TIỂU SỬ
Ngài Nguyễn Văn Miết – MINH THIỆN
Cố ĐỊNH PHÁP TỔNG LÝ
TAM GIÁO TỔ SƯ gia phong:
BÁC NHÃ THIỀN SƯ – TAM TÔNG PHÁP CHỦ
--- ---
Ngài Minh Thiện sinh năm Đinh Dậu (tháng 8-1897) trong một gia đình đạo đức Nho giáo tại tỉnh Long An, làng Lợi Bình Nhơn. Thân phụ Ngài là ông Tôn Văn Thi, cũng là Minh Lý môn sanh (MLMS), nhập môn ngày 02-9-1926, pháp danh Hiệp Nhứt. Thân mẫu Ngài là bà Lâm Thị Chợ nhưng quê nội xưa kia ở trấn Củ Chi, huyện Hốc Môn, sau đến đời ông thân Ngài mới dời về Long An. Ngài còn 4 người chị em nữa là: chị cả Tôn thị Kỷ, em gái là Tôn Thị Thân – MLMS pháp danh Toàn Lạc, Tôn Thị Sáu – MLMS pháp danhToàn Kiết và em trai Tôn Văn Lâm – MLMS pháp danh Chí Giác.
Ông thân Ngài là một Nho gia, tu theo phái Minh Sư, giữ công phá cách, siêng làm các việc phước thiện. Ngôi nhà nơi gia đình cư ngụ có dành nơi để thờ phượng và cúng lễ theo phái Minh Sư. Khi song thân Ngài qua đời, các con cháu trong gia đình đều lên thành phố sanh sống tạo sự nghiệp, nên ngôi nhà bỏ không, nhờ các đạo hữu Minh Sư chăm nom săn sóc và về sau hiến luôn cho chi phái Minh Sư làm Thánh đường cúng bái. Đến nay tại Thánh đường chỉ còn có hai vị sư cô, nên đã xin gia nhập vào Chùa Thiên Khánh thuộc Tỉnh hội Phật giáo Long An để hoạt động.
Ngài Minh Thiện từ nhỏ được gia đình cho học chữ Nho, cho đến khi phong trào học chữ quốc ngữ để đi làm nổi lên thì ông thân Ngài dẫn đến trường xin nhập học, nhưng trường đòi phải nộp khai sanh - mà Ngài chưa có. Vì thời kỳ ấy ở các làng xóm, gia đình nhân dân chưa có ý thức phải làm khai sanh khi sanh con nên Ngài Minh Thiện chưa có khai sanh để nhập học. Ông thân Ngài liền dẫn đến ông Chánh Lục bộ để xin làm khai sanh. Ông này hỏi đặt tên gì? Ông thân Ngài không kịp suy nghĩ mà nói liền một cái tên bình dân là tên một loài trái cây ở địa phương là Mít, mà cũng không nói họ gì. Ông Chánh Lục bộ liền viết vô bộ (mà chắc ông này cũng học Việt ngữ chưa thông nên cho liền họ tên là Nguyễn Văn Miết – thay vì là Mít). Việc này, chúng tôi được Ngài Minh Thiện kể lại khi dạy giáo lý lúc còn sanh tiền.
Ngài theo tân học cho đến khi ra làm việc với chánh phủ thời bấy giờ được gọi là công chức chánh ngạch. Có thời gian Ngài ra làm việc tại Côn Đảo mấy năm. Ngài mục kích lắm chuyện đau thương, thấy nhiều người đau khổ đến độ muốn chết đi cho rãnh, mà chết đi cũng không được. Thấy rõ cuộc đời là bể khổ, sầu đau, nên từ đó Ngài đã hướng tâm chí mình về đường đạo đức.
Gặp thời Tam kỳ Phổ độ, Đạo Minh Lý ra đời, Ngài là một trong sáu vị khai sáng viên nền Đạo. Sau đây là các thời kỳ hành Đạo của Ngài:
- Nhập môn năm Ất Sửu, tháng 5-1925, được pháp danh MINH THIỆN tịch Đạo.
- Thanh Tịnh Sư ngày 04-4-1930. Theo lệnh Trên, Ngài xin nghỉ hưu về lảnh nhiệm vụ Chủ trì từ ngày 6-6-1938 cho đến ngày 21-9-1952 mãn nhiệm kỳ.
- Nhập tự năm 1955.
- Khiết Tịnh Sư ngày 21-8-1965.
- Vĩnh Tịnh Sư ngày 20-10-1965.
- Siêu Tịnh Sư ngày 6-8-1967.
Từ quan về, Ngài đã là một vị công chức cao cấp ở chức Huyện và khi nghỉ hưu, Chính phủ có nghỉ đến công lao phục vụ đã phong Ngài lên chức Phủ. Việc này Ngài đã kể lại cho chúng tôi và nói thêm là đã tu rồi mà sự đời vẫn đeo đuổi.
