam Quy.

1.4. Lễ bái ở nơi thờ tự của các tôn giáo bạn

Như vậy, từ Châu tri 61 đã nói trên, ngoài điện thờ Đức Chí Tôn chúng ta cũng không nên lấy dấu Tam Quy mỗi khi lễ bái tại các đình, chùa, miếu, nhà thờ, Thánh đường, v.v...
 

dong tam

New member
2. Chấp tay

2.1. Chấp tay Ấn Tý:

Chúng ta thấy các vị bên Chiếu Minh từ trước đến nay vẫn chấp tay như bên Phật giống như Minh Sư, v.v…
Như vậy, vào đêm giao thừa Bính Dần (12-2- 926) thời điểm Đức Chí Tôn “Lập Đạo”, chư vị Tiền Khai khi hành lễ thì hai tay vẫn chấp lại như bên nhà Phật hay đã biết bắt Ấn Tý như lời Thầy đã dạy trước đó mấy ngày?

Có thể trong những buổi đầu của năm Bính Dần đó, chư vị còn chưa quen với cách chấp tay Ấn Tý mới vừa được dạy. Cho nên trước ngày Lễ Thượng Nguơn - Rằm tháng giêng Bính Dần trong buổi đàn ngày 13, Đức Chí Tôn đã dạy chi tiết thêm về cách thức bái lạy cho chư vị. Thánh Ngôn Hiệp Tuyển có ghi nhận đàn này như sau:

Trung... vô giữa lễ bái, cho Thầy coi... Con làm lễ trúng, song mỗi gật, con nhớ niệm câu chú của Thầy: “Nam Mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát”... Khi bái lễ: hai tay con chấp lại, song phải để tay trái Ấn Tý, tay mặt ngửa ra nằm dưới, tay trái chụp lên trên.”

Vậy nếu hiểu theo nghĩa đen của lời Thánh Ngôn này, để ý đến cụm tử “tay mặt ngửa ra”, chúng ta dễ dàng thấy rằng hình thức bắt Ấn Tý vào lúc ban sơ có khác với hiện nay.

Ngày nay chúng ta thấy quý vị tu bên Minh Lý cũng xưng danh là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ - Minh Lý đạo (1924). Bên nữ vẫn giữ cách chấp tay như Phật giáo nhưng nam phái lại chấp tay Ấn Tý giống bên Cao Đài giáo. Điều này thúc đẩy chúng tôi đi tìm hiểu xem môn sanh Minh Lý đã được dạy như thế từ khi nào.

Theo tài liệu lưu trử của Minh Lý đạo, chúng tôi tìm được đàn giải thích ý nghĩa việc bái lạy vào ngày 03-10-1926:

Nam Nhạc Hoành Sơn Tư Thiên Chiêu Thánh Đại Đế…
Ta có lên yết Thánh Vương. Ta có hỏi giùm việc lễ thì Ngài nói để chừng chư nhu học thêm kha khá thì dạy mới hiểu. Ngài có chỉ sơ ít câu…
- Hai tay chấp nơi ngực gọi là gì? Chư nhu nói thử coi.
- Thiện bạch: tay trái là dương, tay mặt là âm, hai tay hiệp lại tại tâm chỉ nghĩa là âm dương hiệp thành nhứt khí.
- Là lưỡng thủ bảo Thái Cực.
- Còn đem trên trán là sao?
- Thiện thưa: ấy là quy về khí Hư Vô.
- Phản bổn hườn nguyên.
- Còn bắt từ trán mà đem dài xuống cẳng là gì?
- Thiện bạch: khử trược lưu thanh.
- Ý phân lưỡng thối.
- Còn lúc cúi đầu xuống đất là sao?
- Thiện bạch: điều đó thiệt tôi không hiểu.
- Nhãn quang khước tim.
- Có ngươi biết mà thôi. Bởi vậy Đức Thánh vương chẳng muốn dạy vì việc ấy rất huyền diệu chẳng thể nói rõ.
Nhãn quang khước tim, nhứt thốn tam cao là chỗ khi ngươi mới cúi đầu xuống thì nhãn quang phóng nơi đó.
Lưỡng thủ bảo Thái Cực, chẳng phải nói như thể chư nhu đồng chấp tay vậy đâu. Phải Ấn Tý và trở hai phía nơi ngón cái ra ngoài, ngón út vào trong ngực.
Thiện ngươi làm cho ta xem.(Thiện làm không được)
- Chánh ngươi phải để cơ xuống cho ta cử thủ.
(Ngài sửa tay Chánh thành ra một cái Ấn.)
- Chư nhu rõ chưa?
- Cái ấn khi xưa cũng có chỗ dung vì đã cho bài “lục căn” “tam tâm”: sáu ngón ngay ra là lục căn, còn ba lỗ lớn là tam tâm
.”

Qua nội dung của bài Thánh giáo này, chúng ta có thể suy đoán rằng việc dạy cách lễ bái và bắt Ấn Tý cho chư vị nam Minh Lý chỉ mới có trong thời gian gần đấy mà thôi, vào khoảng sau giữa năm 1926. Tiếc là bổn lưu trử của đàn này vẫn chưa tìm ra.

Đem so sánh 2 lời Thánh giáo giữa Cao Đài và Minh Lý:

▪ “Khi bái lễ: hai tay con chấp lại, song phải để tay trái Ấn Tý, tay mặt ngửa ra nằm dưới, tay trái chụp lên trên” (Cao Đài).

▪ “Phải Ấn Tý và trở hai phía nơi ngón cái ra ngoài, ngón út vào trong ngực” (Minh Lý).

và lần lượt thực hành, chúng ta thấy cách bắt Ấn Tý vào năm Bính Dần lịch sử xưa kia, dầu của Cao Đài hay Minh Lý đều giống nhau ở chỗ lòng bàn tay ngửa ra và hướng lên trên. Như vậy, cách chấp tay Ấn Tý ban sơ có khác với hiện nay.

2.2. Chấp tay kiết quả.

- Nhìn hình tượng của cách chấp tay Ấn tý như hiện nay, chúng ta thấy sự có khác biệt rõ với cách chấp tay trong thời Nhị Kỳ. Cách chấp tay thời Tam kỳ thể hiện hình tượng một quả tròn. Tuy chưa tìm thấy đàn cơ nào vào thuở Lập Đạo, Thầy dạy chi tiết về cách “Chấp Tay Kiết Quả” nhưng chúng ta có thể tìm thấy ý này ở trang 47 đoạn hướng dẫn “cách lạy” trong quyển “Tứ Thời Nhật Tụng Kinh 1928” của hai vị Đầu Sư Thượng Trung Nhựt và Ngọc Lịch Nguyệt.

Cần lưu ý đến chi tiết, thuở ban đầu mới lập đạo có nhiều vấn đề Đức Chí Tôn hay các Đấng dạy chư vị Tiền Khai và bắt thực hành tại chỗ ngay trong lúc đàn cơ để được uốn nắn sửa chữa cho đúng Thánh Ý. Như vậy, có thể cách thực hành chấp tay kiết quả của nhị vị Đầu Sư là dựa theo sự chỉ dẫn trực tiếp của Thầy. Sự thay đổi cách chấp tay từ Nhứt Kỳ phổ độ sang Nhị Kỳ rồi Tam Kỳ được hai vị Đầu Sư giải thích như sau:

"Lạy chấp tay theo ba kỳ mở Đạo Tam Giáo:

Kỳ nhứt, Đức Lão Tử dạy đạo Tiên, phải chấp hai tay Kiết Nhị như bông sen búp. Khi lạy thì xòe hai tay úp xuống đất, cúi đầu xuống ba lạy kêu là khể thủ.

Kỳ nhì Đức Thích Ca giáng sanh dạy đạo thì chấp tay Hiệp Chưởng Hoa Khai. Khi lạy thì ngửa hai bàn tay để xuống đất cúi đầu xuống kêu là hòa nam. Khi Khổng Phu Tử giáng sanh dạy đạo Thánh cung tay đến mài mà lạy kêu là phủ phục.

