Tìm hiểu về Tuần cửu, Ý nghĩa, cách tính tuần cửu và thực hiện cúng tuần cửu

truongtam

Administrator
truongtam xin chào quý Huynh Tỷ,
Trong nghi thức tang lễ từ khi có Đạo hữu quy vị thì có tổ chức cúng tuần cửu, từ sơ cửu cho đến cửu cửu rồi tới tiểu tường đại tường. Nhưng đệ mới tìm hiểu đề tài này nên giáo lý giáo sử chưa nắm bắt hết.
+ Vấn đề đệ muốn tìm hiểu là xuất sứ ở đâu về cách tính cửu này, ai đã dạy cho môn đệ Cao Đài thực hiện nghi thức cúng tuần cửu ...
+ Ý nghĩa về những bài kinh tuần cửu đệ cũng đọc trong những tài liệu giải nghĩa kinh thiên đạo thế đạo nhưng còn mơ hồ lắm (giải nghĩa chỉ thấy toàn giải thích ở cõi vô hình, theo ý kiến cá nhân).
Trong những ngày tuần cửu đến đại tường thì gia quyến phải làm những gì để cầu siêu cho vong linh người mất được nhẹ nhàng siêu độ
 

dong tam

New member
Truongtam

Đệ hãy đọc Lời tựa quyển KINH THIÊN ĐẠO và THẾ ĐẠO của Hội Thánh Tây Ninh thì bước đầu sẽ hiểu được xuất xứ của Tân Kinh (Cửu cửu, Tiểu tường và Đại tường)

Tiếc là những Thánh giáo ban các kinh này và hướng dẫn nghi thức lại chưa từng được phổ biến.

Về điều kiện để được hưởng Tân pháp cửu cửu, v.v... hãy tìm đọc trong phần Hướng dẫn vào năm Mậu Dần - 1938 của Tòa Thánh Tây Ninh, đã từng được quý vị bên Tây Ninh giới thiệu trên trang web này cách nay vài năm.
 

Tindo

New member
Kính cùng quý ACE
Ngoại trừ bài "Lời khải thị âm hồn, cô hồn" ra, Tindo thuộc hết những bài kinh trong Kinh Tận Độ (trong đó có Kinh cúng tuần cửu, Tiểu Tường, Đại Tường). Nhưng chỉ thuộc suông thôi còn phần ý nghĩa lời kinh thì phải nói 2 từ ngắn gọn "không biết".
Hy vọng qua chủ đề này Tindo sẽ hiểu biết hơn về nội dung của những bài kinh Thiên Đạo và Thế Đạo
Kính lời
Tindo
 

truongtam

Administrator
Kính quý huynh tỷ,
Vì đọc cuốn Kinh của Tòa Thánh Tây Ninh để tìm hiểu hơn về Kinh Thiên Đạo Thế Đạo nên đệ mới đặt câu hỏi này, vì thấy cũng tâm đắt với đề tài mình nghiên cứu (tự đặt đề tài ra thôi) nên mới tìm hiểu nguồn gốc ban đầu. Đệ tin rằng chắc hẳn phải có ơn trên dạy Thánh giáo về những bài kinh này thì mới được phổ biến rộng rải như vậy. Đệ không mong được tìm hiểu giáo lý sâu xa ở đâu, đệ chỉ muốn tìm hiểu nguồn gốc của mấy bài kinh này thôi (Thánh giáo ơn trên dạy). Nếu huynh tỷ nào gần nơi "nguồn cội" thì giúp đệ sưu tầm với, vì điều kiện không có nên đệ chưa thể tự đi tìm hiểu được. Chính vì kinh sách thì đã đọc mà ý nghĩa thì không hiểu gì, cũng giống như có thuyền mà chẳng biết chèo, chứ chèo lái qua lái lại chứ chẳng tiến tới trước được. ^^
Đệ xin cám ơn
 

dong tam

New member
Nhu cầu của truongtam là khó đáp ứng!

Thí dụ: tìm đâu ra Thánh ngôn dạy phải mặc đạo phục Bạch Y!
hay Thánh Ngôn nào dạy Đạo Kỳ Tam Thanh, v.v...

Vậy đệ hãy tự thân vận động "tự cường bất tức" đi tìm mà thôi.
 

Tindo

New member
Kính cùng quý ACE
Tindo nghĩ rằng huynh Trần Văn Chí có thể đáp ứng được yêu cầu của truongtam. Nhưng dạo này không thấy huynh ấy đâu cả (hổng biết mất tích phương trời nào rồi)
Kính
 

dong tam

New member
truongtam viết:
"Trong những ngày tuần cửu đến đại tường thì gia quyến phải làm những gì để cầu siêu cho vong linh người mất được nhẹ nhàng siêu độ."

Để đáp ứng phần nào, huynh góp ý:

Sau khi tuyên bố sự hiện diện của Cao Đài giáo theo luật định và tiến hành đăng ký hoạt động tôn giáo với nhà cầm quyền đương thời vào giữa quý 3 năm Bính Dần 1926, trong lần đầu tiên thực hiện việc Phổ Độ suốt một tháng theo lệnh của Đức Chí Tôn, chư vị Tiền Khai Đại Đạo đã phát hành Tờ Phổ cáo Chúng sanh có nội dung chánh yếu trình bày một số điểm căn bản theo quan điểm của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ qua một số lời dạy của Đức Cao Đài Giáo Chủ.

