Mời quý htdm đọc tiếp phần NGOÀI DA GIÁO LÝ về THIÊN NHÃN
II. Ý NGHĨA VIỆC THỜ THIÊN NHÃN:
Thờ Thiên Nhãn là thờ một con mắt trái với các ý nghĩa sau:
1. Người bình dân thường nói "Trời cao có mắt" ý muốn nói Thượng Đế nhìn thấy tất cả mọi hành động, tư tưởng của mỗi người. Như vậy người tín đồ dặn lòng phải luôn thận trọng trong mọi cử chỉ, lời nói, ý nghĩ cho được chơn chánh. Thí dụ:
Bài Kinh Ngọc Hoàng Bửu Cáo có câu:
“Càn Kiện cao minh, Vạn loại thiện ác tất kiến.”
Dịch nghĩa: Ngôi Càn mạnh mẽ, cao vợi, sáng tỏ. Việc lành dữ của muôn loài đều thấy rõ.
Bài Kinh Cầu Giải Bệnh có câu:
“Trên Ngọc Đế mắt Thần soi khắp;
Trí công minh sửa phạt phàm gian.”
Thánh giáo:
- Đức Chí Tôn dạy: Trong thời gian Đại Lễ Khai Minh Đại Đạo, tại thánh thất ở Gò Kén trong lúc thâu nhận người xin nhập môn, Thầy ban ơn để lời dạy dỗ:
[Đạo Sử Xây Bàn 2 – Hương Hiếu, Samedi 27 Novembre 1926 (23-10 Bính Dần)]
“Phan Văn Võ:
Tai phân nạn trả lẽ thường thường,
Chớ tưởng mắt Trời ngó thiếu phương;
Non Thái dầu cao, cao hóa thấp,
Chậu kia dầu kín thấy thông thương. Thâu
Hồ Văn Cho:
Thông thương ngó rõ tánh lòng người,
Con chớ tưởng lầm tiếng nói chơi;
Ví thử Thầy cho con đặng phép,
Làm sao cho khuất bóng Thần ngươi. Thâu
Tr. Văn Giáo:
Thần ngươi xem khắp cả Càn Khôn,
Coi khắp nhơn sanh với giữ hồn;
Nếu trẻ biết quyền cầu khẩn thử,
Sang năm đổi số lạnh ra ôn. Thâu”
Ngày mùng 2 tháng 11 Bính Dần, Đức Chí Tôn dạy tiếp:
Nguyễn Văn Nén:
Nén hương đưa đủ nguyện lòng đưa,
Thầy khá khen cho tánh dối lừa.
Trời để mắt xem đời thiện ác,
Dữ răn lành thưởng thấy hay chưa?
Khá cải tà qui chánh nghe. Thâu.
Tiếp theo ngày mùng 6 tháng 11 Bính Dần, Đức Chí Tôn dạy:
“Mi – Trừng nhãn kiến giữa không trung,
Choán khắp càn khôn đã thấu lòng;
Đặng dạ nhơn sanh chưa phải dễ,
Đạo mầu khởi lập xuất nơi Đông. Thâu”
Và trong Kinh Tu Chơn Thiệp Quyết:
“Sách chép chữ khôi khôi Thiên võng,
Đời ghi câu: lộng lộng lưới giăng;
Nhặt thưa, mau chậm cân phân,
Mựa rằng sơ sót, mắt Thần không sai (…)
Đời hằng nói: Trời cao có mắt,
Sách thường biên: Thái nhứt vô hình;
Minh mông đồ sộ rộng thinh,
Mà soi xét đủ tình hình thế gian.
Đừng tưởng Trời cao mà giả dối,
Mắt Thần như chớp, khó phui pha.”
Trong Chơn Lý Hiệp Tuyển có đoạn:
“Phải biết rõ Trời trên có mắt,
Những việc làm dè dặt từ ly;
Việc làm phải khá xét suy,
Bảy lần uốn lưỡi trước khi ra lời.”