Nay Đấng Chí Tôn giáng cơ tiếp điển mở Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hiệp đủ Phật Thánh Tiên là kỳ kiết quả độ đủ 92 ức nguyên nhân về nơi Nguyên Tu. Có câu sách Thiên Điạ tuần huờn châu nhi phục thỉ Tam Giáo quy nguyên, chấp tay hoa sen đã thành trái quả.

Bên trái thuộc dương, ngón cái là mẫu chỉ, ngón trỏ là thực chỉ, ngón giữa là trung chỉ, út là tiểu chỉ, còn một ngón không tên là vô danh chỉ. Sách có câu: "Vô danh Thiên Địa chi thủy" là trước khi Trời Đất chưa khai thì một khí không không. Sau khi định hội Tý mới mở Trời nên chữ Tý mới đặt ở góc ngón tay vô danh. Khi mở Trời rồi mới có hữu danh vạn vật chi mẫu. Muôn vật có hình chất đều thọ nơi mẫu mới hóa sanh.

Nay đến hội Tam Kỳ Kiết Quả là độ hết cả quần linh về cõi niết bàn chẳng để một điểm chơn linh nơi miền Đông Độ nên ngón tay cái là Mẫu chỉ vào chữ Tý. Còn tay hữu ngón cái chỉ vào chữ Dần tay tả. Bốn ngón đều bao ngoài tay tả là nhơn vật quần linh tận quy nguyên vị. Tay tả là dương mà có ngón tay hữu âm chỉ vào, còn tay hữu âm mà có tay tả dương ở trong. Vậy nên Kinh Dịch nói: âm nội hữu chơn dương, dương nội hữu chơn âm, âm dương lưỡng cá tứ, năng hữu kỷ nhơn tri.

Như cách lạy này là thời kỳ dạy đạo. Còn người luyện Đạo cách lạy cũng hai tay kiết quả, nhưng mà khi lạy chí đất phải để hai bàn tay ngửa mới cúi đầu. Cách lạy mầu nhiệm nghĩa lý xâu xa chưa đến kỳ Tịnh Thất nên không dám giải diệu mầu e lậu Thiên cơ chẳng dễ
” .

Như vậy có thể nói rằng việc bắt Ấn Tý đã được Thầy dạy vào cuối tháng chạp Ất Sửu - 1926, còn bước đầu chi tiết cách chấp tay Ấn Tý đã được Đức Chí Tôn dạy thêm vào đầu trung tuần tháng giêng Bính Dần - 1926.

- Lúc đầu trong cách chấp tay Ấn Tý chưa có hướng dẫn chi tiết ngón cái bàn tay phải đặt ở vị trí nào. Về sau, năm 1928, lại có thêm chi tiết này: ngón cái tay mặt bấm vào chân ngón trỏ tay trái. Hơn bốn mươi năm sau có đoạn Thánh giáo, Ơn Trên dạy lại với nội dung tương tợ:

▪ “Khi nhập đàn xá sâu ba xá, quì xuống. Tay tả, ngón cái ấn vào góc ngón áp út. Tay hữu ấp vào, ngón cái chấm góc ngón trỏ tay tả” .

Ngày mùng 3 tháng 3 nhuần Bính Ngọ (23-4-1966), Đức Hưng Đạo Đại Vương có giải thích thêm cho bên Minh Lý :

Tóm lại, lúc mới đầu cách chấp tay Ấn Tý của tín hữu Cao Đài khác với môn sanh Minh Lý ở vị trí ngón cái bàn tay phải. Bên Cao Đài “ngón cái chấm góc ngón trỏ tay tả.” trong khi bên Minh Lý “ngón cái tay mặt xỏ trong tay trái”.

Nhưng trong thập niên 40, quyển kinh Thiên đạo - Thế đạo của Tây Ninh lại hướng dẫn đỗi vị trí ngón cái tay mặt giống như cách của bên Minh Lý “xỏ trong tay trái”.
 

dong tam

New member
2.3. Chấp tay cúng vong

Các tín hữu Cao Đài khi chào hỏi nhau hai tay chấp lại ôm tròn. Hình thức này kế thừa văn hóa người Việt và có cải tiến .

Hiện nay, vào đầu thế kỷ 21 hầu như cách chấp tay cúng vong của tín hữu các Hội Thánh Cao Đài đều không chấp tay Ấn Tý trừ tín hữu Hội Thánh Tây Ninh. Thông thường mọi người cũng chấp hai tay ôm tròn, bàn tay phải bao ngoài bàn tay trái nhưng 2 ngón cái gác song song trên các ngón trỏ của tay trái và tay phải.

Thật ra với Hội Thánh Tây Ninh, cách chấp tay cúng vong có thay đổi theo thời gian. Theo lời của chư vị lớn tuổi , lúc trước 1975, khi cúng vong không bắt Ấn Tý.

Chúng ta có tìm thấy chứng cứ qua văn bản hướng dẫn như:

Theo quyển “Thiên Bàn tại Tư gia” do Ban Tu Thư Đạo Đức học đường ấn hành, Giáo Hữu Thượng Lý Thanh chấp bút đã được Hội Thánh kiểm duyệt ngày 10-7 Canh Tuất (11-8-1970).

Trích Châu tri 61, 18-8 Mậu Dần (10-10-1938):


Ấn Tý: Chỉ khi nào lạy Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu mới bắt Ấn Tý...”.

Nhưng một thời gian sau 1975, bộ phận nghi lễ của Hội Thánh Tây Ninh lại có qui định mới: tất cả các sinh hoạt lễ nghi đều phải chấp tay Ấn Tý. Không hiều vì sao mà có cách thay đổi này và vì lý do gì. Cần truy tìm lại xem sự thay đổi này đã có từ thông tư nào.
 

dong tam

New member
3. Cách niệm danh các Đấng

3.1. Khi hành lễ trước Thiên bàn Đức Chí Tôn


- Các quyển kinh Nhựt tụng được chư vị Tiền Khai xuất bản trong các năm 1926, 1927 đều không ghi hướng dẫn cách niệm cách Đấng. Chúng ta chỉ tìm được lời hướng dẫn vào thuở ban sơ, trong quyển Tứ Thời Nhật Tụng Kinh:

“… để tay kiết quả nơi ngực mình chỗ trái tim chớ rời ra, cúi đầu thứ nhứt niệm (nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát), cúi lần thứ nhì niệm (nam mô Lý Thái Bạch Tiên Trưởng) kiêm Giáo Tông Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, cúi lần thứ ba niệm (nam mô Quan Âm Bồ Tát), cúi lần thứ tư niệm (nam mô Quan Thánh Đế Quân) cúi lần thứ năm niệm (nam mô chư Phật chư Tiên chư Thánh chư Thần) dứt rồi đọc bài Niệm Hương…” .

Vậy vị chứng đàn chủ lễ, khi cầm 3 nén nhang lúc đọc bài “Niệm hương” vẫn phải để ở nơi ngực.

- Về sau, Kinh Thiên Đạo - Thế Đạo (1936) của Hội Thánh Tây Ninh hướng dẫn sửa đổi như sau:

“... rồi để ngay ngực mà niệm:
Nam Mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát.
Nam Mô Lý Đại Tiên Trưởng Giáo Tông Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Nam Mô Hiệp Thiên Đại Đế Quan Thánh Đế Quân.
Nam Mô chư Phật, chư Tiên, chư Thánh, chư Thần
”.

Sau này, Hội Thánh Ban Chỉnh Đạo có thay đổi lại 2 câu niệm danh Đức Lý Giáo Tông và Đức Quan Âm theo thứ tự vị trí của Tam Trấn, y như hướng dẫn của quyển kinh năm 1928.