Một trong những trọng điểm ấy là “Tu cứu độ Cửu Huyền Thất Tổ”. Chư vị Tiền Khai đã viết:

“... Nay trống Lôi Âm đã giục, chung Bạch Ngọc đã rung, xin chư thiện nam tín nữ hồi tâm tỉnh ngộ, lo tu tâm dưỡng tánh mà chen bước vào đường đạo đức cho kịp thời Tam Kỳ Phổ Độ nầy.

Gẫm xét cho cùng tột rồi, chẳng vinh diệu nào cho bằng chịu khổ hạnh nâu sòng, lập âm chất công quả hầu siêu rỗi cho tiền bối nơi chín suối.

Chưởng đức lưu truyền lại cháu con, ráng công phổ độ, cứu vớt nhơn sanh khỏi nơi trầm luân khổ hải và chính mình đặng cải tà quy chánh, thoát kiếp luân hồi.

Ấy là sở hành cao thượng vô cùng
.”

1. Cửu Huyền Thất Tổ là một khái niệm Nhân Bản về mối liên hệ giữa người sống và những người đã khuất. Một quan niệm theo Nho giáo về trực hệ nếu lấy bản thân mình làm trung tâm thì sợi dây liên hệ giữa mình với 4 đời trên liên quan đến phụ mẫu và 4 đời dưới, cộng lại tất cả được 9 đời nên gọi là Cửu Huyền. Còn Thất Tổ là 7 đời tổ tông gồm chung, bắt đầu từ cha mẹ của mỗi người ở kiếp hiện tại lui trở lại quá khứ, bao gồm cả ông bà bên nội và bên ngoại.
Tập sách mỏng này, khởi đầu được kết tập lại chín bài soạn đã được trình bày trong mùa cầu siêu tháng bảy hàng năm ở những Thánh thất Thánh tịnh, bắt đầu từ những năm giữa thập niên 90 của thế kỷ 20 cho đến nay.

Qua những lời giáo huấn Thiêng Liêng cũng như từ những kinh nghiệm thực tế được kể lại của các chơn linh đã được “đại ân xá” siêu rỗi hay các vong linh đang trông mong chờ kết quả công đức được hồi hướng từ thân nhân và bổn đạo. Nay chúng tôi soạn lại và trình bày theo diễn tiến lịch sử của cơ cứu độ Kỳ Ba.

Nguồn tài liệu sử dụng được trích dẫn từ Thánh giáo của nhiều Hội Thánh trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

2. Chúng ta sẽ thấy việc thực hiện cầu nguyện siêu độ cho vong linh của bá tánh và tín hữu Cao Đài đều bắt nguồn từ những lời dạy của Đức Chí Tôn và các Đấng Thiêng Liêng.

Cho dầu trên thực tế hiện nay trong Cao Đài Giáo có nhiều Hội Thánh nhưng phần nghi lễ cầu siêu và cách thực hành của tín hữu các nơi vẫn căn bản dựa theo những lời dạy của Ơn Trên ngay từ khi Đức Chí Tôn mới Lập Đạo Cao Đài.

Chính vì thế một trong những bài đầu tiên chúng tôi giới thiệu, mang tính chất liên quan đến Đạo Sử là bài “Nguồn gốc Lịch Sử của Lý Đạo Tu Cứu Độ Cửu Huyền Thất Tổ”.

3. Kế đó bài “Gương Tiền Khai Đại Đạo Cứu Độ Cửu Huyền Thất Tổ” là những kinh nghiệm thực tế chứng minh cho giá trị, kết quả con đường sứ mạng trong Tam Kỳ Phổ Độ.

Khảo sát Thánh giáo của các Hội Thánh hay tổ chức trong Cao Đài giáo chúng ta dễ dàng nhận ra mô thức tổng quát luôn được Thiêng Liêng áp dụng như đã thực hiện từ Hội Thánh đầu tiên của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

Đó là qua cơ bút, những lời Thánh giáo được Ơn Trên hướng dẫn cung cấp cho các tín hữu Cao Đài hiểu Lý Đạo của việc siêu độ cũng như những phương cách thực hành hầu mang lại kết quả tốt nhứt.

Một số chơn linh được hưởng kết quả siêu độ từ bổn đạo và thân nhân được Thiêng Liêng ban ân trở lại thế gian qua linh điển thăm viếng gia quyến và bạn đạo góp phần làm nên những bài học sống động từ lý thuyết đến kinh nghiệm thực tế góp phần gia tăng đức tin cho bạn đạo.

4. Đã là tín hữu Cao Đài có thực hiện nhiệm vụ của người tín đồ không ai không thuộc một bài kinh căn bản trong việc hộ niệm siêu độ là bài “Kinh Cầu Siêu”, luôn luôn được dùng để cầu nguyện các Đấng Thiêng Liêng ban ân cho linh hồn người mới lìa trần hay vong linh quá vãng thoát ra khỏi A Tỳ. Vai trò của những Đấng này là gì trong ơn cứu độ vong linh sẽ được dẫn chứng qua những thí dụ cụ thể.

