- Sáu là HÀNH ĐẠO:
Hành đạo là bước đầu xây dựng nền tảng âm chất vững chắc cho tòa lâu đài thánh thiện. Nhờ hành đạo mà các hàng Thần Thánh Tiên Phật càng ngày càng được phẩm vị cao siêu.
Tu thân và hành đạo phải gắn liền nhau như gấm thêu hoa. Tu thân và hành đạo cần phải được hỗ tương nhau để tiến hóa. Nếu hành đạo mà không tu thân là thiếu căn bản lương thiện. Nếu tu thân mà thiếu hành đạo thì sự tiến hóa bị chậm trễ không biết ngần nào.
Cùng loài sâu từ con bướm đẻ trứng, trứng nở thành sâu, nếu con sâu ấy có biết chăm sóc nuôi dưỡng sẽ trở thành tằm kéo tơ phục vụ loài người, công quả đáng kể. Cũng loài sâu, nếu không người, không sự chăm sóc nuôi dưỡng thì sâu cũng là sâu không ngày thành bướm.
Việc Hành đạo lập công bồi đức cũng được các Đấng Thiêng Liêng dạy:
▪ "Sự hành đạo lập công bồi đức là tự cải tiến cho mình trở nên hàng thánh thiện. Ví như người trèo cây hoặc leo núi, đi lên thì thấy bao nỗi khó khăn, nhưng đã trỗi được từng bước một là đã được gần tới điểm cao, nếu quày trở xuống thì rất dễ dàng có nhiều sự giúp sức cho trở xuống.
Thế nên Thánh xưa có nói vài câu đơn giản... "Quân tử ưu đạo bất ưu thực" hoặc "Quân tử ưu đạo bất ưu nhàn" hay "Chí quân tử thực vô cầu bảo, cư bất cầu an". Bởi vì tất cả nhu cầu tạm bợ đã có tạm đủ, không phải bận tâm cho lắm, để có thì giờ thực hành đạo sự là vậy đó."
[Đức Lý Giáo Tông , Thánh Giáo Nguyên Bổn số 5 tr3]
▪ “Vẫn biết rằng các em có thể ở tại nhà giữ đạo, ăn chay tứ thời tụng niệm, lúc nào siêng thì đi chùa thất, lúc nào không siêng thì nằm nhà, lâu lâu gởi giúp ít nhiều tiền bạc để cho danh mình còn dính líu cũng được, không ai có quyền ép buộc. Như vậy cũng khá hơn những chị em khác không làm được vậy, hoặc những chị em khác nữa lại còn bê bối hơn.
Lời tục thường ví: "Một đám người mù, kẻ chột làm vua". Chị muốn hỏi, các em muốn làm vua chột chăng? Hay là làm một người có đủ nhãn quan hành đạo tế thế an bang nhưng trong phạm vi vô danh, chẳng chức tước, không vị ngôi?
Các em ơi! Một khúc gỗ to, từ dốc cao lăn xuống gây cho nhiều người chết chóc tàn tật cũng là khúc gỗ. Khúc gỗ khác vùi lấp dưới bùn sình, theo tuổi thời gian rất hiền lành không gây hại ai hết. Nhưng cũng có một hoặc những khúc gỗ khác được đem ra cưa bào đục chạm sơn son phết vàng tạc nên hình bạch mã thờ ở đình Thần hoặc tượng hình hạc qui để nơi các Thánh Đường hay tạc hình ông tà ông tướng để thờ các nơi miểu môn am tự hằng ngày có nhơn sanh sùng bái chiêm ngưỡng làm Thần Thánh. Các em muốn mình sẽ là những khúc gỗ nào hở các em?
… Sự lễ bái, tụng kinh, ăn chay, niệm Phật là phương tiện để cho thân được an tâm được định, tánh được thuần, nghiệp quả sớm tiêu mòn để không còn nhiều chướng ngại vật khảo đảo thân tâm các em.
Vì vậy mà chị khuyên các em, ngoài những lãnh vực thường thức hằng ngày ấy, phải thêm công khó giúp đời mới tạo được vốn liếng âm chất ở phần vô vi thiêng liêng vĩnh cửu."
[Đức Vân Hương Thánh Mẫu, Thánh Giáo Sưu Tập 1969, tr221]
Kết hợp cả hai giai đoạn Tu Thân Lập Hạnh và Bồi Công Lập Đức, chúng ta hãy đọc tiếp đoạn Thánh giáo sau của Đức Liên Hoa Thánh Mẫu:
"Thiêng Liêng thường dạy các môn đồ tu thân lập hạnh bồi công lập đức, nhưng người hiểu được chấp hành được, kể ra cũng hiếm có.
Do đó, trong hàng chức việc chức sắc Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ nói riêng và trong lãnh vực các tôn giáo khác nói chung, thường vấp phải và tự thán rằng tôi đã nhiều tuổi đạo, đã tốn phí lắm của nhiều công, đã hy sinh những thụ hưởng xa hoa phù phiếm để phục vụ đạo lý nhưng sao thường khi lại bị đồng đạo khinh thường gièm pha chỉ trích, đừng nói chi đến kính nể mến yêu.
Đó là tại chưa hiểu và chấp hành được tác phong đạo đức và công đức phẩm hạnh."