- Tuy nhiên, sau này Ơn Trên có hướng dẫn rõ cách niệm mới tổng quát và tương thích với cách thờ phượng như hiện nay :

Đưa lên giữa trán niệm: Nam Mô Phật.
Đưa qua bên tả niệm: Nam Mô Pháp.
Đưa qua bên hữu niệm: Nam Mô Tăng.
Xá sâu xuống niệm:
Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
Nam mô Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Từ Tôn.
Nam mô Tam Giáo Đại Tôn Sư.
Nam mô Tam Trấn Oai Nghiêm.
Nam mô Chư Phật, Chư Tiên, Chư Thánh, Chư Thần cảm ứng chứng minh.
Rồi lạy hoặc đọc kinh tùy các em hành sự
” .

3.2. Niệm khi lễ bái Đức Mẹ:

Hướng dẫn trong kinh của Hội Thánh Tây Ninh như sau:

Chấp tay kiết quả, xá ba lần, quỳ xuống và niệm:
- Nam mô Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Thiên Tôn.
- Nam mô Cửu Vị Nữ Phật.
- Nam mô Bạch Vân Động Chư Thánh
” .

Lời dạy về cách niệm này xuất phát từ đâu, qua Thánh giáo nào vẫn còn là một ẩn số!
 

dong tam

New member
3. Xá - quỳ:

Cho đến nay chúng ta vẫn chưa tìm thấy đàn cơ nào hướng dẫn những nghi thức xá – quỳ của Ơn Trên. Duy chỉ có quyển Tứ Thời Nhật Tụng Kinh 1928, nhị vị Tiền Khai Đầu Sư viết:

“… bước vào chỗ quỳ… rồi ngước lên điện mới đưa tay Kiết quả đến trán… xá đến gối ba xá, phối Thiên áp địa gọi là tam tài. Mới khởi chơn trái bước tới một chút, quỳ chơn mặt xuống trước, chơn trái quỳ theo cho ngay thẳng cái mình. Mắt thì ngó cho ngay Thiên Nhãn mới đưa tay Kiết quả lên trán…” .
[Tứ Thời Nhật Tụng Kinh 1928, trang 48]
 

dong tam

New member
4. Lạy

Chúng ta thấy mỗi tôn giáo có cách bái lạy riêng của mình. Tín hữu Cao Đài khi chấp tay cúi xuống lạy thì úp 2 bàn tay xuống, 2 ngón cái gác tréo nhau và 8 ngón còn lại xòe ra.

Trong quyển Luận Đạo Vấn Đáp xuất bản năm 1927, Ngài Nguyễn Trung Hậu giải thích ý nghĩa của động tác bái lạy:

- Với bán trình thứ nhứt: cúi lạy

Nay Ðạo đã hoằng khai thì như bông sen đã nở, rồi sanh ra trái, gọi là kết quả, ấy là hai tay ôm tròn lại như trái cây vậy. Mà kết quả rồi không phép hưởng riêng một mình, phải gieo ra cho chúng sanh chung hưởng, gọi là Phổ độ. Vì vậy mà khi cúi lạy phải xoè hai bàn tay ra như gieo hột vậy”.

Sang năm 1928, trong Tứ Thời Nhật Tụng Kinh, hai vị Đầu Sư Thượng Trung Nhựt và Ngọc Lịch Nguyệt trình bày thêm chi tiết:

Cách lạy, đưa tay kiết quả lên trán rồi để xuống ngực mới xá, xoè bàn tay ra mà úp xuống đất khi lạy rồi ngước dậy thì đưa tay kiết quả lên trán rồi mới chấp xuống ngực” .

Như vậy, nửa đầu của động tác lạy mang Lý Đạo về Nhân Sinh Quan – Thế Đạo của tín hữu Cao Đài.

- Với bán trình thứ hai, ngẩng người lên.

Ý nghĩa đã được Ngài Nguyễn Trung Hậu giải thích:

Lại nữa, cách lạy ấy cũng do theo ý nghĩa của cuộc tạo Thiên lập địa.
Tay mặt úp ngoài tay trái gọi là âm dương tương hiệp. Khí âm ngậm khí dương mới sanh ra Thái Cực là hai bàn tay ôm tròn lại đó. Thái Cực sanh Lưỡng Nghi là hai ngón cái; khi lạy hai ngón cái chéo nhau hình chữ thập, gọi Lưỡng Nghi sanh Tứ Tượng; đoạn 8 ngón tay kia trải ra gọi là Bát Quái
”.

Tuy chúng ta chưa tìm được Thánh giáo thuở ban sơ dạy chi tiết cách bái lạy với ý nghĩa Thái cực – lưỡng nghi – tứ tượng – bát quái... nhưng chắc chắn những lời Ngài Bảo Pháp viết ngay từ năm 1927 phải có căn cứ vào lời dạy của Ơn trên.

Sau mỗi lạy, chấp tay kiết quả trở lại. Động tác này mang ý nghĩa về Vũ Trụ Quan, nói về đường Thiên Đạo của tín hữu.

▪ Hành động “Chấp Tay Kiết Quả Ấn Tý và lạy” thể hiện sự khởi nguyên của vạn vật rồi sanh hóa: biến hóa và tiến hóa. (Nhứt bổn tán vạn thù, phóng phát)
▪ Khi “Lạy xong, tiếp tục Kiết Quả” thể hiện sự hoàn nguyên (các ngón tay và hai bàn tay ôm tròn trở lại) rồi quy nguyên (Vạn thù quy Nhứt bổn).

Phương cách hoàn nguyên và quy nguyên liên quan đến phương pháp công phu.

Mỗi người, thân xác của chúng ta là Tiểu Thiên địa tương ứng với Đại Thiên địa. Hễ trời có những món báu gì thì con người cũng có các món đó, nhưng những cái có nơi con người đã bị phân tán vì thập tam ma là thất tình lục dục. Để thu hồi lại các món báu này là Tam bửu “Tinh Khí Thần”, trong đó cái con người bị khiếm khuyết nhiều nhứt chính là Thần, do đó công phu là phương cách phục hồi hữu hiệu nhứt.

Việc công phu được chia làm 2 phương pháp từ thấp đến cao, đó là cúng kính và tu luyện.

Tóm lại, qua những tài liệu đã được xuất bản năm 1927 và 1928, các chư vị Tiền Khai Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài đã ghi lại động tác lạy cùng cả hai ý nghĩa về nhân sinh quan và vũ trụ quan, thể hiện phương tu trong thời Tam Kỳ Phổ độ: song hành việc phổ độ và tu luyện.
 

dong tam

New member
5. Đứng lên

Khi mãn lễ cúng đứng dậy. Cũng đứng chơn trái trước, cũng xá ba xá như trước mới day [xoay] ra bàn Hộ Pháp xá một xá” .

So sánh nghi thức bái lễ giữa Cao Đài và các tôn giáo khác, chỉ có bên Cao Đài người tín hữu mới phải xoay lại xá bàn Hộ Pháp để hoàn tất việc hành lễ. Tuy chưa tìm thấy Thánh giáo dạy về việc này nhưng ít ra chúng ta cũng thấy chi tiết này:

- chỉ có sau khi nghi tiết thiết lập bàn Hộ Pháp với chữ Khí được Ơn trên hướng dẫn trong ba tháng Lễ Thánh Thất – Khai Minh Đại Đạo.

- được hai vị Đầu Sư đầu tiên đã ghi nhận trong quyển kinh Tứ Thời Nhật Tụng xuất bản năm 1928.

Về sau, khi cội Cao Đài giáo phân nhánh, vài Hội Thánh có thay đổi chút ít động tác chân khi đứng lên hay chiều xoay lại bàn thờ Hộ Pháp.

Ngay cả trong Hội Thánh Tây Ninh cũng có một ít bộ phận tín hữu không giữ đúng theo cách thức ban đầu. Năm 1972 trong một đàn cơ, Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc có nhắc lại:

“Bảo Đạo hỏi:
Cúng Phật Mẫu khi bãi đàn có nên xoay ra phía ngoài xá như ở Đền Thánh hay không? Và khi xoay ra phải xoay bên mặt hay bên trái? Chỉ ở Địa Linh Động, hai bên nam nữ mỗi bên xoay một chiều khác nhau. Xin Đức Ngài chỉ giáo.