5. Và như thế, quan niệm của Cao Đài giáo về chốn “A Tỳ” có gì khác với quan niệm truyền thống của dân gian và các cựu giáo cũng được giới thiệu qua một vài câu chuyện của vong linh.

Đồng thời những chỉ dẫn cần thiết về phương pháp thực hành cũng được cung cấp để giúp cho người sống cứu độ thân nhân quá vãng đang đền tội xưa.

6. Một trong những Đấng Thiêng Liêng có vai trò quan trọng trong việc độ vong thoát khỏi A Tỳ trong tâm thức của người Châu Á nói chung hay người Việt nói riêng là “Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát”.

Trong Tam Kỳ Phổ Độ vai trò của Ngài thể hiện trong việc độ tử là những gì và lý siêu độ của Ngài: “Theo luật công bình nghĩa là có tu mới siêu thăng đắc quả” được thể hiện bắt đầu từ việc độ sanh.

7. Vì thế bài viết “Tu Công Đức Cứu Độ Cửu Huyền Thất Tổ” được bắt đầu từ chuyện kể của Đức Quan Thế Âm vào đàn cơ ngày 14 tháng 7 năm Đinh Mùi về Lương Võ Đế và Hoàng Hậu Hy thị.

Qua đây, một lần nữa Ơn Trên nhắc lại cho chúng ta hiểu cần phải phân biệt giữa Phước Đức và Công Đức, chỉ rõ cho thấy kết quả công đức có được không phải bởi vật chất mà chánh yếu nhờ vào tâm thanh tịnh. Như thế, tấm lòng hay tư tưởng của chúng ta mới là căn cội cho kết quả của việc bồi công lập đức. Qua đây, giúp cho chúng ta xác định một điểm trọng yếu.

8. Chìa khóa cho đường tu học hành đạo của người tín hữu Cao Đài là câu kinh “Đạo Gốc bởi Lòng Thành Tín Hiệp”. Câu kinh này sẽ được giới thiệu ở góc độ ứng dụng cụ thể vào việc cầu nguyện và thực hành để trợ giúp cho thân nhân quá vãng được siêu thăng tịnh độ.

9. Tóm lại, một nguyên lý căn bản cần phải ý thức thực hành để mang lại hiệu quả cứu độ linh hồn những người đã khuất được Thiêng Liêng đúc kết trong tinh thần phổ độ của giáo lý Kỳ Ba là “Tu giả độ nhơn. Độ nhơn độ kỷ, độ kỷ độ Cửu Huyền Thất Tổ thị chi hiếu dã

“Phòng bệnh hơn trị bệnh” là một nguyên tắc căn bản trong đời sống. Vì thế không phải đợi đến khi ông bà cha mẹ, thân nhân đã ra người thiên cổ rồi mới lo đến việc siêu rỗi để trả hiếu.

Trái lại qua những lời Thánh giáo trong Tam Kỳ, giúp cho chúng ta hiểu cần phải làm những gì có ích cho phần tâm linh của thân nhân mình ngay từ khi quý vị vẫn còn trên dương thế cũng như sau khi đã qui liễu, được đúc kết lại qua bài viết “Quan niệm về Đạo Hiếu trong Tam Kỳ Phổ Độ”.

Xin chân thành cảm ơn và tiếp tục đón nhận những ý kiến quý báu của các huynh tỷ đệ muội đã đóng góp công sức và ý kiến giúp cho quyển thứ nhứt của chủ đề lớn này được hoàn chỉnh.

Chúng sẽ được dùng để rút kinh nghiệm cho quyển thứ 2 sẽ được ra mắt tiếp theo vào mùa cầu siêu năm Nhâm Thìn (2012).

Hy vọng rằng qua nội dung những lời Thánh Ngôn và Thánh giáo của Ơn Trên về mảng đề tài này sẽ giúp định hướng cho các tín hữu Cao Đài chúng ta có được những bài học đạo lý căn bản để đức tin gia tăng và nỗ lực thực hành trên đường độ sanh tự độ gia quyến đồng thời góp phần độ tử siêu độ cho tha nhân.
 
Sửa lần cuối:

dong tam

New member
KHÁI NIỆM CỬU HUYỀN và THẤT TỔ

- Cửu Huyền Thất Tổ gồm những ai? Chúng ta hãy xem đoạn Thánh giáo lời Đức Chí Tôn dạy sau đây:

Thi bài
Con chưa rõ Cửu Huyền Thất Tổ,
Thầy vui lòng chỉ chỗ chưa rành;
Kể từ phụ mẫu sơ sanh,
Cũng nhờ tổ đức lập thành chánh chơn.
Người chưa rõ nguồn cơn trong đó,
Nên dễ ngươi (duôi) đành bỏ rã rời;
Từ con lên đó năm đời,
Từ con đó xuống bốn đời chia ra.
Trong đó ngũ sớt ra làm chín,
Gọi huyền tôn là chính Cửu Huyền;
Hiệp thành là Cửu hóa Nguyên,
Kể trong cửu tộc lưu truyền không sai.
Đếm từ chín bớt hai còn bảy,
Là bảy ông thảy thảy kêu chuyền;
Gọi là Thất Tổ chí nguyên,
Nên kêu Thất Tổ hậu tiên không lìa.
Thân con đứng vững chia vay trả,
Vay ơn dày thì trả nghĩa sâu;
Tại vầy nên phải lo tu,
Lo tu đặng độ đền bù nghĩa nhân
.”