Ngài quy tiên ngày 16-11 Nhâm Tý (1972) vào giờ Tý, trùng ngày Vía Đức A Di Đà Phật. Vừa thoát xác thì Ngài được Tam Giáo Tổ Sư phong cho Thánh vị là Bác Nhã Thiền Sư Tam Tông Pháp Chủ. Khóa tịnh 4 khối năm 1974 được Đức Trần Hưng Đạo, Lê Đại Tiên và Vạn Hạnh Thiền Sư cho 10 vế xưng tụng công đức là bài “Xưng Tụng Công Đức” hiện nay.
Khi lập gia đình, người hôn phối của Ngài là Lâm Thị Hộ cũng nhập môn Minh Lý năm 1925 với pháp danh Diệu Ngươn. Bà mãn phần ngày 18-3-1953 với cấp bậc Thanh Tịnh Cô và được ân phong là Diệu Duyên Nương Nương.
Vì thấy Ông bà không có con nên người em là bà Toàn Lạc mới đưa một cô con gái làm con nuôi cho Ông bà hủ hỉ. Đó là cô Nguyễn Kim Tuyết, nhập môn với pháp danh là Tịnh Nhứt và lập gia đình với ông Nguyễn Vĩnh Nghi cũng là một môn sanh Minh Lý pháp danh là Thanh Thể, hiện nay sống ở bên Mỹ với hai cô con gái.
Tường Định
- biên soạn –
Đàn số: 23R/74 BNTĐ Ngày 15 , tháng 11 năm Giáp dần
ĐT: Khai Tịch
ĐG: Khai Tinh
ĐK: Khai Sắc (28-12-1974 )
PĐ: Khai Minh --- oOo ---
T A M Giáo dạy đời chỉ một tâm,
TÔNG chi chia chẻ mới sai lầm.
PHÁP môn đốn tiệm tùy phương tiện,
C H Ủ trợ dương thần chế ngự âm.
BẦN ĐẠO chào chư thiên ân, chư đạo tâm nam nữ.
Giờ nầy BẦN ĐẠO lâm đàn cùng chư môn sanh có mấy lời khuyên dạy, chư nam nữ an tọa
T H I :
Khai Sắc bạch….
Chấp thuận.
Góp mặt trần gian đã lắm lần,
Thờ Trời, giữ Đạo, sự quân dân.
Khi cùng VẠN HẠNH dung tam tế,
Lúc với MINH KHÔNG luyện pháp thần.
Đất Việt Tam kỳ tuyên sứ mạng,
Trời Nam vạn pháp hội canh tân.
Chịu ơn Thiên lịnh khai MINH LÝ,
“Bác Nhã Huyền Môn” tự lãnh phần.
HỰU
Lãnh phần dìu dắt các môn sanh,
Theo gót THIỀN SƯ đến cõi lành.
Giới hạnh giồi trau, nên thánh thiện,
Pháp quyền tinh luyện, độ nhơn sanh.
Nữ nam hàng ngũ ra nghiêm chỉnh,
Tài đức thiên ân sớm trưởng thành.
Sâu rộng trong ngoài thông lợi tiện,
Gia đình MINH LÝ mãi thơm danh.
Ngày nầy năm xưa, BẦN ĐẠO còn có mặt cùng chư đạo hữu cộng ưu, cộng lạc, vui khổ có nhau, chung sống trong quyền-pháp, không ngoài mục đích chánh kỷ hóa nhơn, hoàn thành sứ mạng. BẦN ĐẠO vì nặng mang xác phàm, dầu tiền kiếp có căn Tiên cốt Phật, cũng không sao tránh được nghiệp chướng làm trở ngại bước tu.
Bước đầu gặp không biết bao nhiêu sự khó, tấn thối lưỡng nan, nhưng cũng cố gắng lấy lòng mình vận dụng, tạo nên cơ sở pháp-quyền. Nay được cởi lốt phàm, nhìn lại cơ đồ MINH LÝ còn quá nhỏ bé, mà BẦN ĐẠO chỉ đặt một vài viên gạch, đắp lên một ít be hồ.
Muốn có một lâu đài, còn phải công dài của chư thiên ân nam nữ một sự cố gắng rất nhiều, ai nấy cũng nổ lực bình sanh vì đại nghĩa, đại cuộc mà quên mình, để tương lai có nơi, có chỗ thi hành sứ mạng. Điều cần nhứt là BẦN ĐẠO khuyên chư thiên ân nên vì bá vạn sanh linh mà dành cho công cuộc hoằng dương Chánh-pháp một phần cá hữu của mỗi người, để đóng góp vào công nghiệp vĩ đại nầy cho thành tựu……..