- Hộ Pháp: Hội Thánh ra lệnh hành lễ y nhau hết.”

Vì sao, chỉ xá bàn Hộ Pháp có một xá?

Sanh thời, chiều ngày mùng 9 tháng Giêng năm Ðinh Hợi (30-1-1947), thiết Lễ an vị Ðức Ngôi Báo Ân Từ. Ðức Hộ Pháp dạy :

Khi cúng rồi phải day ra [sau] xá một xá, cũng như ở Ðền Thánh vậy. Nên hiểu, không phải xá Hộ Pháp, mà là xá để kỉnh chào Khí Sanh quang, tức là nguồn cội của Pháp biến sanh vạn vật.

Trước là Phật Pháp Tăng gọi là Tam Quy, trong Pháp ấy xuất hiện Phật Mẫu, kế tiếp vạn linh, vạn vật, v.v...
Mặc dầu nơi đây không có thờ chữ Khí mà buộc mình phải xá ra, đó là lòng tin tưởng biết ơn và chào mạng sanh của chúng ta đó vậy
”.
 

dong tam

New member
Tóm lại, về phương diện nghi thức bái lạy, theo diễn tiến của thời gian chúng ta thấy:

1 - Khởi đầu, tháng chạp Ất Sửu (đầu năm 1926) khi 2 nhóm vô vi và phổ độ hiệp tác với nhau, chư vị Tiền Khai theo hướng dẫn của ngài Ngô Văn Chiêu còn chấp tay như thuở Nhị kỳ và cách lạy chỉ có một lạy với 12 gật.
Đến cuối tháng chạp, Đức Cao Đài dạy chung cho 2 nhóm Vô vi và Phổ độ cách lấy dấu Tam Quy với Ấn Tý, rồi niệm danh hiệu Thầy.

Chỉ lấy dấu Tam Quy khi hành lễ Đức Chí Tôn mà thôi.

Những khi cúng Đức Mẹ hay lễ bái ở các nơi nơi thờ tự khác của các tôn giáo như chùa, nhà thờ, đình, miếu, v.v… đều không có lấy dấu.

2 - Sang đầu năm Bính Dần (1926), Đức Chí Tôn mới dạy quý vị chi tiết cách Chấp tay ấn Tý và cách lạy Thầy cùng Thần Thánh Tiên Phật…

Cách “chấp tay kiết quả” thời Tam Kỳ là diễn tiến phát triển đã đến thời kỳ hoa kết trái. Ngay từ những tháng đầu mới Lập Đạo, cách chấp tay ấn Tý đã được hướng dẫn có ý nghĩa “Thiên Nhân hiệp nhứt” với 2 vị trí phải bấm vào là cung Tý và cung Dần. Chỉ chấp tay Ấn Tý mỗi khi hành lễ Đức Chí Tôn và Đức Mẹ mà thôi.

Các tín hữu Cao Đài khi hành lễ các đấng thiêng liêng khác cũng như khi cúng vong hay khi chào hỏi nhau, cũng thực hiện hình thức “quả tâm – kiết quả” nhưng không bắt ấn Tý mà hai ngón cái đặt song song nhau.

3 - Cách xá theo ý nghĩa “tam tài” có thể được kế thừa theo truyền thống Á Đông xưa kia, chúng ta thấy hai vị Đầu Sư Thượng và Ngọc đã hướng dẫn trong quyển Tứ thời Nhật tụng Kinh xuất bản năm 1928.

Về cách quỳ, đã được Ơn trên hướng dẫn từ khi nào, chúng ta cần phải tiếp tục tìm kiếm. Nhưng căn bản vào thuở ban đầu, dầu quỳ xuống hay đứng lên đều khởi động chân trái.

Và khi xoay trở lại bàn Hộ Pháp, dầu nam hay nữ đều lấy bên trái làm chuẩn để xoay.
Tất cả đều mang ý nghĩa: khi dụng pháp, âm dương hòa hiệp, nhưng bao giờ dương cũng phải khởi trước như Lý Đạo của Càn Khôn.

4 - Về cách niệm danh ban đầu 5 câu gồm: danh Thầy, danh Tam Trấn cùng chư Thiên được dạy từ khi nào chúng ta phải tiếp tục tìm kiếm. Nhưng chắc chắn nghi thức này cũng phải có trước Rằm tháng 10 Bính Dần – Lễ Thánh Thất (Khai Minh Đại Đạo) tương ứng với nghi thức thờ phượng ban sơ đã được Đức Cao Đài hướng dẫn lúc mới Lập Đạo.

Về thứ tự khi niệm danh Tam Trấn:

- Ban đầu niệm danh đúng theo trật tự của Tam Trấn.

- Nhưng đến giữa thập niên 30, trong quyển kinh Lễ của Hội Thánh Tây Ninh lại hướng dẫn trở lại, niệm danh Đức Quan Âm trước Đức Lý .

Sau khi có sự biến hóa để nảy sanh thêm các Hội Thánh, 5 câu niệm khi hành lễ Đức Chí Tôn được Ơn trên hướng dẩn tổng quát hơn bao gồm: niệm danh Đức Cao Đài, danh Đức Mẹ, Tam Giáo Đạo tổ, Tam Trấn Oai Nghiêm và Chư Phật, Tiên, Thánh, Thần.

5 - Về cách lạy, hai bàn tay ngửa ra với chư vị tu theo pháp Chiếu Minh vô vi nhưng với người tu Phổ độ thì hai bàn tay úp xuống với hai ngón tay gát tréo nhau.

6 - Nghi thức lễ bái Cao Đài giáo ẩn tàng Lý Đạo âm dương song hành Thế Đạo và Thiên Đạo, từ ý nghĩa của việc lấy dấu Thánh Nghi - Tam Quy cho đến ý nghĩa của chấp tay Ấn Tý khi bái lạy.
Tất cả đều thể hiện Lý Đạo của phương hướng thực hành 2 bước nối tiếp nhau: phổ độ rồi tu luyện để tiến đến song hành cả hai trong một kiếp trần sinh.
 

dong tam

New member
LƯỢC SỬ CƠ BÚT CAO ĐÀI

1. Ngài Ngô Văn Chiêu, người đệ tử đầu tiên của Đức Cao Đài Tiên Ông còn lưu giữ ở nhà mình tại Tân An (Long An) một chiếc cơ trông giống như con rùa. Tại đàn tiên Cái Khế (Cần Thơ) nơi Ngài Ngô đã tiếp nhận ba bài kinh dâng Tam bửu cũng còn lưu giữ một chiếc cơ y hệt như thế. Chư tiền bối chức sắc gọi hình thức ngọc cơ ban đầu này của Chiếu Minh là “qui cơ” hay cơ rùa.

Qui cơ có bầu dẹp, mặt trên hình ô van được đang bằng dây mây, gắn với chiếc cần cơ làm bằng gỗ mun mà phần nằm ngoài bầu chỉ là đoạn ngắn khoảng hơn một tấc. Cần cơ được xỏ qua và kết dính với đáy bầu. Bầu cơ này để trần không có bọc vải, hai bên hông có 3 lổ với kích thước 3x4 cm.

Tại vài nhà đàn Chiếu Minh pháp môn vô vi, vẫn còn lưu giữ những chiếc Đại ngọc cơ khác hẳn với cơ rùa nhưng lại tương tợ Đại ngọc cơ bên phổ độ mà cần cơ được để trơn không có chạm trổ chi cả.