Theo Kinh Lễ của Đức Khổng Tử dạy thì Cửu Huyền Thất Tổ gồm:

▪ Cửu Huyền: Ông Sơ, Ông Cố, Ông Nội, Cha, Mình, Con, Cháu nội ngoại, Chắt, Chít.

Vậy lấy Mình ở vị trí giữa thì bên trên có 4 bậc và dưới cũng có 4 bậc

▪ Thất Tổ:
Cha Mẹ đã mất,
Ông Bà Nội, Ông Bà Ngoại,
Ông Bà Cố Nội, Ông Bà Cố Ngoại,
Ông Bà Sơ Nội, Ông Bà Sơ Ngoại.

Có thể có vài quan điểm khác nhau về Cửu Huyền Thất Tổ. Với cách tính ở trên đó là trực hệ (lấy họ Cha). Còn nếu lấy bà con bàng hệ thì từ bản thân suy ngang ra đến anh em ba từng kiêm cả nội ngoại thì gồm: Ông Ngoại – Bà Ngoại – Con dì – Cha vợ – Mẹ vợ – Con cô – Con chị em gái – Cháu ngoại – cùng bản thân mình.

Vậy có thể hiểu Cửu Huyền là chỉ những bà con trong chín họ, nói chung như vậy, để chỉ những bà con thân thiết không nhất thiết là trực hệ hay bàng hệ.

Nhưng Lý Đạo chánh yếu là: Khi phổ độ chúng sanh là chúng ta đã cứu độ Cửu Huyền Thất Tổ. Vì nhơn sanh quanh ta có biết bao người hồi tiền kiếp đã là ông bà cha mẹ, họ hàng của chúng ta nay đã đầu thai trở lại. Vả lại khi phổ độ thì con cháu trong kiếp này của chúng ta cũng là đối tượng được độ dẫn trên đường giác ngộ.
 

dong tam

New member
NGUỒN GỐC LỊCH SỬ CỦA LÝ ĐẠO
TU CỨU ĐỘ CỬU HUYỀN THẤT TỔ TRONG TAM KỲ PHỔ ĐỘ


NỘI DUNG

I. DẪN NHẬP

II. LÝ ĐẠO CĂN BẢN CỦA VIỆC TU CỨU ĐỘ CỬU HUYỀN

1. Thành Tâm làm lành lánh dữ
2. Tích cực cầu nguyện và làm công quả
a. Cầu siêu trong Cao Đài Giáo, cần đọc những kinh gì?
b. Chúng ta cần phải làm những gì để có thêm công đức

3. “Độ dẫn nhân sanh” trên đường đạo là việc phải ý thức thực hành hơn là chỉ lo cúng cầu siêu.
4. Làm âm chất: kín đáo làm công quả, không phô trương
5. Tu độ kẻ khác. Độ kẻ khác là độ chính mình. Độ mình là độ Cửu Huyền Thất Tổ

III. KẾT LUẬN
 

dong tam

New member
I. DẪN NHẬP

Lịch sử hình thành của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ theo ghi nhận của Nữ Chánh Phối Sư Hương Hiếu, Đức Chí Tôn khởi sự hướng dẫn Đạo Lý cho chư vị Tiền Khai ngay từ những ngày đầu của năm 1926.

Thuở ấy khi Cao Đài Giáo vẫn còn trong giai đoạn phôi thai của thời kỳ tiềm ẩn, lời Thánh ngôn dạy đạo lần đầu tiên có đề cập đến vấn đề “Tu cứu độ Cửu Huyền Thất Tổ”, một khía cạnh tác dụng thể hiện tính “Đại Ân Xá Kỳ Ba” của Tân Pháp Cao Đài là lời của Thầy đã sớm dạy cho chính bà, Nguyễn Thị Hiếu-hiền nội của ngài Cao Quỳnh Cư trong một đàn cơ vào trung tuần tháng 11 năm Ất Sửu.

Bà Cư ghi lại trong quyển Đạo Sử Xây Bàn như sau:

Mme Cư bạch với Thầy rằng: Má con mắc ở xa làm sao con đi độ được.

Thầy: - Hiếu! Con biết một lòng tu niệm, đạo đức của con đủ cứu Cửu Huyền Thất Tổ rồi. Huống là mẹ con, để Thầy định đoạt. Con đừng lo buồn
.”

Bài học:
Chỉ hai ngày sau khi khởi sự dạy Đạo cho quý vị thuộc Nhóm Xây Bàn, Đức Chí Tôn đã bắt đầu dạy Lý Đạo căn bản cho vấn đề cứu độ Cửu Huyền Thất Tổ. Đó là “Một lòng tu niệm,… đi độ” dẫn nhơn sanh.