- Đức Lý Giáo Tông nói:
“Lưới Trời đất thưa mà chẳng lọt,
Mắt Thần soi không sót mải hào;
Ai người hiểu lý cao sâu,
Đừng rằng Tạo Hóa cơ cầu trớ trêu.”
- Đức Mẹ cho một bài học cụ thể:
“Kẻ khác nữa Phật đài nương bóng,
Tứ thời nghe chuông trống rình rang;
Nhưng về tiền bạc tính toan,
Phân minh sổ sách không an chút nào;
Con biết sợ Trời cao có mắt,
Lại ngán người khuất mặt chép ghi;
Một đồng một chục chi chi,
Phân minh sổ sách chẳng li mảy nào.
Đó điển hình mấy câu thí dụ,
Để cho con ghi chú học bương;
Những gì là cái tầm thường,
Những gì là cái phi thường vân vân (...)
Con còn mang xác thân thế tục,
Con còn sanh trong lúc tuổi đời;
Vì cơm áo phải đua bơi,
Sớm trưa tần tảo cho đời ấm no.
Nhưng mưu sinh đừng cho bạc ác,
Sống một đời tiền bạc hiền lương;
Mồ hôi một nắng hai sương,
Cháy da phỏng trán thủ thường ấm no.
Đừng cao vọng so đo kẻ khác,
Làm cho nhiều tiền bạc phô trương;
Rồi gây hành động bất lương,
Rồi gây nghiệp xấu trên đường tiến thân.
Người tu học thà cần cù khổ,
Hơn sang giàu lố nhố lăng nhăng;
Cũng thời tìm kiếm miếng ăn,
Dữ lành hai nẻo khá toan lọc lừa.”
[Đức Mẹ, Thánh Tịnh Kim Thành Long, 18.02 Quí Sửu (22.3.1973)]
Người tín hữu tập xa dần mùi chung đỉnh, bởi vì người tu ý thức đó là những trói buộc cản trở bước đường sứ mạng vi nhơn:
“Lời thường ví Trời cao có mắt,
Sanh nhằm kỳ mạc trắc phong vân;
Còn ham bã đỉnh chung trần,
Trăm năm phải chịu vùi thân bụi hồng.”
Con người, nếu đã tin “Trời cao có mắt” thì hãy suy gẫm lời khuyên “chớ khinh thường đạo đức – mọi việc đều có báo ứng theo luật Nhân Quả”:
“Nếu đời biết Trời cao có mắt,
Thì lẽ đâu vướng chặt tội tình;
Bỡi chưng đạo đức thường khinh,
Một câu báo ứng chẳng tin nên lầm.”
(Cao Đài cơ bút)
Hàng Thiên ân Sứ mạng phải luôn nhớ lời của Đức Chí Tôn:
“Nầy, Thầy nói cho các con biết rằng: Chẳng giờ phút nào mà mắt Thầy không chăm nom gìn giữ các con, Thầy đợi xem cho rõ coi cách các con lập vị mình dường nào.”
Như vậy người tín hữu Cao Đài, từ chức sắc cho đến tín đồ phải luôn tâm niệm như lời dạy của Đức Mẹ:
“Họa chữ Tâm trên dòng Thiên Nhãn,
Cho ma vương chẳng dám lăng loàn;
Để con đường thẳng bước sang,
Khỏi ai trì kéo đặng an tinh thần.” [Đức Diêu Trì Kim Mẫu, Thi văn sưu tập Tây Ninh]
Nghĩa là phải ý thức: trong lòng luôn chỉ có một con đường thẳng hướng về Đức Chí Tôn (Thiên Nhãn), lúc nào cũng nghĩ rằng: luôn luôn có Thầy ngự trị bên mình để cố gắng vượt qua những cám dỗ của ma vương lục dục thất tình.
(còn tiếp)