Ban đầu ngọc cơ của Chiếu Minh có bầu cơ làm bằng vỏ trái bầu được phơi khô. Về sau, tại Trước Lý Minh Đài, Đức Chí Tôn có dạy thực hiện chiếc Ngọc cơ với hình thức tương tợ như bên phổ độ. Sau đó nhiều đàn cơ đã được thực hiện để Thầy dạy giáo pháp Đại Thừa, kết tập lại thành Đại Thừa Chơn Giáo là quyển kinh tổ về Tâm pháp Đại Thừa.

Kích thước và hình thức Ngọc cơ ấy như sau:

Cảnh! Thầy giao cho trò làm một cây Ngọc Cơ. Cán bằng cây liễu. Làm thường thôi! Thầy không muốn chạm trổ chi hết.
Cán: dài sáu tấc sáu (0,66m). Bội: Bề kính tâm ba tấc ba (0,33m). Cao hai tấc tư tây (0,24m). Trên vẽ Thiên Nhãn có Nhựt Nguyệt Tinh, sau ngay đốc cơ vẽ bài vị Tam Thanh làm giấy vàng thôi.


Với một số bầu cơ làm bằng vỏ trái bầu, chúng ta thấy trên đỉnh bầu cơ còn có thêm một núm nhỏ.
 

dong tam

New member
9bi4bic5plohoaibe30.jpg


7wqopry35mk1cukegpo.jpg
 

dong tam

New member
2. Tiếp Dẫn Đạo Nhơn Gabriel Gobron trong quyển Histoire du Caodaїsme của mình viết năm 1938 có đoạn ghi lại lời của Ngài Hộ Pháp Phạm Công Tắc như sau:

"Ngài Phạm Công Tắc, vị lãnh đạo cao cấp của Đạo Cao Đài hay Phật giáo canh tân, Tòa Thánh Tây Ninh, gởi ông Chủ nhiệm nhựt báo La Vérité, Nam Vang.(…):

“Vào một buổi chiều tối của tháng 11, bạn tôi lập lại cho tôi nghe nhiều lần sự huyền diệu của cái bàn xây mà cậu đã học trong các tác phẩm của những vị chủ xướng Thần linh học Pháp mà ngày nay đã mất: Allan Kardec và Léon Denis…


Xuất phát điểm cơ phổ độ của Đức Chí Tôn trong Tam Kỳ Phổ Độ đã khởi đầu vào thượng tuần tháng 6 Ất Sửu 1925 tại nhà của ông Cao Hoài Sang ở phố Hàng Dừa đối diện chợ Thái Bình quận 2 Sài Gòn (hiện nay là đường Cống Quỳnh, quận 1 - gần bên Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo).
Với chiếc bàn tròn 3 chân , theo phương pháp thông linh của Âu Mỹ , con người có thể tiếp xúc được với thế giới vô hình. Về mặt kỷ thuật, chiếc bàn có 2 chân được kê cao lên vài phân để chân thứ 3 bị hỏng khỏi nền nhà một ít vừa đủ để tạo ra sự gập ghềnh. Khi bàn chuyển động lắc lư qua lại, chân thứ 3 chạm lên nền gạch phát ra những tiếng cộp cộp vừa đủ nghe.

Khởi đầu, sau vài hôm chịu khó tập dượt, quý vị đã tiếp xúc được với một số vong người Việt, Chà Và, Các chú (người Hoa), Anh, v.v… Đêm mùng 6 tháng 6 Ất Sửu, chư vị liên lạc được với vong trong gia đình như Cao Quỳnh Lượng, Cao Quỳnh Tuân.

Trong quyển Đạo Mạch Tri Nguyên, có thể xem là quyển sử Đạo đầu tiên của Cao Đài, tác giả đã ghi:

Chừng tịnh lần này, cả thảy ngồi im lìm; thoạt nhiên bàn giở lên, gỏ lia, gỏ lịa. Mấy ổng cũng cho là nội bọn phá, bèn hỏi thăm nhau. Ai nấy đều tỏ rằng, cả thảy đều để thật lòng, mà thử cho hết sức, cho nên không xô đẩy chi.

Ấy là bàn diêu động tự nhiên. Khi đó, người thì nói tê tay, kẻ lại nghe gần như bị điển. Trong khi mấy ổng hỏi nhau, bàn dứt gỏ, nhưng cũng còn linh chinh, dường như có sự sống vậy.

Chừng nghĩ rằng có vong nhập; thảy đều kinh tâm: mấy ổng lụi đụi, không biết phương chi mà thông đồng với vong đặng.

Chú Tư tôi liền dặn mấy ổng để như cũ, đừng ai lấy tay ra khỏi bàn mà làm xao động, e vì vong xuất ngoại. Dứt lời, chú Tư tôi lật đật nói với vong rằng:

- Xin khoan đi, để cho tôi hỏi ít lời. Bây giờ chưa tìm đặng thế nào cho hiểu nhau, thì duy cứ gỏ hai nghĩa là: Ừ chịu. Có hoặc phải (Oui).Còn gõ một là: không, hay là chẳng phải (Non)

Vong tiếp gỏ hai: Tỏ rằng, chịu theo lời dặn.

Ðoạn chú Tư tôi liền ngụ ý, rồi nói với vong như vầy:

- Ta hiểu theo đây, thì có thể nói với nhau tiện hơn. Nếu tôi hỏi chi, muốn trả lời lại, cứ theo vần alphabet quốc ngữ mà gõ, đến chữ nào dùng thì ngưng lại, nghĩa là lấy chữ chót; rồi bắt đầu trở lại mà nối chữ khác, xong rồi sẽ ráp lại mà đọc, giống như điệu giây thép vậy.

Vong liền gõ hai (ừ chịu)

Hiểu nhau rồi, bàn gõ, chú Tư tôi khởi đọc.

Nhưng sự chi cũng vậy, lúc đầu sao cũng lộn xộn năm bảy phen, đọc cho đến hết hai mươi mấy chữ vần, mà cũng còn gõ mãi. Tức mình chú Tư tôi cắt nghĩa lại một lần nữa.

Thật lấy làm tội nghiệp cho vong quá, lại cũng thương cho mấy ổng, vì muốn thấu đáo nên ráng chịu khó cho đến cùng. May sao lối mỏn hơi rồi, chú Tư tôi đọc từ a ă â b c d đ... tới chữ L thì dứt gõ. Chú tư tôi dặn M. Cao Hoài Sang nhớ chữ ấy, đủ rồi sẽ ráp lại.

Ðoạn bàn tiếp gõ lượt thứ nhì. Chú Tư tôi đọc a ă â b c d đ... cho đến chữ Ư, bàn ngừng lại, rồi cũng cứ nối đuôi theo như trước, cho đến khi ráp được ba chữ: "Lượng Cao Quỳnh"

Khi tiếp đặng mấy chữ ấy rồi, thì mấy ổng hớn hở vui cười. Dứt tiếng, chú Tư tôi suy nghĩ rồi nói rằng:

"Như phải là Cao Quỳnh Lượng, thì chắc biết mấy người ngồi đây; cứ nói tên mỗi người coi có trúng chăng?
"

Vừa dứt lời bàn gỏ, chừng ráp lại nguyên chữ thì thành ra tên: Diêu, Cư, Tắc, Sang, Ðức, Thân, Nguyên, thảy đều rộ cười lên, còn cái bàn thì hỏng một bên chân, lắc qua lắc lại, dường như cũng cười theo vậy.

Khi ấy ông thân tôi tiếp hỏi Lượng rằng:

- "Con có ở hầu ông nội chăng?
Ðáp: có

- Mời ông nội đến đây, tiện không?

Ðáp: đặng

Dứt lời thì bàn giở lên, rồi để xuống, không còn diêu động, như khi nãy nữa. Chú Tám tôi nói rằng: "Bộ khi nó đi rồi". Nghe vậy mấy ổng đều dang ra nghỉ hết.