Phương cách căn bản này cần phải được các tín hữu Cao Đài chúng ta tìm hiểu cho thông suốt hầu thực hành hiệu quả.
 

dong tam

New member
II. LÝ ĐẠO CĂN BẢN CỦA VIỆC TU CỨU ĐỘ CỬU HUYỀN

Từ những lời Thánh Ngôn trong những năm đầu mới Lập Đạo của Đức Chí Tôn mỗi khi dạy đến vấn đề làm sao để có thể cứu và độ được vong linh cha mẹ của chư vị tiền bối, chúng ta có thể rút ra được một số Lý Đạo căn bản sau:

1. Thành Tâm làm lành lánh dữ:

Ngay khi số tín đồ chỉ mới được vài chục người, Đức Chí Tôn có dạy một vị tiền bối tên là Mắt trong đàn ngày 25 tháng giêng Bính Dần (09.3.1926) như sau:

Mắt, nghe dạy: (…)
Ngươi muốn biết đặng cha ngươi thế nào, hỏi nơi ngươi. Hễ tu thì cứu đặng Cửu Huyền Thất Tổ. Ngươi là hiếu hạnh, chẳng lẽ để cha mẹ chịu đoạ A Tỳ.(…)
Ngươi phải ăn năn, khuyến thiện và tu tâm dưỡng tánh đặng độ nó và ngày sau qui vị mà đặng khỏi đọa luân hồi. Nghe và tuân lịnh dạy.
Tâm thành của ngươi mới đặng mà thôi. Ngươi muốn vậy, làm lành lánh dữ.
Ngày nào đặng vậy, Ta sẽ cho cha ngươi về nói lại cho ngươi biết
.”
[Đức Chí Tôn, Thánh Ngôn chép tay tờ 67B, Thái Thơ Thanh]

Bài học:

Lời của Thầy dạy cho chúng ta tiếp thu hai ý.

. Thứ nhứt là “lòng thành” trong câu kinh Niệm Hương: “Đạo gốc bởi lòng thành tín hiệp”.

Thể hiện qua việc thành tâm ăn năn với những lỗi cũ và thành tâm hướng thiện.

. Thứ hai là “làm lành lánh dữ” trong bài Khai Kinh: “Gốc bởi lòng làm phải làm lành”.
 

dong tam

New member
Đến cuối năm đó, ngày Rằm tháng chạp, sau gần một năm nhập môn hành đạo của ông Tư Mắt, Đức Lý Giáo Tông dạy thêm:

Ngọc Lịch Nguyệt bạch về sự cầu siêu cho ông già Mục Thanh...

- Cầu lễ tại Thánh thất và cả Thánh thất lục tỉnh, chư đạo hữu đều cầu nguyện mà thôi…

Ðại lễ tại chánh Thánh Thất mà thôi.

Thái Mục Thanh, hiền hữu muốn làm chi thì làm.

Lão đã thông cùng Ðịa Tạng Vương, người nói rằng: Phải đem vào Vọng Thiên Ðài, mà đợi một năm nữa, người cho tái kiếp lên Lục Thập Nhứt Ðịa nghe à.
..”
[Đạo Sứ Xây Bàn 2, Mardi 18 Janvrier 1927 (15.12 Bính Dần)]
 

dtcl

Administrator
Xin chen một tý huynh Dong Tam nhé, video các bài kinh cúng Cửu:

Mời huynh tiếp tục ạ :)
 

dong tam

New member
Cảm ơn dtcl.

Clip này, phần nghe tốt nhưng phần nhìn chưa được tốt vì có một số từ không chính xác như lời kinh!

td: "Nắm cây huệ kiếm gươm thần..." nhưng lại viết là "gương thần"
 

dong tam

New member
2. Tích cực cầu nguyện và làm công quả:

Đến giữa tháng 7 Bính Dần, vào ngày 28.8.1926 khi thân mẫu của Ngài Nguyễn Trung Hậu tạ thế, chư Tiền Khai cầu Thầy hỏi về cách cử hành tang lễ. Hôm đó Thầy dạy:

Trung, con tức cấp xuống Cần Giuộc biểu Tương về và cả chư môn đệ Thầy hội lại cho đủ mặt. Phải nhớ biểu Lịch lên, nói với nó Thầy cần dùng bốn vị chức sắc Minh Đường cầu kinh cho mẹ Hậu. Phải có đủ mặt Lễ Sanh mà làm đại lễ cho mẹ nó.

Con Trung, con viết một lá sớ như vầy:


Lịnh Ngọc Hoàng Thượng Đế Viết Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát hứa dữ Địa Tạng Vương Bồ Tát khả thâu chơn hồn thị… tử… nhựt… ngọat… niên, giam tại Vọng Thiên Cung. Chờ công quả Hậu mà thăng lần lên.”

Đưa cho Tắc câu chú, nó đọc mà đốt sớ. Bốn thầy Minh Đường cứ tụng kinh cầu khẩn
.”

Ngài Nguyễn Trung Hậu có ghi chú dưới Thánh Ngôn trên: “Đám tang này là đám táng đầu tiên làm theo nghi lễ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ và có đủ tất cả chư chức sắc trong Đạo đi đưa.”

Bài học:

Chúng ta lưu ý đến lời:

Thầy cần dùng 4 vị chức sắc (…) cầu kinh … Bốn thầy Minh Đường cứ tụng kinh cầu khẩn

và “Chờ công quả Hậu mà thăng lần lên”.

Qua đây chúng ta thấy muốn cầu siêu thoát cho Cửu Huyền Thất Tổ người tín đồ phải thực hiện việc đọc kinh cầu siêu và cần đến các vị chức sắc có đức hạnh cao để sự cầu nguyện đạt hiệu quả. Nhưng đồng thời cũng cần đến sự chung lòng cầu nguyện của các đạo hữu.

Nhưng nếu chỉ đọc kinh thôi cũng chưa đủ mà cần phải có ý thức đến việc làm công quả để hồi hướng cho vong linh
.
 

dong tam

New member
Như vậy việc

a. Cầu siêu trong Cao Đài Giáo, cần đọc những kinh gì?

Qua thực tế trong những buổi cầu siêu, cho dù thuộc Hội Thánh Cao Đài nào, về phần kinh Thiên Đạo được đọc trước Thiên Bàn đều có tụng các bài Cầu Siêu, Cầu Hồn và Di Lạc.

Bài Thánh giáo của Đức Quán Thế Âm hướng dẫn cho một đạo hữu tên Cát ở Tây Ninh là một minh chứng sống động cho sự cần thiết phải đọc các kinh này:

Bần Nữ vì cảm thương lòng thành của thiện tín mà chỉ dẫn cho đôi điều.

Từ đây, thiện tín khá luôn luôn tụng Di Lạc Chơn Kinh cho người. Phải luôn tụng Cầu Siêu và Cầu Hồn đặng rửa bớt sự nặng nề cho vong linh
.”

b. Và việc siêu độ cũng cần đến phần công đức.

Đức Quan Âm dạy tiếp:

Còn âm chất thì càng nhiều lại càng hay.

Phương độ rỗi ấy là nhờ nơi lòng hiếu nghĩa của thiện tín mà làm giảm bớt phần nghiệt chướng nơi cõi thiêng liêng cho nhũ mẫu thiện tín.

Nhưng thiện tín cũng nên biết rằng, khi đã độ rỗi được vong linh kẻ tội lỗi thì âm chất của thiện tín cũng đã sang bớt cho vong linh ấy chút ít rồi.

Như vậy, thiện tín cần phải lập công đức thêm đặng bù vào chỗ đã mất. Đó là chỉ nói về sự độ rỗi vong linh của kẻ thân thuộc mà thôi.


Vì vậy, lúc mới Lập Đạo, khi độ dẫn ông Hội Đồng Lai ở Cần Đước - Long An, Đức Chí Tôn đã sớm dặn:

Lai nghe dạy... Con khá độ cha con, phòng ngày sau khỏi hao hớt công quả con...”

Vậy chúng ta cần phải làm những gì để có thêm công đức hầu có thể chia sớt cho vong linh Cửu Huyền Thất Tổ và bù đắp lại phần đã mất? Đức Chí Tôn và các Đấng Thiêng Liêng đã dạy phải làm âm chất.

Nhưng làm công quả như thế nào mới có âm chất để đạt được hiệu quả có được công đức? Đàn tiếp theo sẽ giúp chúng ta có lời giải đáp.
 

dong tam

New member
3. “Độ dẫn nhân sanh” trên đường đạo là việc phải ý thức thực hành hơn là chỉ lo cúng cầu siêu.

Trái lại, cho dầu thực hiện việc cầu siêu với lễ phẩm linh đình mà lại chưa ý thức được việc hành đạo giúp đời nên vẫn không có hiệu quả.

Ý đạo căn bản này có được từ lời của Đức Chí Tôn dạy cho bà Lâm Ngọc Thanh vào ngày 25 tháng 8 Bính Dần, hai ngày sau khi hơn 245 đạo hữu tập hợp soạn thảo Tờ Khai Tịch Đạo:

Lâm Thị con ôi! (…)

Kìa, Quan Âm Bồ Tát đang châu mày đổ lụy mà cầu nguyện cho con, cầm sẵn tờ hịch chiếu cầu rỗi cho mẹ con,
(…) Con nên thật lòng trông cậy nơi Thầy.

Con ôi! Bao nhiêu của thế gian con đã đổ, đặng cầu siêu rỗi cho mẹ con mà chẳng đặng! Duy nhờ từ ngày con biết thờ phượng Thầy mà mẹ con đã vào Bạch Thiên Cung Án. Con đâu thấy điều ấy cho đặng. Tự nơi con, bởi công con mà Cửu Huyền Thất Tổ con đặng rỗi.

Con phải hiểu biết, vì hiếu của con mà Thầy càng thêm luyến ái. Thầy khuyên con một điều là phải bỏ phận vinh hoa mà cam nâu sồng khổ hạnh. Ngày vinh hiển thiệt của con chẳng phải nơi chốn hồng trần vô vị nầy.Con thương Thầy, con tưởng lấy con, lo độ rỗi cho Thầy lập thành Nữ phái.

Thầy trông cậy nơi con, cũng như con trông cậy nơi Thầy. Cha con hiệp đồng thì đủ quyền thế mà cải số Nam Tào chánh thức, con hiểu à!

Con an tâm. Thầy đủ quyền hành đặng làm cho con đắc thành chánh quả đặng độ rỗi Cửu Huyền Thất Tổ con, con tưởng chắc vậy chăng? Thầy đã nói nó vào Bạch Thiên Cung Án mà còn tội lỗi gì con
.”
 

dong tam

New member
Bài học:

a. Nội dung của đoạn Thánh Ngôn trên cho chúng ta thấy tiền của mà bà Lâm Hương Thanh đã bỏ ra rất nhiều để cầu xin siêu rỗi cho mẹ nhưng không hiệu quả!