Chừng ấy tôi có ý coi, thì thấy ông nào ông nấy cũng lấy làm lạ, mà nhất là ông thân tôi, với chú Tư tôi, vì từ ấu chí trưởng, hai người không chịu tin chi hết, cho kiếp chết là mất rồi, chẳng tin rằng có hồn. Nay lại thấy điều lạ kỳ như vậy, thì hai ông ngồi nhìn nhau, tình hình như trời đã hé cửa cho mấy ổng nhìn, thấy đặng sự bí mật vậy.

Cách nửa giờ sau, vầy nhau ngồi, để tay lên cũng tịnh như trước; kỳ này mấy ổng có màu kiêng dè, không dám cười giỡn nữa. Ðoạn bàn gõ. Chú Tư tôi tiếp đặng chữ, ráp lại như vầy: "Cao Quỳnh Tuân".

Ấy là tên ông nội tôi, cả thảy đều đứng dậy xá, rồi ngồi xuống. Ông thân tôi hỏi sơ, ít điều đã qua rồi, kế chú Tư tôi tiếp nói rằng:

"Vì buổi thầy quá vãng, anh em con vẫn còn nhỏ dại, cho đến đổi anh của con đã trộng, còn không nhớ đặng, hình ảnh của thầy, huống chi là con còn nhỏ quá, duy buổi lớn khôn nghe người truyền ngôn lại cái hạnh đức của thầy mà thôi.

Nếu có thể tiện, xin thầy dùng dịp này cho anh em con một bài thi tự thuật, hầu để rao truyền ngày sau, cho con cháu thờ làm kỷ niệm".

Ông nội tôi chịu cho, liền tiếp đánh ra bài thơ như vầy:

Ly trần tuổi đã quá năm mươi,
Mi mới vừa lên ước đặng mười;
Tổng mến lời khuyên bền mộ chép,
Tình thương căn dặn gắng tâm đời.
Bên màn đôi lúc trêu hồn phách,
Cõi thọ nhiều phen đặng thảnh thơi;
Xót nỗi vợ hiền còn lụm cụm,
Gặp nhau nhắn nhủ một đôi lời.”

Tiếp theo, tối thứ bảy 12 tháng 6 Ất Sửu tại nhà ông Cao Quỳnh Cư số 134 Bourdais quận 1 Sài Gòn (nay là đường Calmette, khu vực Ngân Hàng Eximbank), chiếc bàn vuông 4 chân được sử dụng . Về mặt kỹ thuật cũng tương tợ như đã áp dụng khi xây bàn với bàn tròn 3 chân: có 3 chân bàn được kê cao lên một chút còn chân thứ 4 để hỏng khỏi mặt gạch một ít.

Tuy về mặt chi tiết thời gian của các sự kiện được ghi nhận, ngày nay có điều kiện suy gẫm chúng ta thấy có đôi chỗ chưa thật hẳn chính xác nhưng về tổng quát, các nét căn bản của sự kiện đã được ghi nhận lại khá đầy đủ.
 

dong tam

New member
- Đạo Sử Nhật Ký của Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng có ghi nhận những câu chuyện liên quan đến việc xây bàn của một số vị Tiền Khai, sau này cũng được Đức Chí Tôn ban ân có chân trong Hiệp Thiên Đài như là Ngài Trương Hữu Đức, Nguyễn Trung Hậu, v.v...

. Ngày 26 tháng 9 Ất Sửu (12-11-1925), ông Hậu đến dự xây bàn, Đức AĂÂ giáng cho bài thi:

Thuần văn chất đức tài cao,
Tên tuổi làng thơ đã đứng vào;
Non nước muốn nêu danh tuấn kiệt,
Đến hồi búa Việt giục cờ Mao.

Câu đầu nêu lên bút danh “Thuần Đức” của ông Hậu, lúc đó chỉ có một mình ông biết mà thôi… Nhân dịp này ông bạch cùng Đức AĂÂ rằng: tôi còn nhớ 2 câu đối xưa nay chưa ai đối được. xin đem ra cho ngài đối giùm. Đấng AĂÂ đáp: Bần đạo xin hầu đối, nhưng nếu đối ra không chửng (chuẩn), quý vị chớ cười và niệm tình Bần Đạo mà chấn chỉnh lại cho.

Câu đối ông Hậu ra: Ngồi lưng ngựa đừng bò con nghé.
Đức AĂÂ đối lại: Cỡi lưng trâu chở khỉ thằng tê.
Câu đối ông Hậu ra: Ngựa chạy mang lạc.
Đức AĂÂ đối lại: Cò bay le bè.

Ông Hậu phục tài Đức AĂÂ, từ đó hết lòng tin tưởng có các Đấng vô hình.
[Đạo Sử Nhật Ký – Hiền tài Nguyễn Văn Hồng trang 70]

. Ông Đức thấy ba ngài Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc và Cao Hoài Sang xây bàn thì hoài nghi ba vị này giả ngộ chơi nên không tin. Về nhà, ông Đức tự đem bàn ra đặt tay xây thử để xin thơ, tức thì có vong linh người anh nhập bàn. Nhưng thay vì cho thi lại cho 2 vị thuốc để ông Đức uống, nhờ vậy ông Đức được lành bịnh hậu trên 20 [Đạo Sử Nhật Ký – Hiền tài Nguyễn Văn Hồng trang 71]
 

dong tam

New member
3. Thủ cơ – chấp bút:

Sau hơn một tháng xây bàn tiếp xúc với thế giới vô hình; vào thượng tuần tháng 8 Ất Sửu; Cô Đoàn Ngọc Quế (Vương Thị Lễ) cho ba vị Cư, Tắc, Sang biết mình thật ra là Thất Nương nơi Diêu Trì Cung. Khi ba vị ngỏ lời xin được giới thiệu với Đấng Chưởng Quản Diêu Trì Cung, Thất Nương ra điều kiện: phải trai giới ba ngày trước khi hầu lễ và phải dùng đại ngọc cơ. Đức Thất Nương có mô tả cấu trúc và giải thích ý nghĩa vì sao phải thực hiện Đại Ngọc Cơ như thế. (Giống như chòm sao Đại Hùng Tinh)

Trong lúc chư vị đang phân vân chưa biết phải tìm ngọc cơ nơi đâu, khiến sao có người bạn của ông Cư là Phán Tý vừa thỉnh chiếc ngọc cơ nơi đàn Minh Thiện – Thủ Dầu Một nghe biết chuyện nên đem cho mượn đồng thời hướng dẫn luôn cách phò cơ cùng bài kinh cầu “Chốn bồng lai là nơi thanh tịnh...”. Như thế buổi Hội Yến Diêu Trì vào Rằm tháng 8 Ất Sửu – 1925 là lần đầu tiên Đại ngọc cơ được sử dụng để thông công bên nhóm phổ độ.

Hiện nay chúng ta vẫn chưa tìm được bản Thánh giáo nào của Ơn Trên mô tả kích thước và hình dáng của Đại ngọc cơ vào lúc khởi đầu của thời Tam Kỳ bên cơ Phổ Độ. Do đầu ngọn cơ được chạm khắc hình đầu chim Loan vì thế việc phò cơ vào thuở đầu của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ được gọi là phò Loan.

Sau khi thực hiện “Vọng Thiên cầu Đạo” vào mồng 1 tháng 11 Ất Sửu – 1925, ba ông Cư – Tắc – Sang được dạy chuyển sang thường xuyên sử dụng Đại ngọc cơ: “Cầu Đạo rồi, Đức Chí Tôn dạy phải dùng Ngọc Cơ để tiếp xúc với Đức Chí Tôn thì cái giai đoạn xây bàn đến đây là cáo chung”

Ông Gabriel Gobron – Tiếp Dẫn Đạo Nhơn của Tòa Thánh Tây Ninh trong quyển Histoire du Caodaїsm có ghi nhận một bài báo. Qua đó, chúng ta được biết trước đó ông Phạm Công Tắc đã có đi tìm hiểu việc chấp bút của Chi Minh Lý.