- Qua một vài tài liệu Đạo Sử, khá nhiều người biết bà Hương Thanh giàu đến mức độ nào với cả rương vàng bạc châu báu! Và những từ mà Đức Chí Tôn dùng là “đã đổ” giúp cho chúng ta có ấn tượng mạnh mẽ để ý thức rằng vật chất của cải ít có giá trị trong việc cứu Cửu Huyền Thất Tổ. Trái lại, một lần nữa chúng ta thấy bóng dáng của yếu tố “lòng thành, tín” qua lời khuyên của Thầy: “Con nên thật lòng trông cậy nơi Thầy”.

- Gần một tháng rưỡi sau, Đức Chí Tôn có dạy thêm:

Thánh xưa có nói rằng: Thiên Địa vô tư, Thần minh ám sát. Bất vị tế hưởng nhi giáng phước, bất vị thất lễ nhi giáng họa. Cái cách cầu siêu là thế lo lót. Mà Đấng Chí Tôn đâu thọ hưởng của lo lót bao giờ. Chánh Đạo vì cớ mà phân biệt giả Đạo. Chư chúng sanh cứ lấy chơn lý mà phân biệt.”

Nhiều người lầm tưởng phải lập trai đàn cho to, nhờ các vị chức sắc cúng cầu nguyện và chỉ cần làm như thế thôi thì vong linh người thân sẽ được siêu thoát! Đức Chí Tôn chỉ cho chúng ta thấy cách làm cầu siêu như vậy là lo lót, chẳng hề có hiệu quả vì Thiêng Liêng có bao giờ hưởng dụng của lo lót bao giờ!

b. Lời tiếp theo của Đức Chí Tôn:

Duy nhờ từ ngày con biết thờ phượng Thầy mà mẹ con đã vào Bạch Thiên Cung Án (…). Tự nơi con, bởi công con mà cứu Cửu Huyền Thất Tổ con đặng rỗi

giúp cho chúng ta tin rằng từ khi nhập môn vào Đạo Cao Đài rồi thờ phượng Thầy, thực hành Tam Công (công quả, công trình, công phu) giúp đời, rèn luyện đức hạnh, siêng năng cúng kính, tu chơn, v.v… thì chúng ta đã khởi đầu được việc cứu Cửu Huyền Thất Tổ.

Lời Thầy dạy “tự nơi con” nhắc nhở chúng ta nhớ lại vai trò ý nghĩa của chữ Tự trong chữ Đạo khi viết bằng chữ Hán, bản thân mỗi người phải nổ lực trên đường tìm Đạo cho mình. Đồng thời người tín hữu cũng cần phải “tự cường bất tức” nghĩa là phải nổ lực không ngưng nghỉ trên đường bồi công lập đức như đức tính mà quẻ Kiền đã nêu lên.

Đức Chí Tôn lại dạy tiếp:

Con thương Thầy, con tưởng lấy con, lo độ rỗi cho Thầy lập thành Nữ phái. (…) Thầy trông cậy nơi con, cũng như con trông cậy nơi Thầy. Cha con hiệp đồng thì đủ quyền thế mà cải số Nam Tào chánh thức, con hiểu à!”

Chúng ta phải suy gẫm, để ý thức rằng một khi đã tin Thầy, tin vào con đường Cứu Độ Kỳ Ba thì phải gắng công lo “phổ độ nhơn sanh”. Trời đã ban cho “Đại Ân Xá Kỳ Ba” thì người tín hữu hãy hiệp tác cùng nhau và “Thiên Nhân hiệp nhứt” ra sức thực hành sứ mạng. Công đức này “đủ quyền thế mà cải số Nam Tào chánh thức”.

Đoạn Thánh ngôn này thể hiện thêm những khía cạnh khác của Lý Đạo là lòng tin và lòng hòa hiệp trong câu kinh “Đạo gốc bởi lòng thành tín hiệp”.
 

dong tam

New member
4. Làm âm chất: kín đáo làm công quả, không phô trương

Sau ngày Lễ Khai Minh Đại Đạo được hơn một tuần, trong khi cuộc lễ ra mắt của tân tôn giáo Cao Đài đang diễn ra ở Gò Kén – Tây Ninh, Đức Chí Tôn một lần nữa lại dạy ông Mắt:

Mắt! Thầy dặn con cứ nghe lời Thầy.
Con nghe, Thầy giúp con. Làm công quả đặng chuộc tội cho cha con và cứu Cửu Huyền Thất Tổ con.
Song tùy theo con chớ Thầy cũng phải giữ lẽ công bình
.”

Nơi đây chúng ta thấy Đức Chí Tôn dùng đến từ công quả theo ý nghĩa kết quả có thể cứu Cửu Huyền Thất Tổ.
Nhưng cần làm gì và làm như thế nào mới cứu độ được Cửu Huyền Thất Tổ? Thầy dạy tiếp:

“… Chừng nào con làm đủ âm chất, Thầy sẽ cho cha con nhập cơ mà hội diện với con. Nghe à… Cười.”

Bài học:

Một lần nữa, từ “âm chất” được nhắc đến. Thế nào là làm công quả âm chất? Nói một cách đơn giản, đó là làm bất cứ điều gì miễn là việc đó mang lại lợi ích cho người khác nhưng phải làm với tâm vô cầu.

Vì thế khi làm công quả chúng ta không phô trương; tay phải làm mà không cho tay trái biết; không mong và cầu nguyện để bản thân hay gia đình được hưởng kết quả chi cả. Làm vì thấy đó là lẽ phải là đạo lý phải làm, làm với tâm hồn an nhiên thanh tịnh.

Cũng cần để ý tới câu “Song tùy theo con chớ Thầy cũng phải giữ lẽ công bình” và nhớ lại lời Thầy dạy bà Lâm Hương Thanh “Tự nơi con, bởi công con mà Cửu Huyền Thất Tổ con đặng rỗi” để ý thức rằng kết quả siêu độ có hay không, nhanh hay chậm là tùy thuộc vào phần lớn vào công đức của con cháu.

Còn việc cầu siêu chỉ góp phần mang lại hiệu quả chứ không phải là yếu tố quyết định.

Vì thế, bên cạnh những việc âm chất, chúng ta phải góp phần phổ độ chúng sanh để được có thêm công đức hầu cứu độ chính mình và Cửu Huyền Thất Tổ của mình.

Tu là cứu Cửu Huyền Thất Tổ,
Tu là cần phổ độ chúng sanh
.”

Bây giờ, chúng ta hãy tìm hiểu tiếp từ kho tàng Thánh ngôn vào thuở Cao Đài giáo vừa mới chính thức công khai trổ mặt với đời trong Đại Lễ Khai Minh Đại Đạo.
 

dong tam

New member
5. Tu độ kẻ khác, độ kẻ khác là độ chính mình, độ mình là độ Cửu Huyền Thất Tổ.

Trong khi công cuộc Hoằng Khai Đại Đạo vẫn đang diễn ra tại Thiền Lâm Tự – Gò Kén – Tây Ninh, phần đông chư chức sắc Đại Thiên Phong đều lưu lại đó để lo độ nhơn sanh nhập môn cầu Đạo rồi lo hướng dẫn các tín hữu mới về nghi thức lễ bái cùng học hỏi những lời Thánh ngôn ban sơ của Đức Chí Tôn.

Ngày 23 tháng 11 Bính Dần, mười ngày trước ngày giỗ của Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn (03.12), Đầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt có lời xin phép Đức Chí Tôn để được trở về Vĩnh Nguyên Tự lo cúng giỗ, Ngọc Đầu Sư được Thầy dạy:

Lịch: xin cúng cơm cho ông Lão.

- Đặng. Cười… Nếu Thầy định thì Thầy sẽ dạy con đừng cúng kiến chi hết, vì Chơn Nhơn chẳng còn hưởng của phàm bao giờ.

Con làm tiệc đãi, chớ chẳng nên gọi cúng
.”

Đúng ngày giỗ, nhiều người tề tựu về Vĩnh Nguyên Tự. Đàn cơ ngày hôm đó, Đức Chí Tôn cho Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn là cha của Đức Ngọc về dạy:

Ngọc Hoàng Thượng Đế viết Cao Đài Giáo Đạo Nam Phương. Hỉ Chư Môn Đệ.

Lịch, Ngã nhậm ngôn. Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn nhập cơ, Lê Văn Tiểng.

Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn giáng cơ. Hỉ chư đạo hữu, chư đạo muội, chúng đẳng thính ngã.
Đạo bất vị tế hưởng, vi hiếu giả. (…) Ngã vấn hà tất dĩ vi công quả hồ?”

(Đạo chẳng phải để cúng tế, mà là hiếu vậy... Ta hỏi vì sao phải làm công quả?)

Cửu thập nhị ức nguyên nhân kiêm triêu đọa lạc tại thế, bất thoát mê đồ, bất tri chơn đạo. Đẳng chúng bất độ, hà thế thành Đạo hồ?” (Chín mươi hai ức nguyên nhân ngày nay đoạ lạc tại thế gian, không thoát khỏi đường mê, chẳng hiểu biết Chơn Đạo. Không độ hết những kẻ đó thì làm sao thành Đạo tại thế?)

Ngã vấn (…) nhơn nhơn bất tu bất thành Đạo, tu giả hà vi? (Ta hỏi đây? … Người mà không tu thì không thành đạo. Người tu làm gì?).

Tu giả độ nhơn. Độ nhơn độ kỷ, độ kỷ độ Cửu Huyền Thất Tổ thị chi hiếu dã.” (Tu ấy là độ kẻ khác. Độ kẻ khác là độ chính mình. Độ mình là độ Cửu Huyền Thất Tổ. Đó chính là hiếu vậy.)
[Vĩnh Nguyên Tự, Jeudi 6 Janvier 1927 (03.12 Bính Dần)]

Qua lời của Đức Như Ý, Đức Chí Tôn thêm một lần nữa muốn dạy cho chư môn đệ phải ý thức đến việc công quả độ dẫn nhơn sanh. Nếu mỗi người tín hữu có ý thức làm được như vậy, kết quả đó chính là vừa độ mình vừa độ được Cửu Huyền Thất Tổ.
 

Facebook Comment

Top