Ngài Phạm Công Tắc, vị lãnh đạo cao cấp của Đạo Cao Đài hay Phật giáo canh tân, Tòa Thánh Tây Ninh, gởi ông Chủ nhiệm nhựt báo La Vérité, Nam Vang.(…)

Đó là vào năm 192…, tôi cư ngụ trong một căn phòng của tòa nhà Audouit, hôm nay trở thành tòa nhà Huỳnh Đình Khiêm. Tại nhà tôi, có nhiều thanh niên nam nữ tới lui với tôi, (…). Một sáng Chúa nhựt, một thanh niên lạ mặt tiến vào văn phòng tôi, ngồi xuống ghế đối diện và nói một cách tự nhiên, những lời nói không làm tôi ngạc nhiên:
(…) Sau đó, tôi mới nhận thấy bạn mới ấy là người rất thông thái, cậu ấy thông thạo triết lý tâm linh và đặc biệt Thần linh học làm cho cậu thích thú. Nhờ thế mà tôi biết được phong trào xây bàn và sự thông công bằng đồng tử.
(…) Vào một buổi chiều tối của tháng 11, bạn tôi lập lại cho tôi nghe nhiều lần sự huyền diệu của cái bàn xây mà cậu đã học trong các tác phẩm của những vị chủ xướng Thần linh học Pháp mà ngày nay đã mất: Allan Kardec và Léon Denis. Bấy giờ tôi tỏ ra một nghi ngờ quả quyết trên sự xác thực của các hiện tượng nầy, thách đố cậu ta thử thí nghiệm. Tức thì cậu dẫn tôi đến nhà của vị cầm đầu chánh thức của trường phái thần bí mới được phát sanh, mà diễn tiến về sau có ảnh hưởng lớn đến sự thành lập và phát triển Đạo Cao Đài: phái ấy tự xưng là “Minh Lý Đạo” có thể dịch nghĩa từng chữ: con đường của lẽ phải rõ ràng.

Tôi vội vàng nhìn nhận ở đây rằng, tôi được hiện diện với những người vô cùng dễ thương và chơn thật. Đó là những công chức khiêm tốn của các cơ quan hành chánh và thương mại, khao khát học tập và tự vươn mình lên trong xã hội, nhờ vào các nổ lực thường xuyên của họ.

Họ được 10 người và tự kết thành nhóm như một loại câu lạc bộ để bàn cãi về triết lý tâm linh và kế đó, khi những lý thuyết đã được đồng hóa, nhờ vào một qui tắc mà họ tự tạo ra để tổ chức và tôn thờ những vị Thánh Hiền của họ. Tôi rất ngạc nhiên về kiến thức tâm linh cao siêu và rộng rãi của họ. Tất cả họ đều có khả năng thuật lại cho tôi nghe những Thánh giáo trong các tác phẩm lớn Thần linh học.(…).
Tôi yêu cầu tham dự một đàn cơ quan trọng, ông Âu Kích, người được kính mến nhứt của nhóm, lo sửa soạn đàn cơ nầy.

Trên một cái bàn dùng làm bàn thờ, ông Âu Kích cắm 9 cây đèn cầy theo hình tam giác. Sau diễn biến nầy, ông giải thích cho tôi biết, số 9 mà sự sắp đặt theo hình học đó bao hàm con số 3 (thật vậy, 3 góc trong tam giác) có một sự quan trọng tượng trưng, chỉ có những người đã thọ giáo mới có thể hiểu được. Lúc đó, các lễ dâng cúng khởi sự liên tiếp. Những tín đồ của nhóm làm lễ trước bàn thờ, ông trưởng nhóm Âu Kích quì ở chính giữa. Họ tụng kinh cầu nguyện Đấng Thượng Đế và các Đấng thiêng liêng. Sau khi dâng hiến tâm hồn thì tiếp theo là lễ Dâng Hoa, Dâng Rượu và Dâng Trà.(…).

Nhưng ở đây, thình lình, người đứng đầu vẽ trong không khí những cử động lạ thường với cánh tay mặt của ông. Tất cả đều im lặng như bị phù phép. Ông Xung nói vào lỗ tai tôi rằng các Đấng thiêng liêng sắp thông công qua trung gian của ông Âu Kích. Thật vậy, ông Âu Kích cầm một cây bút chì lớn mà người ta đặt trước trên một cái bàn nhỏ với giấy trắng, tự đặt mình phận sự viết lại những lời nói thiêng liêng, đôi mắt nhắm lại. Người ta giải thích cho tôi biết rằng, ông ấy là đồng tử được các Đấng thiêng liêng ưa thích, được tôn kính bởi các tín đồ, rằng Đức Quan Âm Bồ Tát đã đề tặng cho tôi, nhờ bởi phương cách của người đầu nhóm nầy.

Quả thật tôi rất hãnh diện được báo cho biết, qua những tiền kiếp của tôi, tôi đã hoàn thành nhiều công trình lớn lao và tôi bị đày xuống thung lũng đầy nước mắt nầy (cõi trần) để đền cái tội kiêu căng mà tôi đã phạm phải. Tôi là một kẻ kiêu căng khó chịu nổi trong nhiều kiếp liên tiếp.

Như thế, các bạn tôi tin tưởng đồng cốt, nghĩa là sự thông công với thế giới vô hình, do đó tin tưởng sự tồn sinh của linh hồn (…)
”.

Đồng thời lúc ấy, với sự hợp tác cùng nhóm cầu cơ của Ngài Ngô, chư vị bên nhóm Xây bàn đã được hướng dẫn và truyền lại một số bài kinh trong đó có kinh cầu cơ cùng nghi thức lập đàn thông công với Thần Tiên.

Bà Chánh Phối Sư Hương Hiếu đã ghi lại trong Đạo Sử Xây Bàn I trang 36: “Xin quý ông nhớ ngày 2-1-1926 Thầy khởi dạy Đạo”. Và lời dạy Đạo đầu tiên của Đức Chí Tôn cho ba vị Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang từ lúc phôi thai của nhà đạo là những lời dạy về việc thủ cơ chấp bút. Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển quyển 1, ghi là đàn ngày 03 Janvier 1926.

Thủ cơ hay là chấp bút phải để cho thần, tâm tịnh mới xuất Chơn Thần ra khỏi phách, đặng đến hầu Thầy nghe dạy:

Khi chấp thủ thì tay tuân theo Chơn Thần nói lại mà viết ra, mường tượng như con đặt để, con hiểu đặng vậy… Còn chấp bút. Khi Thầy đến thì làm cho Thần con bất định một lát cho Thần xuất ra nghe Thầy dạy, còn tay con tuân theo mà viết. Ấy là một phần của con, một phần của Thầy hiệp nhứt, mới thấu đáo Càn Khôn, tinh thông vạn vật đặng.

Trước khi thủ cơ hay là chấp bút, thì phải thay y phục cho sạch sẽ, trang hoàng tắm gội cho tinh khiết; rồi mới đặng đến trước bửu điện mà hành sự, chẳng nên thiếu sót mà thất lễ.(…)

Kẻ phò cơ chấp bút cũng như Tướng Soái của Thầy để truyền Đạo cho thiên hạ. Các con đừng tưởng việc bút cơ là việc tầm thường... Vậy khi nào chấp cơ thì phải đợi lịnh Thầy rồi sẽ thi hành
.”

Trong khi bên nhóm vô vi chỉ sử dụng Độc đồng thì bên nhóm phổ độ lại thường xuyên sử dụng Song đồng âm dương mỗi khi thủ cơ, trừ khi chấp bút. Buổi đầu, cặp Đồng tử thường là 2 ông Cao Quỳnh Cư và Phạm Công Tắc. Về sau, Đức Chí Tôn ban ân cho thêm 5 cặp nữa .

Về phần “chấp bút”, ngay từ những buổi đầu trong lịch sử nhà đạo ngoài cách chấp bút bằng “viết chì” viết chữ trên giấy, Đức Chí Tôn còn dạy sử dụng hình thức “chấp bút nhang” để Thầy họa phù trấn thần hay ban ân giải tà. Qua đây, hình thức Độc Đồng hiện diện trong phương cách thông công của Hội Thánh Tây Ninh. Về sau còn có thêm một dạng chấp bút khác với ngọn bút bằng gỗ được chạm khắc như cây bút viết mực tàu dài khoảng 2 tấc và đường kính khoảng 2cm, được sử dụng như Đại ngọc cơ thường dùng trong các đàn truyền pháp tu luyện.

Từ khi có sự phân để hóa thành nhiều nhánh hầu tận độ nhân sanh kịp lúc với Thiên cơ, các ban Thông công của các Hội Thánh sau này trong Cao Đài thường được Ơn trên sử dụng Độc đồng hơn. Tuy nhiên trong một buổi lập đàn, có khi lại được Thiêng Liêng ban ơn cho lập cùng một lúc nhiều ban cơ với sự phối hợp phận sự của nhiều Bộ phận Thông công thuộc các đơn vị khác nhau. Đồng tử có thể vừa chấp cơ viết bóng cho vị Độc giả đọc đồng thời xuất khẩu cho bộ phận Điển Ký ghi chép. Thí dụ: trong Đại hội Chơn Giác Đồng Đăng tại Thánh tịnh Tam Thanh – Long An vào tháng 7 Quý Tỵ (1953) có 5 ban cơ thực hiện nhiệm vụ cùng một lúc.
 

dong tam

New member
LƯỢC SỬ NGHI THỨC BÁI LẠY

Theo những tài liệu sử còn lưu lại, buổi ban đầu của nền Tân Tôn Giáo Cao Đài các vị Tiền Khai Đại Đạo thuộc Nhóm Phổ Độ còn rất bở ngở với nghi thức hành lễ.

Sau khi Đức Chí Tôn vận chuyển cho hai Nhóm Vô Vi và Phổ Độ gặp nhau vào đêm mùng 9 tháng chạp Ất Sửu (22-2- 1926), Ngài Ngô Văn Chiêu đã hướng dẫn cho những người bạn đạo mới về cách thờ phượng Đức Cao Đài, một vài bài kinh và cách bái lạy lúc ban sơ.

Như hiện nay, chúng ta thấy có sự khác biệt trong hình thức “chấp tay” giữa các tín hữu Cao Đài Vô Vi và Cao Đài Phổ Độ. Chư vị tu Chiếu Minh vẫn chấp tay theo Nhị Kỳ giống bên nhà Phật, còn chư vị bên Phổ Độ chấp tay ấn Tý.
Theo thứ tự thời gian diễn tiến của các lời Thánh Ngôn liên quan đến lễ bái, chúng ta thấy lúc ban đầu các đệ tử đầu tiên của Đức Cao Đài Tiên Ông chưa biết đến cách bắt Ấn Tý và cách lấy dấu Tam Quy.
 

luutunha

New member
Chư vị tu Chiếu Minh vẫn chấp tay theo Nhị Kỳ giống bên nhà Phật, còn chư vị bên Phổ Độ chấp tay ấn Tý.

Nhiều người có thắc mắc tại sao phai Chiếu Minh không chấp tay Ấn Tý thì có phải người Cao Đài không? Vì chỉ nhìn bên ngoài thì không rõ nên người ta nghĩ vậy, hơn nữa cách tu của Đức Ngô căn bản là " ẩn " không lập giáo - tu tại gia, nên bên ngoài không thấy ấn tý nhưng khi ngồi tu luyện thì lại " ẤN TÝ ".
 

dong tam

New member
Trong Đạo Sử Xây Bàn, bà Chánh Phối Sư Hương Hiếu có ghi lại đoạn Thánh Ngôn ngày 18 tháng chạp Ất Sửu (31-1-1926) như sau:

Cư, Tắc, Sang muốn theo anh con vào xem hội Minh Lý?
Kỳ, có con Thầy mới cho ba đứa nó đi... Con chỉ những sự bái quị của Thầy buộc thế nào và cắt nghĩa cho nó hiểu...


(Anh Phủ Kỳ: những sự bái quị bên Minh Lý lạy đủ 12 lạy, còn bên Tam Kỳ Thầy cho mỗi lạy 4 gật thì 3 lần đủ 12 lạy)
Như vậy khi ấy, sau khi đi xem lễ bên Minh Lý Đạo, chư vị Tiền Khai Đại Đạo đã thực hiện nghi thức “bái quị” Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế kim viết Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát như thế nào? Phải chăng chỉ là cách chấp hai tay như bên Phật rồi lạy Trời mà thôi?

Lúc đầu cả 2 nhóm Vô Vi và Phổ Độ đều lạy Đức Chí Tôn chỉ có một lạy nhưng gật 12 cái. Chúng ta thấy hình thức bái lạy của phái Chiếu Minh vẫn được duy trì như lúc ban sơ, có ghi trong Kinh Cúng Tứ Thời phái Vô Vi, như sau:

“(…) thắp năm cây nhang.
Đứng ngay thẳng trước Thiên Bàn:
Xá ngay giữa một xá và niệm Nam Mô Phật, xá bên tay trái một xá và niệm Nam Mô Pháp, xá bên tay mặt một xá và niệm Nam Mô Tăng.
Kế đó quỳ xuống hai tay chấp năm cây nhang ấy để nơi ngực, niệm: Nam Mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát. Niệm rồi xá một xá, đoạn đứng dậy đem nhang cắm nơi lư hương trên Thiên Bàn.
(…) Xong rồi quỳ trước Thiên bàn lạy một lạy gật đầu sát đất 12 cái…


Như vậy, cách lấy dấu Tam Quy đã được Đức Chí Tôn hướng dẫn cho chư vị tiền bối vào khi nào? Lâu nay đây là một câu hỏi chưa có lời giải.
 

dong tam

New member
Chúng ta thấy trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển không có ghi nhận việc này. Và câu hỏi này đã luôn hiện diện trong đầu của chúng tôi trong suốt nhiều năm.

1. Lấy dấu Tam Quy:

1.1. Cách lấy dấu Tam Quy lúc ban sơ
Gần đây, nghe nói Tam Giáo điện Chi Minh Tân vẫn còn lưu giữ được tủ sách quý của Ngài Vương Quan Kỳ với nhiều đầu kinh sách đã được phát hành trong những năm đầu của Cao Đài giáo. Vào giữa tháng 9 năm Quý Tỵ (2013), chúng tôi đến xin phép để tìm tài liệu. Kết quả, chúng tôi đã tìm được một số kinh sách Cao Đài được xuất bản vào những năm cuối của thập niên 20 thế kỷ trước.

May thay, trong quyển “Kinh Tang Tế và Cầu Siêu” xuất bản vào cuối năm Đinh Mão, đầu năm 1928, nơi trang 28 và trang 29 có đoạn Thánh Ngôn sau:
Lễ Bái.
Ngọc Hoàng Thượng Đế, tá danh Cao Đài Tiên Ông, Đại Bồ Tát Ma Ha Tát, giáng cơ ngày 26 tháng chạp Ất Sửu 1925 , dạy lễ:
Chấp hai tay để lên trán niệm: Nam mô Phật.
Chấp hai tay để qua vai tả niệm: Nam mô Pháp.
Chấp hai tay để qua vai hữu niệm: Nam mô Tăng.
Chấp hai tay để trước ngực niệm: Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
Cúi lạy, tay trái bắt ấn Tý và gật đầu bốn lần và niệm: Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
Cũng còn quỳ đó, lạy đủ ba lần.


Đối chiếu đoạn Thánh Ngôn này với hướng dẫn bái lạy của nhóm Vô Vi, phải chăng chúng ta có thể đi đến kết luận rằng lời dạy này đã được Đức Cao Đài hướng dẫn chung cho chư vị Tiền Khai của cả hai nhóm.
 

Facebook Comment

Top